Đây là phương pháp không chính thống và không có cơ sở khoa học
Theo các chuyên gia điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học.
Từ 68.000 ca mắc mới ung thư vào năm 2000, theo báo cáo mới đây của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), số ca mắc mới ung thư tại nước ta năm 2018 đã tăng lên 164.671 người, trong đó có 114.871 người tử vong và hơn 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư. Khi phát hiện bị mắc ung thư, đa phần người bệnh hoang mang, không biết sẽ phải điều trị như thế nào.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân áp dụng phương pháp điều trị ung thư bằng thực dưỡng Ohsawa - một hình thức ăn chay và phải nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội,.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh thực dưỡng áp dụng được cho người bị ung thư. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chế độ dinh dưỡng của các bệnh nhân được xây dựng rất cẩn thận, ăn đa dạng các thực phẩm, gồm thịt, cá, trứng, sữa, không loại bỏ thức ăn nào, đồng thời tăng cường rau, quả để cung cấp vitamin và sức đề kháng.
Khi cơ thể dinh dưỡng kém, mô ung thư vẫn phát triển và lấy dưỡng chất trong cơ thể, thậm chí còn lấy nhiều dinh dưỡng từ cơ thể hơn các mô tế bào bình thường khác, khiến người bệnh nhanh chóng bị suy kiệt, suy tạng. Những người bệnh đang điều trị ung thư cần hạn chế nguyên nhân gây ung thư, đồng thời tăng cường tập thể dục chứ không nên hạn chế cực đoan về dinh dưỡng. Ngoài ra, người bệnh nên có thực đơn cân đối, không nên quá thừa chất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hồng Thăng, Phó Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện K chia sẻ, không ít người bệnh tìm đến các phương pháp chữa ung thư chưa được kiểm chứng, như: Nhịn ăn, thực dưỡng Ohsawa... Đơn cử như một bệnh nhân nữ ở Hà Nội mắc ung thư đại tràng, khối u đã di căn. Sau khi đã điều trị hóa chất tại Bệnh viện K, bệnh nhân bỏ điều trị, áp dụng chế độ nhịn ăn với hy vọng tế bào ung thư ngừng phát triển. Sau hơn 40 ngày chỉ uống nước, bệnh nhân này chỉ còn da bọc xương, cơ thể suy kiệt. Sau đó, bệnh nhân trở lại chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường nhưng đã tử vong.
Hiện nay trên mạng xã hội cũng lan truyền phương pháp kiềm hóa máu để trị ung thư. Bác sĩ Vũ Hữu Khiêm, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, phương pháp này không chỉ được lan truyền ở Việt Nam mà còn lan truyền ở một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, đây là phương pháp không chính thống và không có cơ sở khoa học.
Mắc ung thư chưa hẳn là dấu chấm hết
Đối với nhiều người dân, nhắc tới ung thư đồng nghĩa với 'án tử'. Thế nhưng, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm cho rằng, trên thực tế, 1/3 số bệnh ung thư có thể dự phòng được, 1/3 các loại bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngoài ra, với tiến bộ y khoa, các phương pháp điều trị tốt, có thể kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng sống cho 1/3 số bệnh ung thư còn lại.
Tùy loại ung thư, thể bệnh và giai đoạn bệnh, có thể sử dụng một hay kết hợp nhiều phương pháp điều trị. Khi thấy có các dấu hiệu như: Sờ thấy u, hạch bất thường, thay đổi thói quen đại tiểu tiện, đau bụng, phân có máu, đi tiểu ra máu, vết loét lâu liền ở da, đau đầu, lác mắt, khó ngủ, ho kéo dài... người dân cần đến các bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra. Người bệnh không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp chưa có cơ sở khoa học.
Do đó, thay vì tuyệt vọng, sớm đầu hàng số phận, bệnh nhân ung thư cần gặp bác sỹ chuyên khoa để được tư vấn cặn kẽ về bệnh, giai đoạn bệnh, các biện pháp điều trị và tiên lượng bệnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!