Đến năm 2050 thế giới dự đoán sẽ có 131 triệu người mắc suy sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ - Một thách thức sức khỏe cộng đồng toàn cầu và cấp bách
GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng là Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết, sa sút trí tuệ nói chung và bệnh Alzheimer (là dạng phổ biến nhất của hội chứng suy giảm trí nhớ) nói riêng hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của những chuyên gia lão khoa bởi khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số người mắc bệnh này ngày càng nhiều.
Theo một nghiên cứu dịch tễ học ở nước ta, tỷ lệ sa sút trí tuệ chiếm 4,8-5% ở người trên 60 tuổi. Như vậy, Việt Nam có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ và xu hướng đang ngày càng gia tăng.
Con số đáng báo động về tình trạng sa sút trí tuệ
Về góc độ phạm vi toàn cầu, GS Jean-Piere Michel, Giám đốc Liên đoàn đào tạo lão khoa của Hội Lão khoa thế giới cho biết, hiện có khoảng 35,6 triệu người bị sa sút trí tuệ, nhiều nhất là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (chiếm 58%). Điều đáng nói là mỗi năm lại có thêm 7,7 triệu người mắc mới. Cứ 3 giây là thế giới có thêm 1 người bị sa sút trí tuệ.
GS Phạm Thắng chỉ ra, bệnh sa sút trí tuệ gây suy giảm trí nhớ kèm theo với những rối loạn về hành vi, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Bệnh sa sút trí tuệ là gì?
Bệnh sa sút trí tuệ là sự suy giảm dần dần khả năng trí tuệ vốn có từ trước của bệnh nhân. Ban đầu biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ là mất trí nhớ gần, không rõ ràng và ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ bị tăng tần suất các tai biến và việc chăm sóc người mắc bệnh sa sút trí tuệ đòi hỏi phải có phương pháp khoa học và hiệu quả.
Bệnh sa sút trí tuệ được cảnh báo không còn là bệnh của người già
Dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ
1. Mất trí nhớ gần
Ở thời kỳ đầu biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ có thể còn nhẹ. Người bệnh thường quên những sự việc vừa mới xảy ra và không nhớ lại được, cũng có thể quên ngay những điều vừa mới nghe hoặc những điều vừa mới dự định làm.
Theo tiến trình của bệnh, suy giảm trí nhớ ngày càng nặng hơn và bệnh nhân quên cả các sự kiện xảy ra ngày hôm trước, tuần trước, tháng trước…. quên tên người quen cũ, đồng nghiệp, quên các kiến thức đã học… rồi quên cả các sự kiện quan trong liên quan đến cuộc sống cá nhân của mình.
2. Rối loạn định hướng
Trí nhớ là một nhân tố quan trọng trong việc định hướng, do vậy khi mắc bệnh sa sút trí tuệ khả năng định hướng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người bệnh thường lạc đường, không nhớ được cách họ đi đến một nơi chốn cụ thể và quên cách để trở về nhà, dần dần mất hoàn toàn khả năng định hướng không gian và thời gian.
Mất trí nhớ là dấu hiệu lâm sàng rõ nhất của bệnh sa sút trí tuệ
3. Rối loạn hoạt động
Người bệnh có thể không còn nhớ ăn uống thế nào cho đúng cách hoặc không thể tự ăn uống được. Nặng nề hơn, người bệnh không thể tự làm vệ sinh cá nhân, cần phải có sự giúp đỡ của người khác. Lệ thuốc vào sự giúp đỡ của người khác trong các công việc, sinh hoạt. Ở giai đoạn bệnh tiến triển nặng, người bệnh không biết cách ăn uống, vệ sinh cá nhân…
4. Rối loạn ngôn ngữ
Quên những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng, khó khăn trong việc tìm từ, diễn đạt, rối loạn phát âm như nói lắp, khó gọi tên đồ vật…
5. Giảm khả năng tư duy trừu tượng
Người bệnh có thể không nhận ra được các con số hoặc không thực hiện được các phép tính đơn giản. Khả năng suy luận, phán đoán và giải quyết vấn đề cũng bị suy giảm theo tiến triển của bệnh, ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động nghề nghiệp, các quan hệ xã hội và ngay cả trong cuộc sống gia đình, hoạt động sống hàng ngày của bệnh nhân.
6. Thay đổi tính cách
Cùng với tình trạng quên tiến triển nặng, người bệnh thường âu lo, buồn phiền, giận dữ, dễ bị kích động, nghi ngờ hoặc sợ sệt và mất tự chủ…
Yếu tố nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ
Căn bệnh này ảnh hưởng hầu hết ở những người trong độ tuổi từ 65 trở lên.
Những yếu tố nguy cơ không thay đổi được:
Tuổi tác: Con người sẽ dễ mắc bệnh hơn nếu đã trên 65 tuổi. Tuy nhiên, sa sút trí tuệ không phải là quá trình bình thường của lão hóa, do đó người trẻ vẫn có thể mắc phải bệnh này.
Tiền căn gia đình: Nhiều người có người thân bị sa sút trí tuệ nhưng lại không mắc bệnh và cũng có người mắc bệnh mặc dù không có tiền căn gia đình bị sa sút trí tuệ. Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để xác định bạn có đột biến gen hay không.
Hội chứng Down: Nhiều người bị hội chứng Down khởi bệnh sớm ở tuổi trung niên.
Suy giảm nhận thức mức độ nhẹ: Bao gồm những vấn đề về trí nhớ nhưng không mất đi chức năng sinh hoạt hàng ngày. Điều này làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh sa sút trí tuệ.
Những đứa trẻ mắc hội chứng down sẽ khởi bệnh sa sút trí tuệ ở tuổi trung niên
Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:
Lạm dụng rượu nặng: Nếu bạn uống quá nhiều rượu, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Yếu tố nguy cơ tim mạch: Gồm tăng huyết áp, cholesterol máu cao, xơ vữa mạch máu và béo phì.
Trầm cảm: Đã được chứng minh làm tăng khả năng mắc bệnh.
Đái tháo đường: Nếu bạn bị đái tháo đường, bạn có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn, đặc biệt khi kiểm soát đường huyết không tốt.
Hút thuốc lá: Làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ và các bệnh lý khác (như các bệnh về mạch máu).
Ngưng thở khi ngủ: ngáy và ngưng thở khi ngủ xảy ra thường xuyên có thể có sự mất trí nhớ.
Sáu lưu ý giúp hạn chế mắc mắc sa sút trí tuệ ở người trẻ
Ở người trẻ sa sút trí tuệ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày, những người trẻ có thể áp dụng 6 phương pháp dưới đây, nhằm hạn chế mắc sa sút trí tuệ sớm:
- Thay đổi môi trường sống, hạn chế sự ồn ào, lộn xộn để có thể tập trung hơn
- Sống vui vẻ, tích cực, hạn chế các căng thẳng mệt mỏi
- Không sử dụng rượu và các chất kích thích
- Đảm bảo tinh thần thoải mái và luôn ngủ đủ giấc
- Học cách kiên nhẫn với chính mình
- Thường xuyên tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!