An tâm khi đến bệnh viện

Thời sự - 03/29/2024

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bệnh viện tại TPHCM cho biết, lượng bệnh nhân đến bệnh viện (BV) khám chữa bệnh sụt giảm hơn so với trước. Nguyên nhân được cho là do tâm lý e ngại đến nơi đông người của người dân. Tuy nhiên các bác sĩ cảnh báo, một số người bệnh có nguy cơ bệnh trở nặng hơn nếu không được khám, điều trị kịp thời.

An tâm khi đến bệnh viện

Người dân đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM đều được đo thân nhiệt ngay từ cổng bệnh viện

Lượt khám chữa bệnh giảm mạnh

BV Chợ Rẫy TPHCM, nơi trước đây mỗi ngày có 5.500 - 6.000 người bệnh đến khám ngoại trú thì nay con số này chỉ còn khoảng 4.000 lượt khám. Không còn cảnh đông đúc, chen chúc đến ngột ngạt thường thấy, những ngày gần đây người bệnh đã cảm thấy 'dễ thở' hơn khi đi khám bệnh. Bệnh nhân Võ Thị Mến (61 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) cho biết: 'Các khâu chờ đến lượt khám, đóng tiền, chờ chụp phim, trả kết quả… cũng nhanh hơn bình thường'.

Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Chợ Rẫy, trong bối cảnh dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như Việt Nam, việc người dân có tâm lý e ngại đến nơi đông người là điều dễ hiểu. Vì thế, nhiều người đã 'hoãn', không đi khám bệnh trong dịp này.

Tương tự, tại BV Da liễu TPHCM, nếu trước đây mỗi ngày có hơn 2.200 lượt khám bệnh thì nay con số này chỉ còn khoảng 1.800 ca, giảm 20% - 25% so với trước. TS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu, cho biết: 'Đương nhiên giảm bệnh nhân thì nguồn thu chắc chắn giảm, nhưng so với những đồng nghiệp phải trực tiếp chống dịch thì khó khăn của chúng tôi chỉ là chuyện nhỏ'. Có mức giảm mạnh hơn là Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, những ngày gần đây, số lượt khám chữa bệnh đã giảm đến 50%.

PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phụ trách phòng khám, cho biết do dịch Covid-19, đa số người dân lo sợ phải đến các cơ sở y tế vì những nơi này thường đông người. Nhiều người có tâm lý chỉ khi cần cấp cứu hoặc bệnh nặng mới phải đến BV. Cảnh tượng 'vắng' bệnh nhân cũng diễn ra tại các BV nhi trên địa bàn thành phố. Tại BV Nhi đồng 1, hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2.000 - 3.000 ca khám ngoại trú, trong khi trước kia lên đến 5.000 - 6.000 bệnh nhi/ngày. Còn BV Nhi đồng 2 thì mỗi ngày hiện chỉ có khoảng 2.000 - 2.500 bệnh nhi đến khám, có ngày giảm xuống dưới 2.000 lượt.

Nguy hiểm khi không thăm, khám kịp thời

Mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 từ 3 năm nay, đều đặn mỗi tháng 2 lần, bà Lê Thu Nga (65 tuổi, ngụ quận 2) đến BV Quận 2 tái khám, kiểm tra đường huyết và được bác sĩ kê đơn thuốc. Thế nhưng hơn một tháng nay, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, bà không đi tái khám.

'Tôi nghe báo đài nói hạn chế đi ra đường, hạn chế đến nơi đông người nên tôi không dám đi tái khám, mà tự ở nhà theo dõi đường huyết, lấy toa thuốc cũ mà bác sĩ kê cho hồi đầu tháng 2 để mua thuốc uống', bà Nga cho biết.

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, bà Nga không phải là trường hợp ngoại lệ, tình trạng người dân tự ý sử dụng lại toa thuốc cũ mà không tái khám theo lịch do e ngại dịch bệnh đã trở nên phổ biến. 'Việc sử dụng lại đơn thuốc là vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với những người bệnh mãn tính. Không phải tự dưng mà các bác sĩ chỉ định lịch tái khám cho người bệnh. Đã hẹn lịch tái khám có nghĩa là người bệnh cần thiết phải quay lại để được kiểm tra sau khoảng thời gian đó, nếu không quay lại thì có nguy cơ bệnh trở nặng, thậm chí có thể tử vong. Có khi không chết vì dịch Covid-19 mà chết vì các bệnh đang mắc phải', bác sĩ Hiệp lưu ý.

Cùng ý kiến phản đối người bệnh tự ý sử dụng lại toa thuốc cũ, bác sĩ Phạm Thanh Việt cho rằng, với những người bệnh có nguy cơ cao thì việc sử dụng toa thuốc cũ tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định. Ví dụ, những người bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp nếu sử dụng lại toa thuốc cũ thì hiệu quả kiểm soát đường huyết, huyết áp sẽ giảm nhưng người bệnh vẫn không hay biết, từ đó có sự chủ quan. Đến một thời điểm nào đó, bệnh sẽ bắt đầu có biến chứng như gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...

'Bình thường việc giảm lượng bệnh nhân đến BV là tín hiệu vui, vì sức khỏe của người dân ổn định. Tuy nhiên, nếu như vì lo ngại dịch bệnh mà không đến BV để khám bệnh kịp thời thì lại vô cùng nguy hiểm, bởi vô tình đã bỏ qua giai đoạn vàng, phát hiện sớm bệnh, đến khi bệnh nặng quá mới đi khám thì mọi việc đã không thể cứu vãn', bác sĩ Nguyễn Thanh Việt khuyến cáo.

Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế. Đơn cử như các BV Đại học Y Dược TPHCM, Da liễu, Thống Nhất... đều tăng cường công tác sàng lọc tất cả đối tượng vào khuôn viên BV (người bệnh, người nhà người bệnh, người nuôi bệnh, người thăm bệnh, đối tác đến làm việc, học viên…), trước khi vào cổng đều được nhân viên y tế của BV đo thân nhiệt, sát khuẩn tay.

Do đó, người dân nên yên tâm, tin tưởng vào các giải pháp phòng dịch của BV. Các bác sĩ khuyến cáo, khi có bệnh người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, đồng thời quay lại tái khám đúng hẹn tránh tình trạng để bệnh quá nặng, sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi đến BV hoặc những nơi đông người, người dân cần trang bị khẩu trang, hạn chế nói chuyện, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn… để phòng dịch.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!