Báo động: 2.000 trẻ tử vong vì đuối nước mỗi năm, nhiều trẻ bị xâm hại tình dục

Làm mẹ - 04/27/2024

Ước tính, trung bình mỗi năm ở nước ta vẫn có hơn 4.000 em bị tử vong do tai nạn thương tích, 2.000 em bị tử vong do đuối nước. Vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cũng diễn ra phức tạp...

Sáng 25/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em đã dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với thông điệp 'Chung tay vì trẻ em nghèo, phòng chống đuối nước trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”, tổ chức tại Thanh Hoá.

Những năm gần đây, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đạt được nhiều thành quả, đảm bảo các quyền của trẻ em và hội nhập với quốc tế. Trẻ em được phát tiền toàn diện, được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ.

Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, thách thức trong công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em. Đó là vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em, suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em, tai nạn, thương tích, đuối nước đối với trẻ em. Đặc biệt là vẫn còn khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em.

Hiện cả nước còn khoảng gần 5,6 triệu trẻ em là trẻ em nghèo theo phương thức tính nghèo đa chiều. Hơn 50% số trẻ em dân tộc thiểu số là trẻ em nghèo. Trong đó tỷ lệ nghèo cao nhất là về vui chơi giải trí (65,9%), sức khoẻ (45,3%) và nước sạch 36,6%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn cao, cao nhất là vùng Tây Nguyên (34,9%), Trung du và miền núi phía Bắc (30,7%). Tỷ lệ nhập học mầm non của trẻ em còn thấp, đặc biệt là trẻ em trong các hộ nghèo, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tiếp cận dịch vụ vui chơi giải trí của trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp. Mới có 58,5% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa, thể thao.

Vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra phức tạp. Trong giai đoạn 2017-2018 có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Có những vụ việc phát hiện muộn, thiếu một số các chế tài để kết tội, trẻ em, người lớn thiếu kỹ năng phòng ngừa xâm hại bạo lực.

Trung bình mỗi năm vẫn còn hơn 4.000 em bị tử vong do tai nạn thương tích, 2.000 em bị tử vong do đuối nước.

Báo động: 2.000 trẻ tử vong vì đuối nước mỗi năm, nhiều trẻ bị xâm hại tình dục

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng áo phao cho các em học sinh. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Nghiêm khắc với trẻ bằng tình thương, không phải roi vọt

Nói về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các bậc cha mẹ, người lớn nghiêm khắc với trẻ em bằng tấm lòng, tình thương chứ không phải bằng roi, vọt hay những câu nói, thái độ gây tổn thương. Chúng ta hãy tôn trọng trẻ em, lắng nghe trẻ em nói, để biết các cháu muốn gì, được tham gia, bày tỏ ý kiến của mình.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong tháng hành động, khi xảy ra các vụ việc liên quan đến trẻ em, chính quyền các địa phương xử lý nhanh nhất, nghiêm nhất, hỗ trợ tốt nhất cho các em, tiến tới đưa phương châm, tinh thần này được quán triệt thực hiện thường xuyên. Mỗi người lớn và chính các em chủ động thực hiện tốt các công việc, mục tiêu của tháng hành động. Tháng hành động không chỉ thay đổi nhận thức mà là hành vi, cách ứng xử để trẻ em được thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất mà xã hội dành cho các em.

Phó Thủ tướng lưu ý, Việt Nam đang phát triển, đất nước còn đang rất nghèo, chúng ta xóa đói giảm nghèo nói chung nhưng đặc biệt phải chú ý hơn đến trẻ em. Năm nay là năm thứ 30 Việt Nam ký Công ước về quyền trẻ em, năm thứ 25 phát động tháng hành động vì trẻ em và có rất nhiều điều để nói. Đó là còn rất nhiều trẻ em ở miền núi, vùng khó khăn bị thấp còi, suy dinh dưỡng vì không được tiếp cận đầy đủ các các dịch vụ sức khỏe, giáo dục.

Nhiều trẻ em ngay từ khi sinh ra đã bị bỏ rơi do những lỗi lầm của người lớn. Còn nhiều em được nuôi nấng không đủ dinh dưỡng, khi ốm đau chưa được chăm sóc tốt. Không ít trẻ em bị bạo hành, bị bóc lột sức lao động, bị thương tích, tử vong do tai nạn, đuối nước.

Ngoài những phong trào, kêu gọi, vận động thì việc tối quan trọng là phải thực hiện thật tốt Luật Trẻ em, trong đó quy định rất đầy đủ các quyền của trẻ em, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, xã hội. Chúng ta phải làm cho mọi người trong xã hội, đặc biệt là trẻ em biết được quyền của mình. Những tổ chức, cá nhân được quy định trong luật phải được ràng buộc trách nhiệm về mặt Đảng, chính quyền, luật pháp. Các hành vi vi phạm về quyền trẻ em phải bị xử lý nghiêm - Phó Thủ tướng nói.

Vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn miền núi

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025.

Mục tiêu của Đề án là vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; hỗ trợ trẻ em được tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí; hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!