Lưu ý khi dùng thuốc trị tiêu chảy không nhiễm khuẩn

Cần biết - 04/29/2024

Muốn điều trị bệnh tiêu chảy hiệu quả, cần dùng đúng thuốc.

Trong tiêu chảy không nhiễm khuẩn không dùng kháng sinh, đặc biệt là không dùng kháng sinh kéo dài vì sẽ không làm hết tiêu chảy mà còn gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột làm cho bệnh nặng thêm.

Thuốc chống tiêu chảy không đặc hiệu (loperamid, racecadotril, diphenoxylat) và các thuốc bao che vết loét chống kích thích (smecta, actapulgit) là những thuốc được sử dụng trong trường hợp này. Vậy khi dùng người bệnh cần lưu ý gì?

Các thuốc chống tiêu chảy không đặc hiệu

Loperamid: Là chất tổng hợp nhóm opiat, có tác dụng trực tiếp lên cơ vòng, cơ dọc thành ruột, giảm nhu động thành ruột, tăng lực co thắt hậu môn, giảm tiết dịch đường tiêu hóa, ảnh hưởng lên sự chuyển hóa của dịch, chất điện giải qua ruột, giảm sự mất dịch, chất điện giải, giảm thể tích phân, tăng độ nhớt, tỷ trọng khối, nhờ thế mà cầm tiêu chảy, giảm mất dịch khá nhanh.

Do chống co thắt, làm giảm nhu động ruột, nên loperamid làm tăng thời gian giữ phân lại, làm tăng sinh vi khuẩn trong ruột, từ đó, có thể gây bùng phát lại sự nhiễm khuẩn. Trong trường hợp vi khuẩn tiết ra chất độc, độc tố lưu lại trong ruột còn gây hại. Như vậy, từ một thuốc chống tiêu chảy, loperamid có thể làm tái sự tiêu chảy, gây độc nếu phối hợp không khéo (dùng liều cao làm tăng sự co thắt, giảm nhu động ruột quá mức). Đây là một tác dụng phụ do cách dùng, ít được để ý.

Là một opiat tổng hợp, với liều điều trị thì ít độc cho hệ thần kinh trung ương của người lớn song có thể gây các triệu chứng thần kinh cho trẻ dưới 6 tuổi, vì vậy không dùng loperamid cho trẻ em (dưới 6 tuổi), cũng có nhà sản xuất ghi không dùng cho trẻ 8 tuổi.

Lưu ý khi dùng thuốc trị tiêu chảy không nhiễm khuẩn

Muốn trị bệnh hiệu quả, cần dùng đúng thuốc.

Khi dùng liều cao kéo dài, loperamid sẽ gây táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn, khô miệng, trướng bụng, tắc, liệt ruột (do giảm co thắt, giảm nhu động ruột quá mức) ngoài ra còn có thể gây một số biểu hiện về thần kinh như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Không dùng cho người nhu động ruột bị giảm sút, trướng bụng, thận trọng khi dùng với người viêm loét dạ dày, có chức năng gan suy giảm. Không dùng thuốc cho người có thai (vì chưa có đủ thông tin), có thể dùng cho người cho con bú (vì tiết qua sữa rất ít) nhưng chỉ nên dùng liều thấp. Trong vòng 48 giờ dùng riêng lẻ hay kết hợp với thuốc đặc trị mà không hiệu quả thì phải ngừng dùng.

Racecadotril: Có tác dụng làm giảm tiết dịch khi có sự tăng tiết, giảm mất dịch chất điện giải, giảm thể tích phân nhờ thế mà cầm việc tiêu chảy.

Không chống co thắt, làm giảm nhu động ruột, nên racecadotril không có tác dụng phụ do chống co thắt ruột quá mức gây ra như loperamid. Với liều điều trị, không gây tai biến nào nghiêm trọng. Phạm vi liều của racecadotril rộng (có thể dùng gấp 20 lần liều thường dùng mà không bị tác dụng phụ) tuy nhiên trong điều trị cũng chỉ nên dùng liều đủ hiệu quả chống tiết dịch, chất điện giải, không dùng liều quá cao. Không phải là một opiat, không đi qua được hàng rào máu não của trẻ, nên racecadotril không có tác hại trên thần kinh của trẻ, có thể dùng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.

Diphenoxylat: Là chất chủ vận opioid, làm chậm nhu động ruột, các cơn co thắt, cho phép kéo dài thời gian vận chuyển sinh lý, tăng sự thu hút độ ẩm vào phân, ngăn sự hình thành phân lỏng; thường kết hợp với atropin (chất kháng muscarin, giảm co thắt) chống tiêu chảy mạn do rối loạn đại tràng chức năng. Ở liều điều trị, thuốc phối hợp hai chất này không gây ra các triệu chứng thần kinh, gây nghiện như opium. Một số tác dụng phụ thường gặp (nhất là khi dùng liều cao) như: đau bụng, táo bón, buồn nôn, nôn, khô miệng, trướng bụng, tắc ruột (do liệt), mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu. Có tương tác làm tăng tác dụng của thuốc ngủ barbirurat hay các thuốc an thần khi dùng chung với thuốc này.

Ba thuốc này có dùng trong tiêu chảy do nhiễm khuẩn nhưng chỉ với vai trò phối hợp, đều làm giảm tiết dịch, giảm mất dịch song khi bị tiêu chảy mất dịch thì chúng không đủ sức thay thế cho việc bù dịch nên nhất thiết phải dùng các thuốc bù dich (oesol, ringer lactat, natrichlorit 0,9%).

Các thuốc bao che vết loét chống kích thích

Smecta: Là aliminium magnesium silicat, có cấu trúc từng lớp và có độ nhầy cao, có tính bám dính cao nên bao che niêm mạc, có tác động với glycoprotein của chất nhầy làm tăng sức chịu đựng của lớp gel trên niêm mạc khi bị các tác nhân khác tấn công. Nhờ vậy mà bảo vệ được niêm mạc tiêu hóa.

Actapulgid: Là muối alumium magneium silicat, làm tăng khối lượng làm cho phân tạo thành khuôn, bao che vết loét nên đại tràng đỡ bị kích thích.

Cả hai thuốc trên không có tính cản quang, không nhuộm màu phân, không làm thay đổi thời gian vận chuyển sinh lý của ruột; có thể gây táo bón nhưng hiếm (cẩn thận với người già), có thể gây trướng bụng, tổn thương ruột, tắc ruột (không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi trừ khi có chỉ định của bác sĩ, không dùng nếu trẻ đang sốt). Do có tính hấp phụ nên làm giảm hay mất tác dụng của thuốc khác, phải dùng cách các thuốc khác ít nhất 2 giờ. Không dùng phối hợp các chất này trong tiêu chảy nhiễm khuẩn vì tính hấp phụ làm giảm hiệu lực của kháng sinh điều trị.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!