Sự biến hóa của khí hậu môi trường ảnh hưởng rất lớn đến việc phát sinh bệnh tật. Khi cơ thể bị những nguyên nhân bên ngoài (ngoại tà) như: phong, thử, thấp, táo, hỏa, hàn xâm nhập có thể gây ra bệnh.
Nếu do phong có thể gây ra chứng khó thở, ho hen, trúng phong... “Phong” chủ khí của mùa xuân, nếu chính khí suy yếu thì tứ thời đều có thể gây bệnh. Người xưa nói: “phong giả bách bệnh chi trưởng dã”, nghĩa là phong có thể phát sinh ra trăm bệnh. Nếu do hàn có thể gây đau đớn, tê liệt, co cứng... Nếu do thấp có thể làm trở ngại vận hành khí huyết, người nặng nề, ăn uống khó tiêu...
Mùa xuân ấm, ẩm thấp và nhiều gió, cần đặc biệt chú ý: phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn. Theo Đông y học mùa xuân hay xuất hiện các bệnh “phong ôn”, “xuân ôn”, “ôn độc”, “ôn dịch”... Khí hậu chuyển tiếp, nóng lạnh thay đổi thất thường, một số bệnh như thiên đầu thống, đau dạ dày, viêm họng mạn tính, hen suyễn, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, một số bệnh suy nhược thần kinh... rất hay tái phát vào những ngày trước hoặc sau tiết xuân phân.
Những người trong mùa đông không biết cách giữ gìn thân thể, ăn quá nhiều chất cay nóng làm hao tán âm khí gây nên chứng “Âm hư hỏa vượng”, hoặc ăn quá nhiều chất xào rán béo ngậy làm cho đàm nhiệt ẩn tích lại trong cơ thể, sang mùa xuân bệnh sẽ phát ra với những chứng trạng như đầu mặt choáng váng, ngực bụng đầy tức, chân tay nặng trĩu, tinh thần uể oải... Còn theo y học hiện đại, đây là thời kì hay có các dịch cảm cúm, viêm khí quản cấp tính, viêm phổi, viêm não, sởi, quai bị... Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu cụ thể.
Thuốc nam phòng trị ngoại cảm nhiễm trùng trong mùa xuân
Bài 1: Kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, tang diệp 10g, cúc hoa 10g, bạc hà 6g, kinh giới 6g, cát cánh 6g, lá tre 8g, xạ can 6g, cam thảo 4g. Sắc uống. Công dụng: trị cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, họng khô, chảy nước mũi.
Bài 2: Tang diệp 12g cúc hoa 8g, trúc diệp 20g, bạc hà 3g, cam thảo 4g. Sắc uống thay nước trong ngày, uống ấm. Công dụng: giải trừ và phòng ngừa cảm mạo.
Bài 3: Tía tô 12g, kinh giới 8g, hoắc hương 10g, vỏ quýt 12g, củ gấu 12g, bán hạ chế 8g, cát cánh 8g, hạnh nhân 8g, cam thảo 6g, sinh khương 4g. Sắc uống. Công dụng: giải cảm, hóa đờm, trị ho, trướng bụng, buồn nôn.
Món ăn bài thuốc bổ dưỡng, trị suy nhược thần kinh,tăng cường sức khỏe
Bài 1: Đương quy 15g, hoàng kỳ 30g, đảng sâm 20g, thịt dê 300 g, rượu gạo 15g, gừng tươi 6g, gia vị vừa đủ. Thịt dê rửa sạch, thái miếng. Đương quy, hoàng kỳ, đảng sâm rửa sạch thái lát cho vào túi vải buộc chặt miệng, cho vào nồi thịt dê cùng với rượu, gừng, gia vị với lượng nước xâm xấp vừa phải, hầm nhừ, bỏ túi vải ra là dùng được. Ăn nóng, lúc đói. Công dụng: Kiện tỳ ích khí, dưỡng huyết an thần.
Bài 2: Chim sẻ 2 con, thiên ma 20g, hồng táo 4 quả. Thiên ma rửa sạch thái mỏng, chim sẻ làm sạch, bỏ nội tạng, chân. Tất cả cho vào bát, chế vừa nước rồi hấp cách thủy, thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: Bình can, chỉ huyễn vựng (làm hết đau đầu, chóng mặt).
Bài 3: Bạch chỉ 10g, bạch linh 30g, trần bì 8g, bán hạ chế 12g, ý dĩ 50g. Sắc bạch chỉ, bạch linh, trần bì và bán hạ trong nửa giờ rồi bỏ bã lấy nước ninh với ý dĩ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: khứ phong hóa đàm, giáng trọc chỉ thống.
Bài 4: Mạch môn đông 12g, sâm cao ly 3g, cam thảo 3g, hồng táo 3 quả, gạo nếp 80g. Các vị thuốc sắc lấy nước, gạo nếp ngâm qua cho vào nồi cùng với nước thuốc, nấu thành cháo. Có thể thêm chút mật ong, ăn cả mạch môn đông và hồng táo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: ích khí, dưỡng âm, điều bổ tâm thận.
Bài 5: Thịt gà ác 150g, nhân sâm 10g, nhung hươu 3g. Thịt gà rửa sạch chặt miếng, nhân sâm tán, nhung hươu cho vào nồi hầm nhừ, thêm gia vị, chia ăn trong ngày. Công dụng: bổ khí huyết, cường tráng ích tinh.
Liên kiều phối hợp với một số vị thuốc khác trị ngoại cảm nhiễm trùng mùa xuân.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!