Bài học quý từ sáng kiến huy động trí lực quốc gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Thời sự - 05/19/2024

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19 là một sáng kiến tiêu biểu.

Ngày 6/11, Tiểu ban điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị sơ kết và triển khai thực hiện công tác điều trị COVID-19 trong giai đoạn mới.

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị - đánh giá Tiểu ban Điều trị đã có nhiều sáng kiến, giải pháp hay, khoa học, hiện đại, tiếp cận với các kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới với những nỗ lực cao nhất để cứu chữa người bệnh.

Bài học quý từ sáng kiến huy động trí lực quốc gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị

Sự tham gia tích cực và chủ động của Tiểu ban Điều trị trong thời gian qua đã giúp tạo nên thành công của công tác điều trị ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện bằng các chỉ số tỷ lệ điều trị khỏi cao (tới 96,4%), tỷ lệ các ca bệnh nặng, bệnh nền được chữa khỏi cao; khống chế tối đa tỷ lệ tử vong và hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bài học quý từ sáng kiến huy động trí lực quốc gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết có bốn nội dung đặc biệt quan trọng góp phần thành công trong điều trị COVID-19.

Trong đó, ngoài việc phân tuyến điều trị hợp lý (4 tuyến) theo tình trạng bệnh nhân dương tính, thường xuyên cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới và kinh nghiệm điều trị của các nước trên thế giới và ban hành Bộ Tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và bệnh viêm đường hô hấp cấp...... thì việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19 là nội dung quan trọng.

Bài học quý từ sáng kiến huy động trí lực quốc gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Hội chẩn toàn quốc điều trị ca bệnh COVID-19 nặng

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá việc thành lập Trung tâm là một sáng kiến tiêu biểu. Còn theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Trung tâm đã tập hợp và thống nhất đội ngũ chuyên gia giỏi trong hội chẩn bệnh nhân nặng và điều hành khi các bệnh viện bị đóng cửa.

Bài học quý từ sáng kiến huy động trí lực quốc gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

BS Nguyễn Trung Cấp (Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) và BS Trần Thanh Linh công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong các bài trình bày kinh nghiệm điều trị COVID-19 tại Hội nghị, khẳng định ngoài sự quyết liệt, chủ động trong công tác, thì điều đặc biệt của Việt Nam là đã huy động trí lực toàn quốc để điều trị thành công rất nhiều ca bệnh nặng, trong đó có bệnh nhân 91, bệnh nhân 19... BS Linh, BS Cấp là hai trong các thành viên bệnh viện Trung ương trực tiếp đi tăng cường cho Đà Nẵng, Huế điều trị bệnh nhân nặng hồi tháng 7-8/2020.

Sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm… của các bệnh viện tuyến trên đã thường xuyên liên tục theo dõi sát sao từng ca bệnh tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước để cùng hội chẩn và đưa ra hướng điều trị tối ưu cho người bệnh, thông qua hình thức giao ban trực tuyến với các cơ sở có điều trị.

Cùng đó, một nội dung quan trọng khác là thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh xuống hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Đến nay cả nước có hàng trăm đội cơ động phản ứng nhanh, tinh nhuệ, giỏi về chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ cho các bệnh viện.

Mở rộng công tác xét nghiệm cũng được các chuyên gia tại Hội thảo đánh giá là điểm làm nên sự thành công trong công tác dự phòng, điều trị COVID-19. Từ chỗ chỉ có ba đơn vị được xét nghiệm SARS-CoV-2, Tiểu ban Điều trị đã tham mưu mở rộng công tác xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện đã có hơn 50 bệnh viện đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, góp phần giúp các bệnh viện chủ động trong công tác xét nghiệm, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm quá tải cho hệ thống y tế dự phòng trong xét nghiệm các đối tượng nguy cơ....

Đến sáng 6/11, Việt Nam qua 65 ngày không phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chúng ta đang bước vào trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên hiện nay trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp. Các chuyến bay thương mại đã được mở lại. Nguy cơ dịch bệnh tại Việt Nam rất cao. Chính vì vậy, các bệnh viện và toàn hệ thống khám bệnh, chữa bệnh cần xác định rõ các nguy cơ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ dịch bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!