TPHCM đang rất quan tâm để tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm tăng mức sinh, ít nhất bằng mức sinh thay thế, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước. Ảnh minh họa
Thách thức cho sự phát triển bền vững
Mức sinh tại TPHCM đang ở mức thấp và trong 20 năm qua có xu hướng liên tục giảm đang là thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước trong tương lai. Điều này khiến các chuyên gia về dân số lo ngại và rất cần có những chính sách đồng bộ giải quyết tình trạng trên, đảm bảo cơ cấu, chất lượng dân số cho quá trình phát triển.
Tại Hội thảo 'Vấn đề mức sinh thấp tại TPHCM: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp' do Chi cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế TPHCM vừa tổ chức, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Cách đây chục năm, phong trào sinh đẻ có kế hoạch được thành phố cũng như cả nước thực hiện sôi nổi và có hiệu quả, qua đó giải quyết được vấn đề kiểm soát quy mô dân số, nâng chất lượng dân số. Tuổi thọ trung bình cũng như các chỉ số chăm sóc sức khỏe người dân của thành phố đều được nâng lên.
Tuy nhiên, BS Nguyễn Hữu Hưng cũng bày tỏ sự lo ngại: Trong khoảng 20 năm qua, mức sinh của cả nước dao động ở mức trên 2 con thì riêng tại TP Hồ Chí Minh, mức cao nhất là 1,76, còn trong 5 năm gần đây chỉ ở mức 1,3-1,4. So với mức sinh thay thế 2,1 con của cả nước, mức sinh của thành phố hiện nay khá thấp. Đây là vấn đề mà thành phố đang rất quan tâm để tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm tăng mức sinh, ít nhất bằng mức sinh thay thế, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước.
Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM, số liệu từ năm 2000 đến 2018 cho thấy, tổng tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm từ 1,76 con năm 2000 xuống còn 1,33 con năm 2018. Trong quãng thời gian đó, xu hướng khôi phục theo hướng tăng rất ít, chỉ có năm 2008 đạt 1,63 con và năm 2013 đạt 1,68 con. Theo thống kê, TPHCM đang được xếp trong nhóm 17 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Điều này tác động mạnh đến cơ cấu dân số thành phố trong tương lai, tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng cao, làm gia tăng tốc độ già hóa dân số tại TPHCM.
Những câu hỏi đặt ra
Vì sao phụ nữ TP Hồ Chí Minh sinh ít, câu hỏi này được các chuyên gia và các nhà nhân khẩu học đặt ra nhằm tìm giải pháp trước thực trạng tổng tỷ suất sinh ở TPHCM xuống thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
Các chuyên gia cho rằng, áp lực của cuộc sống và công việc khiến xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng. Việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện cần nhiều chi phí dẫn đến tâm lý sợ tốn kém nên nhu cầu sinh con giảm. Trước đây, người ta quan niệm con cái là tài sản nên sinh nhiều, còn hiện nay người ta lại thấy con cái cần có một khoản kinh phí lớn phải bỏ ra nên sinh ít. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, mức sống cao đã tạo ra áp lực lớn cho các gia đình trẻ trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt... Tất cả những khó khăn đó tạo thành một áp lực lớn trong việc sinh con và nuôi dạy con. Phụ nữ ở đây, ngoài việc đi làm tạo thu nhập còn phải làm rất nhiều những việc không tên và không được hưởng lương khác trong gia đình. Chính vì vậy, đa phần các cặp vợ chồng sẽ chọn sinh 1 con, tập trung thời gian cho công việc, kiếm tiền và hưởng thụ nếu có cơ hội.
Cũng theo phân tích của một số đại biểu thì trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ, thích dịch chuyển cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Bên cạnh đó, tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh có xu hướng gia tăng cũng tác động đến việc nhiều gia đình không thể sinh con… Các chuyên gia lo ngại rằng, việc sinh ít con sẽ có những hệ lụy cho sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. 'Nếu hôm nay mỗi gia đình chỉ sinh một con với công thức 4-2-1 (1 đứa trẻ được chăm sóc bởi 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới thảm họa theo công thức ngược lại 1-2-4 (1 đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại). Những đứa trẻ ngày hôm nay được 'chăm sóc' rất kỹ lưỡng bởi 6 người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại 6 người cao tuổi trong tương lai', bà Phạm Thị Mỹ Lệ lo lắng.
Cần giải pháp khuyến sinh tại TPHCM
Làm thế nào để vận động các cặp vợ chồng khỏe mạnh sinh đủ hai con, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai? Với mức sinh hiện đang thấp một cách lo ngại, ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, cần có ngay những biện pháp như khuyến sinh để can thiệp, không để mức sinh đang đà giảm sâu.
Đồng quan điểm với ông Thành, song bà Nguyễn Quang Việt Ngân, Phó Trưởng khoa Địa lý, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cũng chỉ ra còn nhiều thách thức trong việc triển khai chính sách khuyến sinh tại TPHCM. Bởi trong khi các chuyên gia và những người làm chính sách cho rằng, cần khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con thì người dân lại hỏi rằng 'Lấy tiền ở đâu để nuôi hai con?', khi mức sinh hoạt của TPHCM hiện đang cao nhất cả nước. Theo bà Ngân, muốn nâng mức sinh của thành phố phải cần sự quan tâm từ toàn xã hội, cần có những chính sách để người phụ nữ cảm thấy việc mang thai sinh con là một công việc được chia sẻ với gia đình và toàn xã hội để họ được giảm bớt trách nhiệm, không cảm thấy quá áp lực đối với việc mang thai, sinh con.
Còn ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM cho rằng, thành phố cần có chính sách mạnh mẽ hơn, cụ thể từ chỗ cấm sinh ba con sang khuyến khích sinh con thứ ba trở lên và nên thay đổi khẩu hiệu từ 'Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con' thành 'Mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình'. Ngoài những chính sách khuyến khích sinh con, theo ông Trường Giang, TPHCM phải chủ động đối phó với mức sinh thấp bằng cách lấy chất lượng dân số bù số lượng dân số, đồng thời có những chính sách dịch chuyển dân số để khuyến khích lao động trẻ nhập cư về thành phố.
Để giải quyết tình trạng trên, Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM đề xuất Sở Y tế trực tiếp tham mưu UBND trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về Chính sách Dân số và Phát triển tại thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó có chính sách ưu tiên giải quyết tình trạng mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số.
Cụ thể, hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú tại thành phố; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con, có hộ khẩu thường trú tại thành phố; miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ dưới 10 tuổi; tăng cường truyền thông, vận động người dân thành phố thực hiện thông điệp 'Mỗi gia đình nên sinh đủ hai con'…
Ngoài hỗ trợ về định mức học phí của TPHCM, đề xuất bổ sung thêm chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh… bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM cũng kiến nghị Bộ Y tế, Tổng cục Dân số tham mưu cấp thẩm quyền trong triển khai thực hiện nghiên cứu, đề xuất đưa vào dự thảo Luật Dân số nội dung 'Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con', hoặc cân nhắc việc sửa đổi cho phép sinh con thứ ba tại các vùng mức sinh thấp, không xem xét kỷ luật, giảm mức đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên...
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với 8 mục tiêu lớn. Trong đó, tại Mục tiêu 1, Quyết định chỉ rõ: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!