Bác sĩ Dương Minh Tuấn khám bệnh cho bệnh nhân.
Cơ duyên với nghề y
Bác sĩ trẻ Dương Minh Tuấn, sinh năm 1991, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai vừa tham gia chương trình tình nguyện về huyện nghèo ở Quảng Bình trong 3 năm tới. Sau gần 1 tháng sống ở vùng đất mới, từ một bệnh viện lớn nhất cả nước về bệnh viện huyện nghèo, bác sĩ Tuấn vẫn luôn tin rằng ở bất cứ đâu nghề y cũng giúp anh trưởng thành hơn.
Bác sĩ Tuấn cho biết cái duyên đến với ngành y từ năm lớp 11 khi chính anh theo xe cấp cứu đưa ông ngoại cấp cứu từ Huế ra Hà Nội vì bị xuất huyết não. Nhưng chuyến xe cấp cứu ấy không thành công vì chỉ đến cầu Bến Thủy, Nghệ An thì ông của bác sĩ Tuấn qua đời.
Ca cấp cứu vào đúng Mùng 3 Tết, tiếng máy thở, tiếng còi hú xe khiến Tuấn nhớ mãi và đó cũng là sự kiện khiến cậu học sinh lớp 11 quyết định học để trở thành bác sĩ.
Bước vào trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Tuấn kể nhiều lúc cậu thấy bản thân không hợp với môi trường này. Cậu đã từng nghĩ đến chuyện học cho xong bằng đại học rồi vào Sài Gòn thỏa sức với đam mê ca hát của mình. Bác sĩ Tuấn đã nghĩ hay mình đi theo The voice nhưng rồi một biến cố nữa lại xảy ra, bố của Tuấn ra đi đột ngột sau một cơn nhồi máu cơ tim khi chỉ còn 2 tháng nữa Tuấn tốt nghiệp bác sĩ đa khoa.
Đây là một cú shock lớn và một lần nữa những hình ảnh như tiếng máy thở, monitor, tiếng xe cấp cứu lại ám ảnh. Tuấn vẫn thực hiện ước mơ vào Sài Gòn nhưng lần này không phải để ca hát nữa mà để quyết tâm theo đuổi con đường y học đến cùng.
Khi vào làm bác sĩ ở một bệnh viện tư nhân lớn ở Sài Gòn, bác sĩ Tuấn đã chứng kiến nhiều mất mát, nhiều nỗi đau, nhưng cũng không ít niềm vui mỗi khi bệnh nhân khỏe lại, điều ấy càng khiến anh có thêm tình yêu với công việc này. Dù có đợt phải trực 4 ngày ở phòng cấp cứu nhưng anh vẫn thấy vui.
Sống ở Sài Gòn, bác sĩ Tuấn vẫn thương mẹ ở Hà Nội. Mẹ luôn gọi điện bảo nhớ. Dù việc đi lại thuận tiện nhưng Tuấn thương mẹ rất nhiều nên lại khăn gói ra Hà Nội. Khi ra tới Hà Nội, Tuấn biết về dự án 'Đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo tình nguyện' của Bộ Y tế nên Tuấn đã nộp hồ sơ tham gia. Chương trình có 2 năm đào tạo chuyên khoa I tại trường y Hà Nội, cũng là cơ hội để bác sĩ Tuấn có thời gian về cạnh mẹ, về với ngôi nhà của mình.
Nghề y cho tôi trưởng thành
Khi vào học chuyên khoa I và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Tuấn gặp rất nhiều áp lực vì xung quanh mình quá nhiều người giỏi, thực sự họ rất giỏi. Bác sĩ Tuấn phải luôn tự nhủ mình phải cố gắng, ngày nay khác ngày hôm qua, tìm cơ hội trong khó khăn và áp lực.
Bác sĩ Tuấn và mẹ ngày tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I.
Tuấn cho biết cậu học được 3 điều lớn của nghề y đó là sự kiên nhẫn, bao dung và cảm thông. Đã có lần đứng phắt dậy cãi nhau với người nhà bệnh nhân nhưng cuối cùng cậu hiểu và cảm thông với họ ở trong hoàn cảnh người nhà cấp cứu, họ đã mất bình tĩnh nên có những hành động sai với bác sĩ. Hay có những lần ngồi khám bệnh mà bệnh nhân không cho cậu khám vì quá trẻ, họ đòi bác sĩ già dặn hơn. Bác sĩ Tuấn phải kiên nhẫn giải thích.
Bạo hành thể xác trong y tế có nhiều nhưng bác sĩ Tuấn may mắn chưa gặp, còn bạo hành tinh thần, anh nói mọi chuyện đều có thể bình tĩnh để có thể nhìn nhận lại thấu đáo mà đưa ra những lời nói và hành động nhẹ nhàng, hợp tình, hợp lý hơn. Còn trường hợp mà người nhà không chịu hợp tác, tôi phải nhờ ngay sự trợ giúp từ các tiền bối hay đội ngũ bảo vệ của bệnh viện.
Khi chọn huyện nghèo trong số 63 huyện, bác sĩ Tuấn đã nhanh chóng chọn huyện Minh Hóa Quảng Bình. Có thời gian lang thang trên đường mòn Hồ Chí Minh, xin ở nhờ và sinh hoạt cùng người dân ở phía Tây Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuấn đã chọn bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa là điểm dừng chân cho 3 năm tình nguyện của mình.
Trong 3 năm tới, bác sĩ Tuấn cho biết anh sẽ cố gắng kết nối các tổ chức từ thiện, các quỹ hỗ trợ để đưa được nhiều niềm vui hơn đến bà con nơi đây vì quả thật còn rất nhiều người nghèo, dép không có mà đi, quần áo không có để mặc.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!