Áp xe răng là một dạng nhiễm trùng bị gây ra bởi sâu răng, mắc các bệnh về nướu hoặc răng bị nứt. Những bệnh này có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào tủy (các mô mềm của răng có chứa các dây thần kinh, mạch máu và mô liên kết) và có thể khiến tủy bị chết, còn gọi là hiện tượng chết tủy.
Mủ tích tụ tại các đầu rễ trong xương hàm tạo thành túi mủ gọi là áp xe. Áp xe răng không được điều trị có nguy cơ gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng trong xương hàm, răng và các mô xung quanh.
Dấu hiệu và triệu chứng của áp xe răng là gì?
Các triệu chứng của áp xe răng bao gồm:
- Đau răng;
- Sưng răng;
- Nướu tấy đỏ;
- Miệng có mùi hôi, cảm nhận có vị khó chịu trong miệng;
- Sốt.
Có thể có các biểu hiện và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bạn nên làm gì khi bị áp xe răng?
Trong quá trình điều trị, để giúp cải thiện tình trạng răng miệng, bạn nên:
- Súc miệng bằng nước muối ấm;
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Advil, Motrin IB) khi cần thiết.
Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn nếu tình trạng của bạn không cải thiện hoặc nếu bạn có bất kì thắc mắc nào.
Khi nào bạn cần gặp nha sĩ?
Hãy đến gặp nha sĩ nếu bạn có bất kì dấu hiệu hoặc triệu chứng nào được nêu trên.
Hãy đến bệnh viện ngay nếu bạn bị sốt hoặc sưng cả khuôn mặt mà không thể gặp nha sĩ được.
Gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện nếu bạn cảm thấy khó thở hoặc khó nuốt. Những triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng ăn sâu vào xương hàm, những tế bào lân cận hoặc thậm chí những bộ phận khác trên cơ thể.
Làm thế nào để phòng tránh áp xe răng?
Vệ sinh răng miệng tốt và đi khám nha sĩ thường xuyên sẽ giúp bạn giảm nguy cơ xuất hiện áp xe răng. Bên cạnh đó, bạn nên dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước lọc sau mỗi bữa ăn để làm sạch các mảng bám trên răng, đặc biệt là sau khi bạn ăn đồ ngọt.
Nếu răng của bạn đã từng bị tổn thương (bị lung lay hoặc bị sứt mẻ) hãy đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời và tránh biến chứng thành áp xe răng.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!