Chẩn đoán sớm bệnh sa sút trí tuệ sẽ giúp bạn và người thân nhận được sự điều trị kịp thời, biết cách kiểm soát các triệu chứng để sống tốt hơn.
Theo chuyên gia ngành thần kinh học thì nếu trong một thời gian dài, bạn không gặp người cao tuổi thân yêu trong gia đình thì sau khi gặp lại bạn sẽ dễ nhận thấy các thay đổi đáng lo ngại về trí nhớ cũng như hành vi của họ. Khi càng tiến gần vào giai đoạn lão hóa, não bộ của người cao tuổi càng thoái hóa dần, dẫn đến chứng sa sút trí tuệ nhớ và sự lú lẫn. Vì thế, việc hiểu rõ về 6 dấu hiệu cảnh báo về chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi sẽ giúp bạn chăm sóc người thân yêu tốt hơn. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!
1. Thường xuyên lặp lại một vấn đề
Việc một người thường vô tình kể lại một câu chuyện hoặc hỏi lại một vấn đề là rất bình thường, miễn là sau đó họ có thể nhận ra và thừa nhận sự lặp lại này. Tuy nhiên, khi người cao tuổi thường lặp lại một vấn đề trong vô thức nhiều lần, đó chính là một dấu hiệu đáng cảnh báo. Và đây cũng chính là lúc bạn quan tâm nhiều hơn đến người thân yêu của mình bằng cách khuyến khích họ đến gặp bác sĩ.
2. Gặp rắc rối về các phép tính đơn giản
Kỹ năng giải quyết vấn đề có thể dần trở nên suy yếu dần đối với những người bị mắc bệnh Alzheimer. Ngoài ra, họ còn bị nhầm lẫn và gặp khó khăn trong việc thực hiện công việc từng bước theo chỉ dẫn hoặc mắc phải sai lầm khi thực hiện các phép tính đơn giản.
3. Bị lạc ở những nơi thân thuộc
Tình trạng người cao tuổi bị mất phương hướng hoặc nhầm lẫn khi ở một địa điểm mới lạ là rất bình thường. Tuy nhiên, nếu họ gặp khó khăn trong việc hoàn thành các công việc quen thuộc hằng ngày hoặc định hướng đường đi ở các nơi thân thuộc, đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang mắc bệnh sa sút trí tuệ.
4. Sử dụng sai từ ngữ
Những người bình thường và khỏe mạnh cũng có đôi khi gặp trở ngại trong việc chọn từ ngữ chính xác, đặc biệt là khi họ dần lớn tuổi. Tuy nhiên, việc sử dụng các từ ngữ không phù hợp với nội dung câu nói, hoặc gọi sai tên của các đồ vật xung quanh có thể chính là triệu chứng cho thấy rằng não bộ của họ có thể đang gặp trở ngại nào đó hay chính xác hơn là bệnh sa sút trí tuệ.
5. Giữ vệ sinh kém
Những thay đổi về ngoại hình thường là những dấu hiệu đầu tiên mà các thành viên trong gia đình có thể nhận thấy ở một người mắc bệnh sa sút trí tuệ. Các dấu hiệu này càng rõ ràng hơn đặc biệt đối với những người thường cẩn thận, tỉ mỉ trong việc chọn quần áo và trang điểm hằng ngày. Trên thực tế, chính xác thì người cao tuổi đã nghỉ hưu và ít ra ngoài thường không đặt nặng về vấn đề ngoại hình. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy họ ăn mặc xuề xòa hoặc không gọn gàng như việc không cạo râu, tắm rửa trong vài ngày vào các dịp lễ hội họp gia đình, đây có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại.
6. Sự thay đổi về tính cách
Nếu ông bà hay người thân cao tuổi của bạn bỗng dưng có các hành vi cư xử không phù hợp, sợ hãi hoặc đáng nghi ngờ, có lẽ bạn nên để ý đến họ nhiều hơn. Chẳng hạn như họ có thể đưa ra quan điểm sai lệch, hoặc phê bình gay gắt một vấn đề bình thường nào đó.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của người thân yêu, hãy tự cân nhắc lại xem các cử chỉ hằng ngày của họ có bỗng dưng khác hẳn so với lúc xưa hay không. Nếu có, bạn cần khuyến khích và đưa họ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 10 cách đơn giản giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer
- Không nhớ được tên người mới gặp, có thể bạn đang mắc bệnh Alzheimer
- Thực trạng bệnh Alzheimer
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!