Nếu có một điều gì đó có thể khiến các bà mẹ, đặc biệt là các bà mẹ mới sinh con đầu lòng nôn nao, bồn chồn, hoang mang, lo lắng đến bấn loạn, thì có lẽ 'đề cử' chiếm tỉ lệ áp đảo hơn cả hẳn sẽ là 'CON ỐM'.
'Con ốm' – tôi vẫn nhớ những lần đầu tiên trải qua cảm giác này, khi con sốt cao sắp co giật tôi chỉ biết hét lên gọi chị hàng xóm – vốn là một… bác sĩ chuyên khoa mắt, rồi sau đó là hàng chục cú điện thoại tới bạn bè để 'bám víu' vào những chỉ dẫn đầy kinh nghiệm của họ, khám ở đâu, bác sĩ nào đang 'hot', uống thuốc này chứ đừng có uống thuốc kia, 'mẹo' dân gian này hiệu quả lắm, và sau đó nữa là cuống cuồng đăng lên facebook cá nhân, đăng thêm ở một hội kín các mẹ vô cùng lo lắng và thảm thiết 'Các mẹ ơi, con em bị…., bạn ấy cứ… suốt hai hôm nay rồi? Giờ em phải làm sao hả các mẹ?' rồi khẽ bớt căng thẳng một chút khi có mẹ nào đó bình luận là 'ôi không sao đâu, con chị cũng thế, em cứ theo dõi mấy hôm là khỏe ý mà'… Tôi làm tất cả những việc đó trước khi đưa con tới bệnh viện, gặp bác sĩ, với tất cả sự hốt hoảng và lo lắng của một người mẹ.
Tôi đoán là khi đọc đến đây, có thể nhiều ông bố, bà mẹ sẽ chép miệng 'Ơ, thế thì sao, bình thường mà!', đúng là 'cũng bình thường mà', vì xung quanh bạn, xung quanh tôi, có vô số các bố mẹ đang có 'quy trình xử lý khủng hoảng con ốm' như vậy. Và đó thực sự là một điều vô cùng nguy hiểm!
Có rất nhiều cha mẹ luôn mong đợi bác sỹ phải kê đơn thuốc kháng sinh cho con mình, và họ không hài lòng khi con không được chỉ định dùng thuốc kháng sinh.
Điều đầu tiên bạn nghĩ đến khi biết tin mình sắp chào đón một em bé và 'lên chức' cha mẹ là gì? Phần lớn chúng ra sẽ nghĩ đến đặt tên em bé là gì, chuẩn bị quần áo đồ dùng cho em bé ra sao, sẽ nuôi dạy em bé theo phương pháp giáo dục sớm gì, em bé sẽ ăn dặm theo phương pháp nào, nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức, có nên luyện ngủ cho em bé hay cho em bé ngủ riêng không… Mối quan tâm của chúng ta chủ yếu xoay quanh những vấn đề như vậy. Hầu như rất ít bố mẹ dành đủ thời gian để có một 'chiến lược chăm sóc sức khỏe' cho em bé sắp chào đời, trong khi việc quan trọng này thậm chí còn nên triển khai từ khi bạn mới lên kế hoạch có em bé.
Ngoài những vấn đề sức khỏe cơ bản như việc ăn, ngủ của em bé, 'chiến lược chăm sóc sức khỏe' còn bao gồm cả việc bố mẹ chủ động tìm hiểu, học hỏi những kiến thức y học thường thức, làm giàu sự hiểu biết của mình bằng những kiến thức khoa học cập nhật, văn minh hay tìm hiểu và lưu trữ các địa chỉ bệnh viện, phòng khám cũng như các bác sĩ chuyên khoa giỏi, có uy tín.
Kiến thức sơ sài và sự thiếu chuẩn bị những thông tin cần thiết khiến cho các bố mẹ mắc rất nhiều sai lầm khi con ốm, một trong những sai lầm nguy hiểm nhất chính là tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh. Không khó để gặp các ông bà, bố mẹ con vừa hung hắng ho hay sụt sịt mũi đã lao đi mua thuốc kháng sinh để 'dập ngay từ đầu', không khó để tìm thấy những phòng khám kê đơn cho trẻ là những túi thuốc thập cẩm xanh đỏ tím vàng không tên, không hướng dẫn sử dụng mà vẫn nổi như cồn vì 'kê đơn nhạy lắm, vừa uống một hôm là đỡ hẳn'…
Trong bài viết 'Tại sao kháng sinh gây hại cho sức khỏe con bạn', bác sĩ nhi khoa Phillippe Jean Collin, một bác sĩ được rất nhiều cha mẹ Việt tin tưởng chia sẻ rằng: 'Có rất nhiều cha mẹ luôn mong đợi bác sỹ phải kê đơn thuốc kháng sinh cho con mình, và họ không hài lòng khi con không được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Mỗi khi thăm khám bác sỹ, họ chỉ cảm thấy yên tâm khi nhận được một túi đầy các loại thuốc, bất kể đứa trẻ có thật sự cần dùng thuốc hay không. Họ yêu cầu được dùng kháng sinh, khiến các bác sỹ đôi khi phải phá vỡ nguyên tắc, kê đơn chỉ để làm bệnh nhân cảm thấy hài lòng'.
Việt Nam bị liệt vào đầu bảng danh sách các quốc gia xảy ra nạn lạm dụng kháng sinh tràn lan. Đã có rất nhiều bài báo và công trình nghiên cứu báo động khả năng xảy ra đại dịch toàn cầu bởi lạm dụng kháng sinh và sự nguy hại của 'siêu vi khuẩn'. Các bố mẹ Việt đang góp phần 'châm lửa' cho đại dịch đó bằng thói quen sử dụng thuốc kháng sinh hết sức vô tội vạ của mình.
Theo Bác sĩ Collin: 'Nếu một đứa trẻ lạm dụng kháng sinh và vi khuẩn đề kháng lại loại thuốc đó, trên những đứa trẻ khác có tiếp xúc gần với em bé này (trong trường mẫu giáo, nhóm chơi, v.v), thuốc kháng sinh cũng sẽ hoàn toàn bị mất tác dụng.' (Ảnh: HM)
Bác sĩ Collin kể lại: 'Tôi đã từng điều trị cho một em bé người Việt, dù bé mới chỉ một tuổi nhưng đã bị kê cho hàng loạt kháng sinh nhiều hơn tất cả các loại kháng sinh tôi đã dùng trong suốt cuộc đời. Đáng buồn thay, em bé này không phải là trường hợp ngoại lệ. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm gia tăng các loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc'.
Bên cạnh việc tạo ra 'siêu vi khuẩn', lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ phá hủy hệ miễn dịch của cơ thể người. Các 'vi khuẩn có lợi' trong ruột chúng ta tương tác với các tế bào hệ miễn dịch và đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng các chức năng của hệ miễn dịch. Sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi sẽ giết chết 'vi khuẩn có lợi' và gây rối loạn sự cân bằng này. Điều này khiến cho một loạt các bệnh cơ hội khác như dị ứng, hen suyễn, viêm da dị ứng, các bệnh viêm nhiễm mãn tính khác đua nhau bùng nổ.
Trong bài viết của mình, bác sĩ Collin cho biết: 'Siêu vi khuẩn kháng thuốc là mối lo ngại cho toàn bộ cộng đồng, bởi nó sẽ đe dọa tới cả những đứa trẻ thậm chí chưa từng sử dụng kháng sinh trong đời. Siêu vi khuẩn này có khả năng chia sẻ thông tin di truyền theo cách con người chia sẻ dữ liệu qua thẻ nhớ di động USB. Quá trình này được diễn tả qua thuật ngữ 'plasmid'. 'Plasmid' là một vòng DNA nhỏ được chuyền qua lại giữa các vi khuẩn. Một plasmid có thể chứa các loại genes giúp các vi khuẩn khác kháng lại sức công phá của kháng sinh. Nếu một đứa trẻ lạm dụng kháng sinh và vi khuẩn đề kháng lại loại thuốc đó, trên những đứa trẻ khác có tiếp xúc gần với em bé này (trong trường mẫu giáo, nhóm chơi, v.v), thuốc kháng sinh cũng sẽ hoàn toàn bị mất tác dụng'.
Đó chính là lý do vì sao, các bố mẹ cần có hiểu biết và kiến thức sâu sắc khi khám chữa bệnh và dùng thuốc cho con, để bảo vệ con không chỉ lúc con ốm mà còn ngay cả khi con khỏe mạnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!