Bác sĩ CKII Lý Kiều Diễm – trưởng khoa Nội, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh cho biết sốt là phản ứng có lợi của cơ thể. Khi nhiệt độ bé từ 38,5 trở lên mới coi là sốt.
Sai lầm 1: Hơi nóng đã uống hạ sốt
BS Diễm cho biết, chị mới tiếp nhận cháu bé đến khám vì sốt nhưng nhiệt độ của trẻ chưa đạt 38 độ chỉ có 37 độ 5. Vì mẹ bé lo lắng nên đã cho con uống hạ sốt để phòng bé có thể sốt cao hơn. Phụ huynh này cho rằng sốt nhẹ cho uống hạ sốt còn sốt cao hơn thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt dạng viên đạn đút hậu môn.
Cũng có nhiều bà mẹ lo lắng con sốt sẽ co giật nên cứ cho uống thuốc để phòng co giật. Theo bác sĩ Diễm, nhiều bà mẹ, nhất là những người từng chứng kiến con bị co giật thường cảm thấy rất lo lắng khi con sốt nên dù nhiệt độ của con chỉ hơi nóng nóng chưa đạt 38,5 độ họ cho con uống hạ sốt ngay. Tuy nhiên, đây là một sai lầm.
Bé cần hạ sốt khi sốt cao 38.5 độ C
Theo nghiên cứu, nếu trẻ chưa đến độ sốt (38,5 độ) đã cho uống thuốc hạ sốt không thể ngăn cơn co giật sắp xảy ra. Vì vậy, khi con sốt nên bình tĩnh theo dõi tình trạng của con xem nhiệt độ cơ thể, tri giác của con như thế nào.
Nếu trẻ sốt nhưng vẫn chơi đùa thì chỉ cần theo dõi con, không nên quá lo lắng. Trẻ co giật do sốt lành tính thì không quá hoảng loạn vì không ảnh hưởng tới phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Sai lầm 2: Chờ đến viện mới cho hạ sốt
Bác sĩ Diễm cho biết, trái ngược với các phụ huynh có con sốt là cho uống thuốc luôn thì có nhiều trường hợp mang con đến khám sốt cao mà không cho uống hạ sốt. Khi bác sĩ hỏi thì mẹ cho biết không cho hạ sốt mà muốn bác sĩ chứng kiến con sốt như thế nào. Điều này cũng lại là sai lầm.
Bác sĩ Diễm cho biết, khi trẻ sốt, nên cho trẻ hạ sốt để trẻ cảm giác dễ chịu hơn. Cha mẹ theo dõi con, trường hợp trẻ li bì, tím tái, co giật thì nên đưa đến cơ sở y tế. Không nên để trẻ sốt tự nhiên rồi đưa đến bác sĩ.
Khi khám, bác sĩ chỉ cần biết trẻ sốt đến bao nhiêu độ C đã được cha mẹ cặp nhiệt độ tại nhà hay chưa là đủ, không nên để trẻ sốt cao và chờ bác sĩ hạ sốt.
Sai lầm 3: Bỏ qua cân nặng khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt
BS Diễm cho biết cân nặng của trẻ quyết định tới việc sử dụng thuốc của trẻ. Khi đi mua thuốc hay tại bệnh viện các bác sĩ cũng phải đo cân nặng để đưa ra quyết định về liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ. Thuốc hạ sốt có hàm lượng từ 80 mg đến 150 mg cần uống đúng liều lượng.
Các bác sĩ BV Nhi đồng thành phố điều trị cho bệnh nhi
Những trẻ thừa cân, béo phì, việc sử dụng thuốc hạ sốt cũng cần chú ý tới tuổi của trẻ vì có thể có tác dụng phụ.
Cách uống chuẩn đó là cân nặng của bé nhân với 10 – 15mg. Ví dụ bé 10kg thì mua thuốc 100 – 150mg. Đây là khoảng liều an toàn cho bé hạ sốt. Công thức trên là tính hàm lượng paracetamol.
Một số loại thuốc như inbufen, aspirin không được khuyến cáo rộng rãi ở nước ta do có sốt xuất huyết. Thuốc an toàn nhất vẫn là paracetamol với các hàm lượng khác nhau.
Khi sử dụng thuốc, bác sĩ Diễm nhấn mạnh tuyệt đối không sử dụng quá liều. Nhiều trường hợp phụ huynh cho con uống hạ sốt bằng thuốc uống. Khi không thấy con hạ sốt lại nhét thêm 1 viên thuốc hạ sốt vào hậu môn. Đây là sai lầm rất hay gặp.
Bác sĩ Diễm cho biết, viên uống, hay viên nhét hậu môn đều phải đúng số liều như trên. Thông thường, người ta sẽ sử dụng viên đặt hậu môn cho trẻ sốt kèm nôn ói, trẻ đang ngủ không nên đánh thức trẻ để uống hạ sốt. Khi đặt hậu môn hay uống đều đảm bảo từ 4 đến 6 tiếng 1 lần.
Sai lầm 4: Hạ sốt bằng chườm, ủ
Nhiều phụ huynh dùng chanh, rượu tắm cho con để hạ nhiệt. Đã có trẻ bị ngộ độc rượu vì khi tắm, rượu thẩm thấu qua da. Cách dùng rượu tắm không có tác dụng hạ sốt.
Con đang sốt đi tắm cho trẻ để trẻ mát thì cần tắm nhiệt độ tắm ngang với nhiệt độ của cơ thể.
Việc chườm mát, lau mát không được khuyến cáo chỉ khi nào trẻ uống hạ sốt khoảng 30 phút có thể lau mát thêm.
Còn việc sử dụng miếng dán chỉ có tác dụng tâm lý vì miếng dán làm lạnh, không phải thuốc, không có tác dụng hạ sốt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!