Ngày nay, việc tư vấn bệnh online đang dần trở thành 'xu hướng mới'. Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo (hiện đang công tác tại Bệnh viện sản nhi Vĩnh Phúc) cũng luôn thực hiện công việc tư vấn bệnh online cho một số ca bệnh nhẹ mà không cần đến viện thăm khám. Tuy nhiên mới đây, bác sĩ đã chỉ ra hệ lụy ở hình thức tư vấn này khiến rất nhiều bệnh nhân phải giật mình 'thức tỉnh'.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo
Dưới đây là lời chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo về 'Giới hạn cho tư vấn bệnh online' mà ai cũng nên đọc.
Có nhiều phụ huynh 'mong ước' quá lớn, nghĩ rằng chỉ cần kể bệnh là bác sĩ có thể 'đoán' được hết bệnh. Ngoài ra, cũng có rất nhiều bác sĩ trẻ tự tin về kiến thức của mình nên đã tư vấn bệnh online tuốt tuồn tuột. Nhưng có lẽ, các bạn chưa gặp sự cố vì số lượng bệnh nhân các bạn tư vấn chưa đủ nhiều thôi.
Cách đây chừng 3 năm, một bệnh nhân của tôi vừa là người quen vừa là 'bệnh nhân ruột' khám với tôi nhiều đến nhẵn mặt. Có lần con chị đó bị tiêu chảy phân nhầy máu qua khám và tôi kê thuốc về 5 ngày sau khỏi ngon lành. Chừng 1 tháng sau đó em bé lại tiếp tục đi ngoài phân nhầy máu như thế, nhưng không quấy khóc. Mẹ bé tiếp tục gọi điện và một mực muốn tôi kê đơn như lần trước vì nghĩ rằng bé vẫn mắc bệnh giống hệt lần trước. Tôi từ chối.
Cuối cùng mẹ cháu cũng đành phải đưa qua tôi khám. Thật may cho em bé đó vì đã đi khám vì tôi kết luận bé đi ngoài phân nhầy máu là biểu hiện của bệnh lồng ruột chứ không phải của bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn thông thường. Cháu được chỉ định nhập viện tháo lồng ngay. Tôi nói với mẹ cháu rằng: 'Nếu anh tặc lưỡi kê đơn theo bệnh kể như em muốn có khi con em đã nguy hiểm tính mạng rồi'.
Trường hợp thứ 2 vừa xảy ra cách đây không lâu, từ là một đồng nghiệp của tôi chia sẻ, cũng lại vì tư vấn online. Em bé hết sốt, chơi ngoan hơn sau chừng 3 ngày sốt. Tưởng chừng bệnh sẽ êm đềm và khỏi nhưng đến ngày thứ 4 khi sốt giảm, bé xuất hiện đau bụng, mệt hơn, mẹ cháu cho nhập viện khám thì bé đột ngột tử vong ngay trong ngày, đau xót không nói nên lời.
Trường hợp thứ 3 vừa khám xong, tôi gặp khá nhiều. Bé 10 tháng sốt ngày 2, nhiệt độ cao nhất 39 độ, ngoài sốt vẫn vui vẻ, bé hắt hơi, chảy mũi trong, có ho nhưng rất ít. Khám bé không thở nhanh, nghe phổi không có rales (ran phổi), khám họng viêm đỏ, khám tai bình thường.
Định kê đơn về với chẩn đoán viêm mũi họng do virus. Nhưng thật may cho tôi đã không bỏ sót chẩn đoán, lúc đó bé ho 1 tiếng, khi nghe tiếng ho tôi quyết định thay đổi chẩn đoán và cho bé làm xét nghiệm máu kèm X-quang phổi. Kết quả xét nghiệm thì ôi thôi, các chỉ số nhiễm trùng cao vút tầm, X-quang phổi thì tổn thương viêm phổi (như hình).
Bệnh nhân được chỉ định nhập viện và dùng kháng sinh tĩnh mạch ngay. Thế đấy, với biểu hiện ho - sốt tưởng chừng đơn giản, ngồi khám trực tiếp còn nhầm tùm lum huống chi kể bệnh để kê đơn.
Ảnh X-Quang phổi của bé 10 tháng tuổi. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Cuối bài, bác sĩ cho biết việc thực hành lâm sàng không phải là thói quen với công thức cứng nhắc, cứ áp vào là xong mà cần cụ thể trên từng bệnh nhân. Bác sĩ Thảo cho rằng việc đi khám bệnh không phải chỉ để lấy 1 đơn thuốc rồi về uống là xong, mà còn để hiểu về bệnh và cách chăm sóc - theo dõi, cố gắng để giảm tối đa những nhầm lẫn đáng tiếc có thể xảy ra. Vì vậy nếu cha mẹ muốn được bác sĩ chẩn đoán bệnh online và xin kê thuốc thì bác sĩ sẽ chỉ 'hướng dẫn cho các bạn giới hạn theo dõi mà thôi'.
Bài viết của bác sĩ Thảo đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cộng đồng mạng, nhiều phụ huynh có con nhỏ đã để lại lời cảm ơn dành cho bác sĩ. Có thể thấy những trường hợp mà bác sĩ Thảo chỉ ra chính là bài học để phụ huynh không phụ thuộc vào những chẩn đoán online vì rất dễ xảy ra những sai lầm không đáng có, đôi khi là đánh đổi cả một tính mạng, trả bằng giá nào cũng không thể lấy lại được!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!