Báo động dịch bại liệt bùng phát ở Philippines

Thời sự - 11/24/2024

Sau 19 năm xóa sổ, bệnh bại liệt đã xuất hiện trở lại Philipines với 8 ca mắc mới theo số liệu mới nhất cập nhật từ ngành y tế nước này.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo Philippines ghi nhận dịch bệnh do virus bại liệt sau 19 năm loại trừ tại nước này.

Cụ thể, từ 19/9/2019 đến 27/11/2019, Philippines đã ghi nhận 8 trường hợp bại liệt. Trường hợp đầu tiên được xác định vào ngày 14/9, bệnh nhân là một bé gái 3 tuổi ở miền nam Philippines. Virus phân lập từ bệnh nhân có mối liên hệ về di truyền với chủng virus bại liệt týp 2 (VDPV2) trước đó được phân lập từ các mẫu giám sát lấy từ môi trường ở Manila và Davao.

Trường hợp thứ 2 được ghi nhận vào ngày 19/9 là một bé trai 5 tuổi ở tỉnh Laguna, cách thủ đô Manila khoảng 100 km. Trường hợp thứ 8 ghi nhận ngày 25/11. Ngoài ra, virus bại liệt tuýp 1 (VDPV1) cũng đã được phân lập từ các mẫu lấy từ môi trường thu thập tại Manila.

Báo động dịch bại liệt bùng phát ở Philippines

Tiêm phòng vắc xin sởi và bại liệt tại Manila. Ảnh minh họa

Để ứng phó với dịch bệnh, Philippines đã triển khai một loạt các biện pháp như: Từ tháng 10/2019, thực hiện chiến dịch sử dụng vắc xin bại liệt quy mô lớn trên cả nước đối với tất cả trẻ em dưới 5 tuổi, mục tiêu đạt hơn 1 triệu trẻ em được sử dụng vắc xin bại liệt trong chiến dịch.

Thực hiện chính sách 'Tiếp cận vệ sinh bền vững' giúp người dân dễ dàng thực hiện các biện pháp vệ sinh nơi công cộng và gia đình.

Công bố dịch bệnh, cập nhật thông tin dịch bệnh thường xuyên và đưa ra những khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh cho người dân và du khách. Huy động sự hỗ trợ của quốc tế, các tổ chức đoàn thể trong nước để thực hiện việc phòng chống dịch bệnh.

WHO nhận định nguy cơ lây lan quốc tế của dịch bệnh bại liệt ở mức thấp. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ phát hiện ca bệnh mới tại Philippines do khả năng miễn dịch cộng đồng của nước này thấp.

WHO khuyến cáo, các quốc gia cần tăng cường giám sát liệt mềm cấp nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút bại liệt để ứng phó kịp thời. Duy trì hoạt động tiêm chủng thường xuyên, bền vững, đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin bại liệt cao để tránh sự lây truyền của vi rút, giảm hậu quả của dịch bệnh.

Tại Việt Nam, nước ta đã được WHO công nhận thanh toánbệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2000. Đến nay Việt Nam vẫn tiếp tục bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt thông qua giám sát tốt các trường hợp liệt mềm cấp và duy trì được tỷ lệ uống vắc xin OPV đủ 3 liều trong tiêm chủng thường xuyên trên 95% ở quy mô toàn quốc nhằm duy trì được tỷ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng.

Trước diễn biến của dịch bệnh bại liệt trong thời gian qua trên thế giới, để chủ động phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Phòng bệnh chủ động cho trẻ dưới 5 tuổi bằng vắc xin phòng bại liệt đủ liều, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế ra môi trường. Phân của trẻ em phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi trẻ có dấu hiệu sốt, cứng gáy, đau chi và cơ bắp hoặc liệt mềm cấp cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!