Xét nghiệm máu là dạng xét nghiệm để xác định nhóm máu của một người. Xét nghiệm này mang tính thiết yếu nếu bạn đang cần được truyền máu hoặc muốn hiến máu. Không phải tất cả các nhóm máu đều tương thích với nhau, vì vậy điều quan trọng là bạn cần biết rõ nhóm máu của mình. Việc tiếp nhận nhóm máu không tương thích với cơ thể có thể gây ra các phản ứng miễn dịch nguy hiểm đến tính mạng.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các nhóm máu cũng như sự tương thích giữa chúng trong bài viết sau nhé!
Các nhóm máu
Nhóm máu của bạn được xác định bởi một loại kháng nguyên tồn tại trên bề mặt các tế bào hồng cầu. Các kháng nguyên là những chất giúp cơ thể bạn phân biệt giữa các tế bào của cơ thể và các tế bào “xâm nhập” từ môi trường bên ngoài (thường mang những nguy hiểm tiềm ẩn). Nếu cơ thể của bạn nhận định một tế bào là “kẻ xâm nhập”, nó sẽ tự động tiêu diệt tế bào này.
Nhóm máu của bạn sẽ thuộc một trong bốn loại của hệ thống nhóm máu ABO:
- Nhóm máu A có kháng nguyên A;
- Nhóm máu B có kháng nguyên B;
- Nhóm máu AB có cả kháng nguyên A và B;
- Nhóm máu O không có kháng nguyên A và B.
Nếu có sự xuất hiện của các nhóm máu chứa kháng nguyên không tương thích với nhóm máu của bạn, cơ thể của bạn sẽ tự tạo ra kháng thể để chống lại nó.
Tuy nhiên, có một số trường hợp vẫn có thể tiếp nhận nhóm máu khác không thuộc nhóm máu của bệnh nhân. Nói cách khác, nguyên tắc truyền máu hoạt động như sau:
Nhóm máu O
Người có nhóm máu O có thể hiến máu cho bất cứ ai bởi vì máu của họ không chứa kháng nguyên.
Tuy nhiên, họ chỉ có thể nhận máu từ người có nhóm O (vì nhóm máu O sẽ nhận định tất cả các kháng nguyên khác đều là “tế bào xâm nhập”).
Nhóm máu A
Người nhóm máu A có thể hiến máu cho người cùng nhóm máu A và nhóm máu AB (cùng chứa kháng nguyên A). Người nhóm máu A chỉ có thể nhận máu từ người cùng nhóm A hoặc nhóm máu O.
Nhóm máu B
Người nhóm máu B có thể hiến máu cho người cùng nhóm máu B và nhóm máu AB (cùng chứa kháng nguyên B). Người nhóm máu B chỉ có thể nhận máu từ người cùng nhóm B hoặc nhóm máu O.
Nhóm máu AB
Người nhóm máu AB chỉ có thể hiến máu cho người cùng nhóm máu AB, nhưng có thể nhận máu từ tất cả các nhóm máu.
Các nhóm máu được phân biệt thêm bởi yếu tố Rh
Rh-dương tính
Người có nhóm máu Rh dương tính sẽ có kháng nguyên Rh trên bề mặt hồng cầu của họ. Những người thuộc nhóm máu Rh dương tính có thể nhận máu từ nhóm Rh dương tính hoặc Rh âm tính.
Rh-âm tính
Người có nhóm máu Rh âm tính không có kháng nguyên Rh trên bề mặt hồng cầu. Những người có nhóm máu Rh âm tính chỉ có thể nhận máu từ người cùng nhóm Rh âm tính. Đây cũng là lý do khiến nhóm máu Rh âm tính này trở nên hiếm và đặc biệt.
Tính quan trọng của xét nghiệm máu
Việc xét nghiệm máu thường được thực hiện trước khi truyền máu hoặc để phân loại nhóm máu của người hiến tặng. Thử máu là một biện pháp nhanh chóng và dễ dàng để đảm bảo rằng bạn sẽ được truyền đúng loại máu trong khi phẫu thuật hoặc sau khi gặp một chấn thương. Nếu cơ thể bạn tiếp nhận phải nhóm máu không tương thích, nó có thể dẫn đến tình trạng ngưng tiếp nhận máu có thể gây tử vong.
Việc xét nghiệm máu đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ đang mang thai. Nếu người mẹ có nhóm máu Rh âm tính và người cha có nhóm máu Rh dương tính thì đứa trẻ sẽ thuộc nhóm Rh dương tính. Trong những trường hợp này, người mẹ cần tiêm một loại thuốc gọi là RhoGAM. RhoGAM là loại thuốc mẹ cần dùng khi nhóm máu của người mẹ hoàn toàn tách biệt so với nhóm máu thai nhi. Thuốc này sẽ giúp giữ cho cơ thể mẹ tránh hình thành các kháng thể tấn công đến các tế bào máu của trẻ nếu máu của trẻ trở nên hỗn tạp – tình trạng thường xảy ra trong thời kỳ mang thai.
Những rủi ro của việc xét nghiệm máu
Bạn sẽ cần phải thử máu để thực hiện xét nghiệm xác định nhóm máu. Quá trình lấy máu chỉ có những rủi ro rất nhỏ bao gồm:
- Xuất huyết dưới da (tình trạng tụ máu);
- Bị ngất xỉu hoặc đau đầu nhẹ;
- Nhiễm trùng tại vùng da tiêm lấy máu;
- Chảy máu quá nhiều.
Hello Bacsi hy vọng những kiến thức trên đã giúp bạn hiểu thêm về các nhóm máu cũng như sự tiếp nhận máu từ nhóm này và nhóm khác.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Bạn biết gì về chứng sợ máu?
- Những điều bạn nên biết về ung thư máu
- Chế độ ăn uống hợp lý dành cho bệnh nhân thiếu máu
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!