Người dân, chủ yếu là công nhân Philippines ở nước ngoài, xếp hàng bên ngoài Cục Kiểm dịch ở Khu vực Cảng Manila để tiêm phòng bại liệt và xin chứng nhận tiêm phòng theo yêu cầu của một số quốc gia. Hiện nay có ít nhất 19 quốc gia yêu cầu du khách từ các khu vực chưa thanh toán bệnh bại liệt phải nộp giấy chứng nhận tiêm chủng mới được cấp thị thực hoặc được phép nhập cảnh (Theo philstar.com)
Mới đây, một số cơ quan truyền thông tại Philippines đã đăng tải thông tin bệnh bại liệt tại nước này đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Theo ghi nhận của cơ quan y tế Philippines đã có 7 trường hợp được xác định mắc bại liệt.
Hiện nay, tại Philippines đang diễn ra Đại hội Sea Games lần thứ 30. Rất nhiều vận động viên thể thao Việt Nam đang có mặt tại đây để thi đấu Sea Games Nhiều người lo ngại về nguy cơ các vận động viên đi vào vùng dịch có thể mắc bệnh và mang mầm bệnh về nước sau khi kết thúc Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với đoàn thể thao, CĐV Việt Nam ở mức nào?
Trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam về nguy cơ lây bệnh bại liệt đối với vận động viên và cổ động viện Việt Nam khi thi đấu và cổ vũ tại Philippines, GS Kính cho hay, bệnh bại liệt là bệnh nhiễm virus cấp tính lây qua đường tiêu hoá.
Loại virus gây ra bệnh bại liệt có tên là Polio (Poliovirus), có thể lây lan thành dịch. Bệnh có biểu hiện điển hình là hội chứng liệt mềm cấp. Virus khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não.
Theo GS Kính tại Việt Nam vào năm 2000 đã thanh toán được bệnh bại liệt. Hàng năm nước ta vẫn tổ chức tiêm chủng tốt vắc xin cho nên 19 năm nay (năm 2000) Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bại liệt mới. Ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn còn tỷ lệ trẻ mắc bại liệt nhất định.
GS Kính thông tin thêm: 'Dù Philippines đang có nguy cơ bùng phát dịch bại liệt nhưng các vận động viên và cổ động viên cũng không quá lo lắng. Bệnh bại liệt gây bệnh chủ yếu ở trẻ nhỏ (chưa uống vắc xin hoặc uống chưa đủ liều), hiếm gây bệnh cho người lớn, vì đa phần người lớn đã có miễn dịch.
Do bệnh gây bệnh ở trẻ nhỏ là chủ yếu trong tình hình dịch bệnh tại Philippines có nguy cơ bùng phát nên không cho trẻ nhỏ đi vào vùng dịch'.
Tuy nhiên, để đảm bảo mức độ an toàn cho người lớn (ở đây là các vận động viên và người hâm mộ), chúng ta cần kiểm soát được các thông tin như: các cầu thủ, vận động viên đã được tiêm phòng đầy đủ không? người hâm mộ đã được tiêm phòng đầy đủ không? Nếu không nắm chắc những thông tin này thì nguy cơ với các cá nhân vẫn cao. Theo khuyến cáo của Ban 'International Travel and Health' của WHO, khách du lịch đến các khu vực ảnh hưởng bởi dịch bại liệt cần được tiêm phòng vắc xin đầy đủ, những người lưu trú lại vùng dịch nhiều hơn 4 tuần cần uống thêm 1 liều OPV hoặc tiêm IPV trong thời gian 4 tuần đến 12 tháng.
'Chưa nắm được thông tin' về dịch bại liệt ở Philippines
Trừ 2 đội tuyển bóng đá đang thi đấu tại Philippines suốt thời gian qua, sáng nay, đoàn thể thao Việt Nam đã khởi hành chuyến đầu tiên đưa các vận động viên nước nhà sang Philippines chuẩn bị cho Thế vận hội.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc chuẩn bị đảm bảo an toàn cho các vận động viên thế nào khi đi vào vùng dịch, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao du lịch cho biết, ông không nắm được thông tin về dịch bại liệt đang diễn ra ở Philippines. Ông Thắng cho biết nếu có dịch, phía Tổng cục sẽ hỏi ý kiến chuyên môn từ phía Bộ Y tế để đưa ra các giải pháp an toàn cho các thành viên trong đoàn thể thao tham dự Sea Games.
Liên lạc với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về việc Cục đã nắm được thông tin dịch bại liệt từ Philippines hay chưa, ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: 'Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có thông tin chứng thức về nguy cơ bệnh bại liệt bùng phát tại Philippines.
Thông tin chính thức về dịch bệnh sẽ do WHO (Tổ chức Y tế thế giới) thông báo. Chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo dịch bệnh từ kênh của Tổ chức Y tế thế giới. Khi có thông chính chính thức chúng tôi sẽ thông báo tới cơ quan truyền thông để cho người dân được biết'.
Với các thông tin nhận được từ các cơ quan chức năng, có thể thấy Việt Nam chưa có động thái gì để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh bại liệt trong tình hình lượng người từ Việt Nam đổ sang Philippines sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Cũng liên quan đến vấn đề này, một đoàn khác tham dự Sea Games là Singapore đã có những giải pháp kịp thời đảm bảo an toàn cho hơn 600 thành viên của đoàn mình sang thi đấu tại vùng dịch. Cơ quan Phụ trách Y tế của đoàn thể thao Singapore cho biết, họ sẽ tiêm phòng mũi nhắc lại của vắc xin phòng chống bại liệt cho toàn đoàn trước khi khởi hành sang Philippines để đảm bảo mức độ bảo vệ an toàn cao hơn cho các vận động viên.
Bệnh bại liệt đã được thanh toán tại Philippines trong thời gian 20 năm. Sự xuất hiện trở lại của dịch bệnh này được đánh giá là sự kiện y tế nghiêm trọng.
Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2000. Gần 20 năm năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt thông qua giám sát tốt các trường hợp mắc liệt mềm cấp và duy trì được tỷ lệ uống vắc xin OPV đủ 3 liều trong tiêm chủng thường xuyên trên 95% ở quy mô toàn quốc nhằm duy trì được tỷ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng.
Khuyến cáo phòng bệnh bại liệt
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam đã thanh toán bại liệt từ năm 2000, tuy nhiên nguy cơ bệnh bại liệt do vi rút bại liệt hoang dại có thể xâm nhập vào nước ta.
Để phòng chủ động phòng chống bệnh bại liệt, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau:
- Phòng bệnh chủ động cho trẻ dưới 5 tuổi bằng uống vắc xin phòng bệnh bại liệt ít nhất 3 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế ra môi trường. Phân của trẻ em cũng phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi trẻ có dấu hiệu sốt, buồn nôn, cứng gáy, đau chi và cơ bắp hoặc liệt mềm cấp đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!