Bệnh nhân bại liệt tại Gauhati (Ấn Độ). Ảnh: AP
Từ khi chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc chống dịch COVID-19, đến nay Lavina D'Souza vẫn chưa thể lấy được thuốc điều trị HIV.
Người phụ nữ 43 tuổi lo sợ rằng hệ miễn dịch của mình sẽ không thể cầm cự được. Lavina D'Souza nói: 'Tôi sẽ nhanh chóng mắc mọi bệnh, dù là COVID-19 hay bệnh khác'. Lavina D'Souza cho biết có nhiều người khác đang phải chịu đựng hậu quả vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) kể cả khi không mắc COVID-19.
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), các chuyên gia lo ngại trận chiến dài hơi chống những bệnh truyền nhiễm như AIDS, lao và tả... vốn khiến hàng triệu người thiệt mạng mỗi năm, sẽ bị gián đoạn khi toàn thế giới tập trung nguồn lực chống COVID-19.
COVID-19 cũng ảnh hưởng tới nỗ lực hàng thập niên qua của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong đặt hạn chót để thanh toán bệnh sốt rét, bại liệt…
Tiến sĩ John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi phân tích rằng tình trạng các bệnh viện quá tải và nhân viên y tế tập trung chữa cho bệnh nhân COVID-19 đang khiến nguồn lực dành cho dịch bệnh khác thiếu hụt.
Một ví dụ cho tình trạng này là Sudan - nơi mà hệ thống chăm sóc sức khỏe chịu nhiều áp lực. Các bác sĩ tại bệnh viện quốc gia Al-Ribat ở thủ đô Khartoum đã cho biết tình trạng là ngày càng ít bệnh nhân cấp cứu, các ca phẫu thuật không cấp thiết bị hoãn và bác sĩ giỏi đoều được điều chuyển điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
AP cho biết tình cảnh tương tự cũng xảy ra trên toàn thế giới, ngay cả tại những quốc gia có hệ thống y tế phát triển như Hàn Quốc. Ông Hojoon Sohn tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cơ sở Hàn Quốc cho biết bệnh viện nước này đã từ chối nhiều bệnh nhân cần điều trị những bệnh như bại liệt.
Ông Hojoon Sohn nói: 'Dịch COVID-19 khiến hệ thống y tế quá tải và chính phủ ban hành lệnh phong tỏa, như vậy nhiều khả năng số bệnh nhân bại liệt chưa được chẩn đoán sẽ còn tăng'. AP cho biết khoảng 30% trường hợp bại liệt trên toàn cầu chưa bao giờ được chẩn đoán.
Bà Anne-Marie Connor tại tổ chức nhân đạo World Vision đề cập đến Congo, quốc gia từng chật vật vì Ebola. Congo trải qua dịch sởi và xung đột vũ trang, nay lại phải chịu đựng COVID-19. Bà Anne-Marie Connor nói: 'Có khả năng chúng ta phải chứng kiến nhiều cái chết gián tiếp vì các bệnh khác trong đại dịch COVID-19'.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân bại liệt tại Allahabad, Ấn Độ. Ảnh: AP
Ảnh hưởng của COVID-19 với bệnh nhân mắc bệnh khác không chỉ dừng lại ở điều trị. Quá trình lấy mẫu xét nghiệm cho các bệnh nhân này cũng gặp khó khăn vì lệnh phong tỏa. Như tại Ấn Độ, việc chuyển mẫu xét nghiệm bại liệt đang gặp nhiều khó khăn.
Ấn Độ ghi nhận gần 1/3 số trường hợp bại liệt trên toàn thế giới. Việc khám cho bệnh nhân đã bị trì hoãn tại nhiều địa bàn ở Ấn Độ do lệnh phong tỏa. Bác sĩ Yogesh Jain tại bang Chhattisgarh lo sợ điều này đồng nghĩa với việc 'số ca bại liệt chắc chắn sẽ tăng'.
Lệnh phong tỏa gây gián đoạn nguồn cung thuốc, thiết bị bảo hộ. Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát do chương trình tiêm vaccine cũng đang gặp khó khăn. Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI) cho biết có 21 quốc gia thông báo đang thiếu hụt vaccine do tình trạng đóng cửa biên giới và hàng không tạm ngưng hoạt động. Có 14 chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh như bại liệt và sởi đã bị hoãn lại. Còn có lo ngại rằng trên 117 triệu trẻ em tại 37 quốc gia có thể không được tiêm vaccine sởi đúng thời điểm.
Lịch sử cho thấy các dịch bệnh khác có thể tái bùng phát trong thời kỳ đại dịch hoành hành. Trong thời gian từ năm 2014-2016, khi Ebola lây lan tại Guinea, Liberia và Sierra Leone, hầu hết các bệnh nhân tử vong vì HIV, bại liệt và sốt rét đều do không thể tiếp cận hệ thống y tế. Chuyên gia Rashid Ansumana tại Sierra Leone cho biết COVID-19 có thể gây tác động còn lớn hơn Ebola.
Khi các quốc gia phải đối mặt với lựa chọn khó khăn về dịch vụ y tế trong đại dịch COVID-19, bác sĩ Nkengasong cảnh báo rằng không thể bỏ qua nỗ lực xử lý dịch bệnh khác. Ông Nkengasong nói: 'Thời điểm để hỗ trợ các chương trình này không phải là khi COVID-19 kết thúc. Thời điểm là chính bây giờ'.
Tính đến sáng 17/4, toàn thế giới ghi nhận trên 2,1 triệu ca nhiễm và 145.429 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!