Tăng cường y tế cơ sở, bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân

Thời sự - 11/24/2024

Với nỗ lực của cả hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở, các chỉ số sức khỏe của người Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tăng cường y tế cơ sở, bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân

Khám sức khoẻ cho người cao tuổi. Ảnh: TL

Dân 'rảnh tay' vì được quản lý bệnh mãn tính tại xã

Xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) có 201 bệnh nhân mắc đái tháo đường đang được quản lý tại Trạm Y tế xã. Trong số này có 6 người mắc trong độ tuổi 20-40 tuổi, 72 người mắc trong độ tuổi từ 40-60 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (60 tuổi) là 'bệnh nhân quen thuộc' của Trạm Y tế xã Liên Hà từ nhiều năm nay. Bà nói đã gắn bó với bệnh từ 10 năm nay. Trước đây, muốn đi lấy thuốc, bà phải nhờ con cháu đưa đi ra bệnh viện huyện, hoặc vào nội thành, nhưng từ khi chuyển hồ sơ, cấp phát thuốc về xã, bà 'rảnh tay' hơn hẳn. Đến lịch khám định kỳ theo hẹn, thay vì mất cả buổi sáng, bà chỉ cần di chuyển từ nhà ra trạm y tế xã cách nhà 2km chỉ 10 phút. Tại đây, bà được đo đường máu, phát thuốc, được bác sĩ dặn dò kỹ lưỡng về chế độ sinh hoạt. Thời gian khám bệnh, trò chuyện với bác sĩ dài hơn hẳn khi đi khám ở tuyến trên.

Tại xã Liên Hà, đa số người dân khi bắt đầu có các biểu hiện triệu chứng mới đi khám và phát hiện điều trị. Vì vậy đối tượng nguy cơ và đối tượng mắc bệnh sống chung với bệnh đái tháo đường chưa được phát hiện là vấn đề cần quan tâm. Nhận thức được các yếu tố nguy cơ và sự nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, xã Liên Hà xác định công tác tuyên truyền, tư vấn, khuyến cáo được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức giúp người dân thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cân đối, duy trì cân nặng hợp lý, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại Việt Nam, rộng khắp từ Trung ương đến xã, phường đều bao phủ hệ thống y tế, thậm chí còn có cả y tế thôn, bản thông qua hệ thống các cô đỡ thôn, bản.

Hệ thống cung ứng dịch vụ y tế của Việt Nam được chia thành 4 tuyến, gắn với hệ thống hành chính nhà nước, bao gồm tuyến Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Trên cả nước, 98,7% các xã có trạm y tế, 84% trạm y tế xã có bác sĩ, 72,7% thôn/bản có nhân viên y tế hoạt động và khoảng 80% trạm y tế xã đã thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Nhờ sự bao phủ y tế đó, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả, sâu rộng. Một số trạm y tế xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… theo mô hình bác sĩ gia đình như tại xã Liên Hà. Người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. Các bệnh viện, trung tâm y tế huyện được đầu tư nâng cấp, được chuyển giao kỹ thuật nên năng lực cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cũng như chất lượng dịch vụ được cải thiện. Một số bệnh viện huyện đã cung cấp được các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến.

Làm gì để y tế cơ sở phát huy đúng vai trò của 'người gác cổng'?

Tại Hội thảo tham vấn kết quả Dự án tư vấn chính sách KSP- Đảm bảo sự phát triển của cơ sở hạ tầng y tế Việt Nam vừa diễn ra, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng việc củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành một nghị quyết riêng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đây là kim chỉ nam trong các hành động của Chính phủ và Bộ Y tế trong công tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, với nỗ lực của cả hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở, bao phủ y tế, các chỉ số sức khỏe của người Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, như tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi, tỷ suất tử vong mẹ, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện cao hơn tuổi thọ trung bình trên thế giới…

Thứ trưởng khẳng định y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và đảm bảo cho mọi người đều có thể tiếp cận được dịch vụ y tế ngay tại cộng đồng. Tuy nhiên, việc cung ứng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn bất cập như chất lượng và tính sẵn có của dịch vụ y tế còn hạn chế, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế chưa đảm bảo, chất lượng nguồn nhân lực y tế chưa cao. Tăng cường năng lực của mạng lưới y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là tăng cường vai trò, năng lực của trạm y tế xã là yếu tố quyết định trong đảm bảo cung ứng dịch vụ CSSKBĐ một cách toàn diện, liên tục và hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp càng cho chúng ta thấy rõ hơn vai trò quan trọng của y tế cơ sở trong việc điều trị và theo dõi các trường hợp COVID-19 nhẹ, kiểm soát và ngăn chặn bùng phát và lây lan ca nhiễm tại cộng đồng, nhanh chóng và cách ly toàn bộ các trường hợp nghi ngờ để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.

Ngành Y tế Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có hỗ trợ tuyến y tế cơ sở cung ứng dịch vụ có chất lượng và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Song song với đó Bộ Y tế cũng đã thực hiện ứng dụng công nghệ số vào quá trình cung cấp dịch vụ y tế với chương trình chăm sóc sức khỏe từ xa (Telehealth) được thực hiện giữa các bệnh viện tuyến trên với các cơ sở y tế tuyến dưới, trong đó bao gồm cả tuyến y tế cơ sở (huyện/xã).

Hiện nay, trong bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi với mô hình bệnh tật kép thì phương thức cung ứng dịch vụ y tế cần thiết, trong đó y tế cơ sở phải giữ vai trò là 'người gác cổng trong mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế'. Điều này đòi hỏi phải thực hiện củng cố tổ chức và quản lý hệ thống y tế tuyến huyện, đổi mới mô hình cung ứng dịch vụ y tế theo hướng toàn diện, liên tục và có sự lồng ghép giữa các tuyến, đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế nhằm khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực y tế có năng lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!