Bệnh da thường gặp sau mùa lũ và khuyến cáo cần biết

Các bệnh - 11/24/2024

Sau mùa mưa bão, lũ lụt, như thường lệ sẽ phát sinh nhiều yếu tố nguy cơ gây nhiều bệnh, đặc biệt người dân sống trong vùng ngập lụt rất dễ mắc các bệnh ngoài da.

Nguyên nhân do thời tiết ẩm ướt, môi trường sống thường xuyên bị ngập úng tạo điều kiện cho các loài kí sinh trùng, vi khuẩn có cơ hội sinh sôi và hoạt động mạnh. Khi bị xâm nhập làn da rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm dẫn tới các bệnh da liễu.

Bệnh da thường gặp sau mùa lũ và khuyến cáo cần biếtTình trạng ngập úng trong những đợt lũ, nguồn nước này thường chứa mầm bệnh và các hóa chất gây hại cho cơ thể.

Một số bệnh da liễu thường gặp sau mùa mưa lũ

Trong những đợt lũ lớn, nước dâng cao nhấn chìm nhiều nhà cửa, vật dụng, người dân tìm đường thoát nạn, lực lượng cứu hộ nỗ lực giúp đỡ, giải cứu người dân dẫn tới sự tiếp xúc với nước mà không có các vật dụng bảo hộ là không thể tránh khỏi. Những vùng nước này thường chứa mầm bệnh và hóa chất gây hại cho cơ thể. Một số chất gây ô nhiễm tiềm ẩn trong nước lũ bao gồm nước thải, dầu, xăng và các hóa chất gia dụng như sơn (đôi khi có chì) và thuốc diệt côn trùng…

1.Bệnh da nhiễm trùng

Nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm là bệnh da thường gặp nhất sau đợt lũ. Nguy cơ nhiễm trùng tăng lên sau các chấn thương da và ở những người mắc bệnh mãn tính như: tiểu đường, suy tĩnh mạch mãn tính và suy giảm miễn dịch. Tụ cầu và liên cầu vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng da sau mỗi trận lũ lụt. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với nước lũ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng các vi khuẩn không điển hình. Nhiễm nấm như nấm da cũng đã được báo cáo đặc biệt là ở những vùng khí hậu ấm ẩm như Việt Nam.

* Nhiễm nấm da

Sau mưa, ngập lụt, nguồn nước bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển. Vị trí thường nhiễm nấm là nấm kẽ ngón chân, nấm bẹn, nấm thân mình…

Nấm kẽ chân là tình trạng nhiễm nấm ở da vùng kẽ các ngón chân, thường gặp ở kẽ ngón 4 và 5. Vào mùa mưa lũ, người dầm nước lũ dễ gặp tình trạng nhiễm nấm kẽ ngón.

Nấm bẹn là nhiễm nấm ở da vùng bẹn, làm xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng dần. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa vì quần áo dễ ẩm ướt khiến vùng bẹn vốn kém thông thoáng trở nên nóng ẩm hơn, là môi trường thuận lợi vi nấm phát triển.

Bệnh da thường gặp sau mùa lũ và khuyến cáo cần biếtHình ảnh nấm kẽ chân, bệnh da rất thường gặp sau mùa lũ.

* Nhiễm trùng da do vi khuẩn

Biểu hiện của nhiễm trùng da là da sưng nóng, đỏ, đau, chảy nước, có thể có mủ, loét da. Vết thương có thể đóng mài vàng hoặc nâu, viêm xung quanh.

Điều kiện vệ sinh kém, lao động dọn dẹp sau lũ dễ bị tổn thương da tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.

Bệnh da thường gặp sau mùa lũ và khuyến cáo cần biếtTổn thương nhọt sưng nóng đỏ đau, có ngòi mủ trắng.

* Bệnh ghẻ

Bệnh da gây ra bởi ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ). Bệnh ghẻ biểu hiện trên da với các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng nếp kẽ như: lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục, …và ngứa rất nhiều về đêm, bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh. Bệnh gây ngứa rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày. Tăng độ ẩm trong mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho ghẻ sinh sôi phát triển.

Bệnh da thường gặp sau mùa lũ và khuyến cáo cần biếtTổn thương sẩn đỏ, mụn nước vùng mu tay và kẽ tay rất hay gặp trong bệnh ghẻ.

2. Viêm da tiếp xúc

Nước lũ thường chứa các hóa chất từ ​​các ngành công nghiệp hoặc hộ gia đình bao gồm thuốc trừ sâu, các kim loại nặng, chất tẩy rửa. Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với các chất có trong nước lũ, thường gặp ở các vùng da tiếp xúc trực tiếp với nước như chân, tay... với biểu hiện là các dát đỏ, sưng nề, gây ngứa và khó chịu nhiều cho người bệnh. Việc sử dụng các chất sát khuẩn, tẩy rửa thường xuyên sau đợt lũ cũng làm tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc ở những người có cơ địa dị ứng từ trước.

Bệnh da thường gặp sau mùa lũ và khuyến cáo cần biếtTổn thương viêm da tiếp xúc vùng bàn tay.

3. Chấn thương da và mô mềm

Nước lũ ngập cao khiến người dân và lực lượng cứu hộ thường xuyên phải lội nước, khó quan sát được đường đi, điều này có thể ẩn chứa những nguy cơ tiềm ẩn về chấn thương do tiếp xúc với các vật sắc nhọn (kim loại, thủy tinh,..), đá, các mối nguy hiểm về điện (đường dây điện rơi xuống). Vì vậy các chấn thương ngoài ra và mô mềm rất hay gặp, nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời sẽ là đường vào của các vi khuẩn, kí sinh trùng,.. gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới nhiễm trùng huyết có nguy cơ tử vong.

4. Các biểu hiện khác

Ngoài ra, căng thẳng tâm lý rất thường gặp sau các đợt lũ lụt có thể dẫn đến, làm trầm trọng thêm và khởi phát các đợt bùng phát của các bệnh da đã có từ trước như: viêm da dị ứng, rụng tóc từng mảng và bệnh vẩy nến

Phòng ngừa

Trong các bệnh da mùa mưa kể trên, một số bệnh có thể tự khỏi nếu được chăm sóc, vệ sinh tốt. Tuy nhiên đa số các trường hợp cần được điều trị với thuốc uống và thuốc bôi phù hợp để khỏi bệnh hoàn toàn cũng như phòng lây lan.

Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cần:

- Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch

- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng lâu ngày

- Mang các dụng cụ bảo hộ nếu bạn phải đi vùng vùng nước ngập

- Tránh tiếp xúc với nước lũ nếu bạn có vết thương hở.

- Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch

- Làm sạch và băng kín vết thương bằng băng chống thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

- Nếu vết thương bị mẩn đỏ, sưng tấy hoặc chảy dịch, nên đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bệnh.

Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

- Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

ThS.BS Nguyễn Thị Thảo Nhi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!