Ăn bẩn, ở bẩn… sống lâu

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Một số vi khuẩn và dị nguyên lại đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.

Người Việt ta từ xưa luôn tự nhắc nhở bản thân 'nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm', hay nói một cách khác, ông bà chúng ta đều nhận thức rằng, môi trường xung quanh có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người. Hiển nhiên, không chỉ trong quan niệm của ông cha mà ngày nay, chúng ta đều biết, khi nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, đồ dùng trong nhà được lau dọn thường xuyên sẽ giúp mọi người trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, tránh được một số bệnh liên quan đến tiêu hóa và hô hấp. Tuy nhiên, khoa học hiện đại lại chứng minh điều ngược lại: 'ăn bẩn sống lâu'. Vậy đâu là bằng chứng cho kết luận có phần khác thường này?

Ăn bẩn

Ăn bẩn, ở bẩn… sống lâu

Ảnh minh họa

Xã hội hiện đại dường như bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ quá mức đến nỗi chúng ta không có cơ hội tiếp xúc với những vi khuẩn có lợi kích thích hệ miễn dịch hoạt động. Chính vì vậy, khi gặp những vi trùng lạ, hệ miễn dịch sẽ có phản ứng thái quá gây ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động bình thường của cơ thể. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Vi trùng học lâm sàng thuộc Trường Đại học London (Anh) chỉ ra rằng, việc để trẻ em ở 'bẩn' hơn khiến chúng ít bị phát triển các bệnh như hen hay eczema. 

GS. Rook, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng, trẻ em hiện ngày ngày càng dễ bị dị ứng mà nguyên nhân cơ bản là chúng được bảo vệ quá an toàn. Ở Anh, số ca dị ứng trẻ em phải nhập viện đã tăng đến 8% so với cùng kì năm ngoái và không ngừng tăng trong thập niên vừa qua.

Giải thích cho điều này, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, các bậc phụ huynh cần tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch của trẻ em nhiều hơn bằng cách nuôi chó, bởi loài vật này mang trong mình nhiều vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, hoặc đi bộ ở vùng nông thôn cũng là một cách hay để tăng cường vi khuẩn có lợi.

Ở bẩn

Ăn bẩn, ở bẩn… sống lâu

Ảnh minh họa

Theo các nhà miễn dịch học đến từ Trung tâm Nhi khoa Johns Hopkin (Mỹ), cũng giống 'ăn bẩn', việc 'ở bẩn' cũng một phần nào đó giúp các thành viên trong gia đình chống lại bệnh hen, dị ứng thời tiết hay bệnh thở khò khè.

Sau 3 năm nghiên cứu, họ thấy rằng trẻ em ở những gia đình có nhiều bọ chuột, bọ mèo hay thậm chí cả phân gián có khả năng chống lại một số bệnh liên quan đến dị ứng thời tiết. Theo TS. Robert Wood, trưởng nhóm nghiên cứu, tỉ lệ mắc bệnh thở khò khè ở những đứa trẻ không được tiếp xúc với dị nguyên cao gấp 3 lần so với những đứa trẻ sống trong gia đình nghèo có dị nguyên trong nhà.

Các phản ứng miễn dịch được hình thành trong những năm đầu đời của trẻ, nhưng kì lạ thay, một số vi khuẩn và dị nguyên lại đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. 

Lưu ý

Những nghiên cứu trên rõ ràng không hoàn toàn phủ nhận tác dụng của việc vệ sinh nhà cửa mà chỉ mang đến một thông điệp, đừng bảo vệ con cái quá khắt khe trước môi trường tự nhiên. Hãy để chúng từ từ thích ứng để hình thành những phản ứng miễn dịch cần thiết để cơ thể phát triển khỏe mạnh. 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!