Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Y tế tỉnh cho biết, Sơn La có 250km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng - nước CHDCND Lào, trải dài qua 17 xã, thuộc 5 huyện của tỉnh, ngoài 2 cửa khẩu Quốc gia (Lóng Sập, Chiềng Khương và 2 cửa khẩu phụ còn có trên 60 đường tiểu ngạch (đường mòn, lối mở) đi lại giữa hai nước Việt Nam - Lào. Với địa hình phức tạp do đó công tác kiểm dịch biên giới gặp không ít khó khăn, thách thức.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và trong nước, để ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh, ngay trong đầu tháng 2/2020 tỉnh Sơn La đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh khi có công bố dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh. Xây dựng 4 phương án phòng, chống dịch bệnh do COVID-19. Xây dựng phương án cách ly y tế để phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tại Trung đoàn 754 và khu cách ly y tế tập trung tại 11 huyện, cách ly tập trung tại các khách sạn, khu A Bệnh viện nội tiết mới và khu A Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tại buổi làm việc
Về công tác ứng phó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các cửa khẩu, lối mở, đường mòn. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai kiểm soát chặt chẽ và duy trì các chốt kiểm soát tại các cửa khẩu và các đường mòn, lối mở tuyến biên giới không để dịch bệnh lây lan vào địa bản tỉnh từ các nước có dịch, với tổng số: 48 tổ chốt cố định, lưu động và 15 tổ tuần tra tuyên truyền; quân số tham gia: 532 cán bộ, chiến sỹ. Trong đó có 21 chốt cố định 185 cán bộ, chiến sỹ; 27 chốt lưu động 165 cán bộ, chiến sỹ; 15 tổ tuần tra, tuyên truyền gồm 33 cán bộ, chiến sỹ; các lực lượng khác tham gia 149 người. Tổng số người được kiểm soát về y tế 10.834 người.
Về đảm bảo hậu cần trong phòng chống dịch, toàn tỉnh có 2 máy Realtime PCR bán tự động triển khai thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 (trong đó có 1 máy Realtime PCR của Bệnh viện đa khoa tỉnh; 1 máy Realtime PCR của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật do tập đoàn Vingroup tài trợ).
Tổng số giường bệnh sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 trong toàn tỉnh là: 328 giường (mỗi bệnh viện chuẩn bị 1 khu cách ly (20 giường trong đó có 2 bệnh viện được chỉ định tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng với tổng số 120 giường (Bệnh viện ĐK TN 70 giường, BVĐK tỉnh 50 giường). Ngoài ra còn 1 bệnh viện dã chiến dự kiến quy mô 300 giường sẽ được kích hoạt triển khai thực hiện công tác cách ly, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 khi có dịch bùng phát.
Khu cách ly tập trung gồm có: 12 khu cách ly tập trung (1 khu cách ly tập trung tuyến tỉnh tại E754 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, 11 khu cách ly tập trung huyện) với 1.700 giường cách ly. Ngoài ra, bố trí 12 khách sạn, nhà nghỉ tại 11 huyện làm nơi cách ly tập trung cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào làm việc tại tỉnh.
Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo về công tác phòng dịch giáp biên, đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cho biết, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã triển khai 2 chốt, 15 tổ tuyên truyền. Về khẩu trang nói chung còn thiếu thốn, chủ yếu do các đơn vị, cá nhân hỗ trợ. UBND tỉnh đã hỗ trợ cho Bộ đội Biên phòng 2 nhà mái tôn. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì kiểm soát chặt các cửa khẩu. Đề xuất tăng kinh phí hỗ trợ cho phòng chống dịch, trang thiết bị khẩu trang, máy đo thân nhiệt, phương tiện cho các cán bộ…
Sau khi nắm bắt về số lượng trang thiết bị phòng dịch, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết: 'Khó khăn của tỉnh một là không có kinh phí, hai là do cơ chế giá cũng 'ngại mua sắm'. Sau khi có báo cáo của 60 tỉnh về công tác hậu cần, thì đa số số liệu mua dự phòng rất ít, rất lo, nếu dịch bùng phát thì rất phức tạp...'
Ông Phạm Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phân tích về lo lắng trên là do số lượng dự trữ máy móc, dụng cụ hỗ trợ phòng chống dịch. Ông cũng cho biết, do điều kiện của tỉnh còn nhiều khó khăn, thu ngân sách eo hẹp nên tỉnh cũng chưa có điều kiện để mua sắm thêm.
Giám đốc Sở Y tế Sơn La thông tin, 12 BV mỗi BVĐK phải để ra 2 giường bệnh, còn các BVĐK Tỉnh và BV Thảo Nguyên để ra 50 giường. Đây chỉ là mặt dự phòng, còn khi có tình huống thực tế vẫn còn chưa đầy đủ cơ số, nhiều khó khăn để đáp ứng. Sở Y tế đã gửi Tờ trình 348 để Ban Chỉ đạo xem xét về hỗ trợ thêm máy thở (các loại) cho tỉnh để có thể bố trí cho các bệnh viện.
Thứ trưởng cùng Đoàn công tác Bộ Y tế tới thăm BVĐK tỉnh Sơn La
Đại diện trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC) tỉnh Sơn La đề nghị Bộ hỗ trợ cho Sơn La một dàn máy xét nghiệm PCR. Vì nếu các cửa khẩu mở cửa thì năng lực xét nghiệm hiện tại là không thể đáp ứng.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đánh giá cao những phương án phòng dịch của tỉnh. Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế; rà soát và điều phối nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Đồng thời, Đoàn công tác dành cho tỉnh 120 nghìn chiếc khẩu trang, 2000 bộ quần áo bảo hộ…
Sau đó, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La với quy mô 550 giường tại phường Chiềng Sinh (thành phố Sơn La).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!