Rễ qua lâu không quá già đào về (đào lấy rễ của cây đực không có quả cho nhiều bột hơn) cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, cắt thành từng đoạn, ủ mềm, bào mỏng, phơi hay sấy khô. Dược liệu có vị nhạt hơi đắng, không mùi, tính hàn, có tác dụng sinh tân dịch, chỉ khát, nhuận táo, giảm đau chữa sốt nóng, đái tháo đường, miệng khô, khát nước, vàng da, lở ngứa, vào 3 kinh phế, vị và đại tràng. Ngày dùng 12 - 16g dưới dạng thuốc sắc hoặc giã nát, ngâm nước, lọc lấy bột dùng mỗi lần 4 - 8g. Dưới đây là một số bài thuốc thường dùng:
Hoa của qua lâu (ảnh: internet)
Chữa sốt nóng, da vàng, miệng khô khát: qua lâu căn 8g, hạt đậu đen 8g, sắc với 200ml còn 50ml, uống trong ngày.
Chữa tiểu đường: Dùng 1 trong các bài sau.
Bài 1: qua lâu căn 8g; thục địa 20g, hoài sơn 20g; đơn bì 12g, kỷ tử 12g, thạch hộc 12g; sơn thù 8g, sa nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: qua lâu căn 16g, đương quy 16g, phục linh 16g; hoàng liên 30g. Tán bột hoàn viên. Ngày uống 12 - 16g, uống với nước sắc bạch mao căn.
Bài 3: qua lâu căn 30g, sinh địa 30g; ngũ vị tử 16g, mạch môn 16g, cát căn 16g; cam thảo 8g. Tán bột mịn, trộn đều. Mỗi ngày 10g, thêm gạo tẻ 20g, sắc uống.
Chữa tắc tia sữa: qua lâu căn 8g; bạch thược 12g; sài hồ 8g, đương quy 8g, xuyên sơn giáp 8g; thanh bì 6g, cát cánh 6g, thông thảo 6g. Sắc uống trong ngày.
Chữa amidan mạn tính: qua lâu căn 8g; sinh địa 16g; hoài sơn 12g, huyền sâm 12g, ngưu tất 12g; sơn thù 8g, trạch tả 8g, đơn bì 8g, phục linh 8g, tri mẫu 8g, địa cốt bì 8g; xạ can 6g; sắc uống ngày 1 thang.
Chữa mụn nhọt: qua lâu căn 8g; ý dĩ 10g, bạch chỉ 10g. Sắc hoặc tán bột mịn uống.
Chữa sốt rét:qua lâu căn 8g; mẫu lệ 12g; sài hồ 8g, quế chi 8g, hoàng cầm 8g; can khương 6g, cam thảo 6g. Sắc uống.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!