TS Đỗ Anh Tuấn tư vấn cho bệnh nhân về sỏi mật.
Chia sẻ tại buổi khám miễn phí, PGS, TS Trần Đình Thơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tỷ lệ bệnh sỏi mật vẫn còn rất cao tại Việt Nam, trong đó, tỷ lệ người dân ở nông thôn mắc bệnh sỏi đường mật còn nhiều do tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Trong khi đó, hiện nay có xu hướng gia tăng các bệnh lý sỏi túi mật ở người dân sống tại thành thị, giống như một số nước phát triển.
PGS Thơ cho biết bệnh lý sỏi cũng do thói quen của từng vùng. Ở nông thôn tập quán trồng hoa màu, dùng phân sống để tưới nên về mặt dịch tễ học, tỷ lệ người nông thôn mắc giun đũa nhiều dẫn tới việc nhiễm ký sinh trùng. Còn tại thành thị, xu hướng chế độ ăn không cân đối thực phẩm. Vì thế, những người ăn quá nhiều chất béo nói chung như sữa, bơ, dầu, mỡ… thì dẫn tới tích những sỏi cholesterol ở trong mật và tạo sỏi mật.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết mỗi năm khoa khám cho khoảng 3.000 người bệnh các bệnh lý về gan mật, thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật. Tuy nhiên, trong đó có tới hơn 1.000 ca liên quan đến bệnh lý sỏi mật.
Sỏi đường mật do hai nguyên nhân do chuyển hóa hoặc do nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng. Nếu mắc ký sinh trùng ở chỗ nào sẽ sinh sỏi ở chỗ đó nên vị trí mắc sỏi trên cơ thể con người không giống nhau.
Sỏi mật do chuyển hóa, cholesteron tập trung ở túi mật. Sỏi túi mật thường là sỏi cholesteron rất cứng. Sỏi từ túi mật rơi vào ống mật dễ gây viêm nhiễm, ảnh hưởn tới cả lá gan. Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỉ lệ sỏi cholesterol chỉ chiếm 30-50% các trường hợp. Loại sỏi này thường gặp ở người béo phì, phụ nữ gặp nhiều gấp hai nam giới, dùng chế độ ăn của người phương Tây, dùng thuốc tránh thai estrogen.
Sỏi mật thứ hai hay gặp là sỏi sắc tố được hình thành từ calcium và bilirubin, chứa ít nhất 90% bilirubin. Ngoài ra, còn sỏi mật hỗn hợp: Là sự kết hợp của sỏi cholesterol và sỏi sắc tố
Nếu sỏi mật được phát hiện tình cờ và không gây triệu chứng, người bệnh không cần điều trị mà chỉ thận trọng theo dõi tiến triển của bệnh.
Theo TS Tuấn Anh, bệnh sỏi túi mật phát hiện rất đơn giản qua siêu âm và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng.
Nếu người dân thấy đau bụng, đặc biệt đau vùng gan, sốt, trong cơn sốt có rét run, có dấu hiệu vàng da… thì cần phải đến cơ sở y tế thăm khám. Nếu người dân chủ quan, không khám định kỳ khi có sỏi thì rất dễ gặp nhiều biến chứng như viêm hoại tử túi mật hoặc sỏi rơi vào đường mật gây biến chứng viêm tụy cấp, tắc mật cấp…
Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ cũng cấp cứu một số trường hợp có sỏi túi mật, sỏi trong gan không có triệu chứng rõ ràng nhưng khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải: đau âm ỉ hoặc đau dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị; sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… thì cũng là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng
Để phòng bệnh sỏi mật, TS Đỗ Tuấn Anh khuyến cáo người dân cần ăn chính, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6-1 năm. Khi phát hiện sỏi mật, polyp túi mật và bất thường cần đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn điều trị sớm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!