Kể từ khi mạng xã hội (MXH) ra đời, chúng ta không chỉ tiếp cận các thông tin dễ dàng hơn mà còn có cơ hội để theo dõi công việc và cuộc sống của người khác một cách chân thực nhất, trong đó có cả cuộc sống của bác sĩ - những người làm nghề cứu người đầy ngưỡng mộ.
Là một bác sĩ có sức ảnh hưởng trên MXH với hàng trăm nghìn lượt like trên fanpage riêng, lần nào xuất hiện bác sĩ chuyên khoa 1 da liễu Nguyễn Phương Thảo cũng nở một nụ cười rạng ngời cùng làn da không tuổi. Ít ai biết, nữ bác sĩ xinh đẹp này đã là mẹ của 3 nhóc tì đáng yêu. Lắng nghe chị kể lại những câu chuyện nghề của mình, bạn sẽ hiểu hơn về công việc của một bác sĩ da liễu.
Bác sĩ chuyên khoa 1 da liễu Nguyễn Phương Thảo.
Bén duyên với ngành y sau sự ra đi đột ngột của ông nội và quyết định chọn chuyên khoa da liễu
Vào một ngày cuối tháng 10, phải rất khó khăn tôi mới có cơ hội để có thể trò chuyện cùng bác sĩ Thảo bởi lịch khám và chữa của chị luôn dày đặc. Trước những thắc mắc về nghề bác sĩ, chị Thảo bắt đầu kể bằng chất giọng ngọt ngào của người miền Nam.
BS Thảo lớn lên trong một gia đình có bố mẹ đều làm bác sĩ. Chưa bao giờ gia đình áp đặt sau này lớn chị sẽ làm nghề gì, thế nhưng nghề y 'tự tìm đến' với chị như một cái duyên sau biến cố gia đình.
Chị kể: 'Lúc ấy mình học lớp 5 thì ông nội - người mà mình yêu quý nhất trong nhà qua đời vì bệnh tim, vì quá đột ngột nên mình không có cơ hội để gặp ông lần cuối.
Mình liên tục đặt ra những câu hỏi: Vì sao không phát hiện được sớm bệnh của ông? Nếu chữa trị sớm thì kết quả sẽ như thế nào?'.
Kể từ đó, chị bắt đầu nuôi ước mơ lớn lên sẽ trở thành bác sĩ để có thể tự giải đáp các câu hỏi của mình. Nhiều lần mẹ chị can ngăn rằng làm y cực lắm, phải trực đêm, dậy sớm và đối diện với những áp lực chẳng ai hiểu được, dù vậy cô gái Phương Thảo năm đó vẫn kiên định và còn động viên lại mẹ: 'Trực rồi về ngủ một giấc là khỏe mà mẹ, đi làm bác sĩ cứu người tốt lắm mà'.
Bác sĩ Thảo và chồng con.
Bằng sự nỗ lực, bác sĩ Thảo thi đỗ trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Chị bảo, cuộc sống của một sinh viên y khoa khác với các sinh viên trường khác lắm.
'Từ năm học thứ nhất, sinh viên y đã phải làm quen với những lần trực gác đêm trong bệnh viện. Năm học thứ 2 đã được đi đến những khoa tổng quát, được làm việc chung với các bác sĩ. Suốt 6 năm học, sinh viên y được đến thực tập ở nhiều bệnh viện để tập làm quen, cứ vừa học vừa thực hành như thế, thậm chí 2 ngày cuối tuần cũng thường xuyên phải lên trường chứ hiếm khi được nghỉ', BS Thảo kể.
Cả bố và mẹ đều công tác trong khoa nội nhưng BS Thảo lại chọn chuyên khoa da liễu như một cái duyên. Chị nhớ lại:
'Bản chất của mình là mê cái đẹp, thích làm đẹp và thích nhìn người khác đẹp. Vì vậy khi đến năm thứ 5, đi thực tập chuyên khoa da liễu mình đã thấy da liễu là một chuyên khoa rất hay, với nhiều bệnh lý rất khó điều trị nếu không được phát hiện sớm. Bên cạnh đó, da liễu còn có mảng thẩm mỹ da, có thể làm đẹp cho nhiều chị em và làm đẹp cho bản thân mình... nhiều yếu tố như vậy nên đã quyết định rằng da liễu sẽ là chuyên ngành mình cần gắn bó và học hỏi chuyên sâu nhiều hơn'.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Thảo bắt đầu đi làm cho một phòng khám da liễu, sau đó chị dần mở những cơ sở riêng cho mình để làm đẹp và khắc phục tai nạn thẩm mỹ cho biết bao bệnh nhân.
Trở thành bác sĩ trăm nghìn like nhờ sẵn sàng tư vấn chữa bệnh miễn phí, khám chữa bệnh cho trẻ em như cho chính con mình
Cũng là một trong số những người theo dõi BS Thảo trên MXH nhưng phải đến khi được trò chuyện trực tiếp tôi mới hiểu vì sao chị lại được bệnh nhân yêu mến đến thế, 'sức hút' của chị không chỉ vì bề ngoài xinh đẹp, chất giọng ngọt ngào mà trên hết là vì sự nhiệt tình và cái tâm với nghề.
Suốt 10 năm công tác trong ngành da liễu thẩm mỹ, dù công việc dày đặc nhưng mỗi ngày BS Phương Thảo vẫn dành thời gian để tư vấn trực tuyến miễn phí cho rất nhiều chị em từ mọi vùng miền. Mỗi người tìm đến chị với một lý do riêng, đôi khi BS Thảo còn phải đóng vai trò như một bác sĩ tâm lý để lắng nghe, chia sẻ nhiều tâm sự của bệnh nhân, vui có, buồn có.
Làm mẹ của 3 đứa trẻ, một bác sĩ bận rộn, lại thêm sự nhiệt tình tư vấn cho bệnh nhân mọi thời điểm nên cuộc sống của chị rất tất bật. BS Thảo phải luôn tự sắp xếp công việc và thời gian sao cho chu toàn và phù hợp nhất. Phải đảm đương nhiều nhiệm vụ cùng một lúc khiến chị nhiều khi thấy bối rối nhưng ngẫm lại thì thấy tất cả những vai trò này đều đang hỗ trợ cho chị. Làm mẹ giúp chị có thêm kinh nghiệm để tư vấn cho bệnh nhân nhi, nhưng làm bác sĩ lại giúp chị có kiến thức để chăm sóc con tốt hơn.
BS Phương Thảo kể lại một kỉ niệm, sau một lần đưa con đi trị bệnh chàm sữa và được bác sĩ kê đơn thuốc bôi có chứa corticoid, vết thương của con chị thêm trầm trọng và rất lâu mới khỏi được. Từ đó bằng kinh nghiệm người mẹ, chị quyết định sẽ khám và chữa bệnh miễn phí cho những bé bị chàm sữa bằng phương pháp không sử dụng corticoid. Khám chữa bệnh cho bệnh nhân như làm cho chính con cái và người thân của mình có lẽ là 'chìa khoá' khiến vị bác sĩ này luôn được bệnh nhân yêu mến.
Ám ảnh những ca tai biến thẩm mỹ mình từng tiếp nhận
Bác sĩ Thảo tâm sự, chị sẽ không thể nào quên những ca bệnh đến với mình là những ca tai biến thẩm mỹ mà bệnh nhân đã làm ở các cơ sở khác trước đó. Nhìn bệnh nhân bị tai biến ảnh hưởng đến diện mạo, sức khỏe, chị không đành lòng.
Ví dụ như mới đây, chị tiếp nhận một trường hợp khoảng 30 tuổi. Người này đi tiêm trẻ hóa nhưng sau đó chân mày lại bị xếch ngược lên trên. Sau khi thăm khám, phát hiện người này đã bị tai biến do tiêm botox không đúng vị trí, không đúng liều nên chị đã nhanh chóng can thiệp để các tế bào thần kinh và các cơ của người này dần trở lại bình thường.
Một trường hợp khác là một KOLS nổi tiếng, tầm 20 tuổi, đến tìm bác sĩ khi khắp vùng mặt và cổ đã nổi rất nhiều nốt sần do tiêm trẻ hóa kém chất lượng. BS đã xử lý bằng rất nhiều phương pháp, tuy nhiên sau khi làm xong làn da không thể trở lại mịn màng như trước.
Tuy nhiên, đó đều là những trường hợp thẩm mỹ lỗi có thể khắc phục được. BS Thảo kể, mình từng can thiệp một số trường hợp nghiêm trọng đến mức không thể cứu chữa.
'Có một bệnh nhân 30 tuổi đi cấy vi tảo ở spa nào đó, nhưng sau khi cấy, vùng cổ và mặt bệnh nhân bị mất sắc tố, dần chuyển màu sạm đen trông y chang nhọ nồi. Mình đã phải can thiệp hết sức để cứu vãn tình trạng cho bệnh nhân tốt nhất có thể'.
Nhưng có một trường hợp mà đến giờ BS Thảo vẫn nhớ mãi:
'Bệnh nhân đó 24 tuổi. Hôm đó khoảng 11 giờ đêm bạn ấy nhắn tin cho mình hỏi: Bên chị có tiêm giải filler không? Mai em qua chị tiêm giải giúp em sớm được không? Như một thói quen khi trả lời các tin nhắn khác, mình yêu cầu gửi hình cho mình coi đã tiêm ở đâu và bị gì rồi. Vừa nhìn hình bạn ấy gửi mà mình tá hỏa kêu bạn vô bệnh viện cấp cứu gấp vì tình trạng filler lúc đó đã gây tắc mạch ở phần mắt, có thể gây mù lòa'. Tuy nhiên, cô gái trẻ này sau đó không thể cấp cứu kịp và phải đối diện với hậu quả mù lòa vĩnh viễn.
Nhiều năm trong nghề, bác sĩ đã gặp biết bao ca tai biến do thẩm mỹ, nhiều khi nó khiến chị ám ảnh và càng thêm buồn bởi sự lựa chọn của bệnh nhân đã đặt không đúng nơi và từ nay lòng tin của người bệnh sẽ càng thêm lung lay.
'Bệnh nhân thường tìm đến những bác sĩ giỏi hứa hẹn nhưng trong nguyên tắc y khoa thì làm gì có điều gì tuyệt đối để mà hứa hẹn. Họ đến những trung tâm tay nghề kém để thực hiện và chỉ tìm đến các bác sĩ khi gặp tai biến, đó là một vòng luẩn quẩn', bác sĩ Phương Thảo tâm sự.
Mong muốn bệnh nhân hãy có những lựa chọn sáng suốt
Nhiều năm trong nghề và từng chứng kiến nhiều chuyện buồn như thế, bác sĩ Thảo mong sao phụ nữ có thể hiểu rằng: Một khuôn mặt hài hòa, cân xứng và tự nhiên sẽ phù hợp hơn với kiểu khuôn mặt Á Đông của người Việt ta, vì vậy đừng nên lạm dụng thẩm mỹ quá để làn da, khuôn mặt bị đơ cứng, mất biểu cảm khuôn mặt. Điều quan trọng nhất mà chị em cần nhớ chính là sự an toàn. Trước khi thực hiện thẩm mỹ chị nhất định phải tìm đến các bệnh viện, phòng khám bác sĩ đã được cấp phép hoạt động.
Là một bác sĩ đã từng khắc phục nhiều ca thẩm mỹ lỗi, bác sĩ Thảo luôn tâm niệm rằng: Không có gì tự nhiên mà đẹp, nhưng làm đẹp sao cho nó tự nhiên nhất mới là cái tài của người bác sĩ. Các phương pháp làm đẹp đều có ưu và khuyết điểm.
Là bác sĩ da liễu thì phải biết điểm mạnh, điểm yếu, những tác động cộng hưởng của các máy và cơ chế tác động của các máy móc công nghệ lên bệnh lý, lên làn da, khuôn mặt, vóc dáng của người bệnh nhân để giúp họ đạt được đúng nhu cầu, nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất.
Nhắc đến bác sĩ, chúng ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh những con người khô khan, ít cảm xúc. Thế nhưng đâu phải ai cũng biết, phía sau họ là vô số những câu chuyện đáng nhớ về nghề, những lần 'đỏ mặt' vì các ca bệnh nhạy cảm hay các giờ phút 'cân não' giành giật sự sống cho bệnh nhân…
Chuyên mục 'CHÂN DUNG BÁC SĨ' sẽ giống như 'người kể chuyện' hộ các bác sĩ, giúp người đọc chạm đến những tâm tư của người mặc áo blouse trắng mà trước giờ ít được tiết lộ!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!