Bệnh khó lây từ người sang người
BSCKI. Đào Quang Trung - Phụ trách khoa Vi sinh, BVĐK Đức Giang cho biết, các bác sĩ của khoa Vi sinh đã nhiều lần nuôi cấy phân lập và định danh được vi khuẩn B. pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Melioidosis hay bệnh Whitmore). Điển hình là ca bệnh mới đây, bệnh nhân sinh năm 1939 vào viện ngày thứ 10 của bệnh với biểu hiện sốt cao 38-39 độ C, liên tục, có cơn rét run, đau đầu, mệt mỏi. Qua thăm khám toàn thân, các bác sĩ không phát hiện các ổ nhiễm khuẩn hay ổ áp xe. Xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn với bạch cầu máu ngoại vi tăng cao.
Bệnh nhân được điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm. Kết quả cấy máu dương tính sau 2 ngày nuôi cấy sau đó khoa Vi sinh đã tiến hành định danh bằng hệ thống máy tự động kết quả cho ra dương tính với Burkholderia Pseudomallei.
Theo BS. Trung, loại vi khuẩn này được tìm thấy trong nước bẩn, đất, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Tuy nhiên, bệnh rất khó lây từ người sang người.
'Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da'- BS. Trung cho hay.
Bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore 'ăn' cánh mũi.
Biều hiện lâm sàng của bệnh Melioidosis rất đa dạng. Mỗi thể bệnh có các triệu chứng lâm sàng khác nhau và do vậy có thể bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh Lao và các bệnh lý viêm phổi thông thường. Các thể bệnh thường gặp của Melioidosis là: Viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng tản mạn, nhiễm trung khu trú (áp xe cơ, áp xe phần mềm, viêm hạch, viêm xương,…).
Để chẩn đoán xác định bệnh Whitmore, cần nuôi cấy phân lập được vi khuẩn từ máu hoặc các dịch của cơ thể hoặc xác định được sự hiện diện của kháng nguyên hoặc kháng thể trong máu hoặc dịch của cơ thể. Có nhiều các test dùng để các định kháng nguyên, kháng thể như các test ELISA, phản ứng khuếch đại chuỗi gen (PCR) .
Không phải 'vi khuẩn ăn thịt người'
PGS.TS Bùi Vũ Huy - Giảng viên Cao cấp Bộ môn Truyền nhiễm, Đại Học Y Hà Nội – Cố vấn Khoa nhi, BV Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, nơi đã từng tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm Whitmore khẳng định: “Bệnh Whitmore không phải là bệnh “ăn thịt người” như dư luận đồn thổi trong thời gian vừa qua”.
Vi khuẩn Whitmore là một loại vi khuẩn gram âm, yếu, tồn tại trong bùn, đất và chỉ lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da. Và vi khuẩn này chỉ có nguy cơ xâm nhập cao vào cơ thể có đề kháng kém như các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính. Trong trường hợp, bệnh nhân không được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh sẽ gây ra hoại tử các tổ chức. Trong đó các tổ chức mà vi khuẩn hay tấn công như xương cánh mũi, xương hàm, các tổ chức cơ tay và chân, do đó sẽ có nguy cơ tổn thương hơn cả khi vi khuẩn xâm nhập.
Trong trường hợp bệnh nặng mới gây hoại tử, còn vi khuẩn Whitmore không có khả năng 'ăn' các tế bào nên không thể gọi là vi khuẩn “ăn thịt người” như một số thông tin lan truyền. Điều này, sẽ gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Hạn chế tiếp xúc bùn đất, nguồn nước bị ô nhiễm để phòng bệnh Whitmore. Ảnh minh hoạ.
Lý giải nguyên nhân gia tăng số bệnh nhân mắc căn bệnh này trong thời gian gần đây, PGS. Huy cho rằng, nước ta là nước nhiệt đới, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường bùn đất, nơi vi khuẩn Whitmore cư trú nên việc nhiễm vi khuẩn Whitmore là điều khó tránh khỏi.
Đặc biệt, đối với những người có cơ địa yếu, sức đề kháng kém, thì nguy cơ nhiễm bệnh càng cao. Có thể kể đến như bệnh HIV, mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm gan mạn tính, những người nghiện rượu lâu năm các tế bào gan đã bị tổn thương, người có các bệnh mạn tính về phổi và thận. Đây là những đối tượng cần cảnh báo cao nguy cơ nhiễm vi khuẩn Whitmore. Đối với những bệnh nhân này, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bởi sức đề kháng của họ đã suy giảm nên khó có khả năng phản ứng tốt với vi khuẩn.
“Chỉ cần bác sĩ xác định đúng bệnh nhiễm khuẩn Whitmore và điều trị theo phác đồ thì sẽ khỏi hoàn toàn. Bệnh không dễ dàng lây lan, không trực tiếp lây từ người qua người, người dân không nên lo lắng”- PGS. Huy nói.
Để phòng bệnh Whitmore, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên giữ gìn vệ sinh thân thể, chăm sóc sức khỏe. Nếu cơ thể bị trầy xước, cần xử lý cẩn thận vết thương tốt. Ở những người già yếu, có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch cần tránh tiếp xúc với môi trường mất vệ sinh, hạn chế tiếp xúc bùn đất, nguồn nước bị ô nhiễm thì bệnh Whitmore hoàn toàn có thể phòng ngừa, và không đáng sợ như người dân đang nghĩ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!