Bắt giữ nhóm đối tượng giả bác sĩ, dàn cảnh bán 'thuốc chữa bách bệnh'

Thời sự - 04/28/2024

Công an TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, đơn vị vừa bắt tiếp một nhóm 4 đối tượng (3 nữ, 1 nam) có hành vi giả bác sĩ, lừa đảo bán thuốc rởm, chiếm đoạt tài sản với hành vi thủ đoạn giống như nhóm các đối tượng đã bị bắt trước đó ít ngày (báo SK&ĐS đã đưa tin).

Hiện lực lượng công an đang đấu tranh, làm rõ hành vi của các nhóm đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật.

Lên kịch bản, dàn dựng cảnh bán thuốc giả cho người bệnh để lấy tiền

Theo Công an TP. Đà Lạt, 4 đối tượng mới bị bắt giữ gồm: Nguyễn Thị Tâm (SN 1959, trú xã Mỹ Tân, Mỹ Lộc, Nam Định), Lê Thị Oanh (SN 1972, ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), Vũ Thị Vân (SN 1958, trú phường Cửa Bắc, TP. Nam Định) và Trần Văn Đăng (SN 1973, trú phường Lộc Vượng, TP. Nam Định). Điều tra bước đầu của cơ quan công an cho thấy, ngày 24/3, sau khi Công an TP. Đà Lạt bắt giữ nhóm 6 đối tượng (trong đó, 1 đối tượng đang được làm rõ) về hành vi giả bác sĩ, bán thuốc dạo lừa 70 triệu đồng của bị hại là bà Tạ Thị O. (76 tuổi, ngụ đường Đồng Tâm, TP. Đà Lạt), đã có 4 người đến Công an TP. Đà Lạt khai báo bị nhóm đối tượng trên lừa đảo. Trong đó, có bị hại là bà Nguyễn Thị T. đã mô tả các đối tượng khác với nhóm đã bị công an bắt. Quá trình xác minh, xác định đây là một nhóm đối tượng khác, Công an TP. Đà Lạt đã tiến hành truy xét, xác minh biển số xe, nhân dạng của các đối tượng. Xác định các đối tượng di chuyển theo quốc lộ 20, hướng đi TP. Hồ Chí Minh nên đã báo Trạm CSGT Madagui (huyện Đạ Huoai - Lâm Đồng) phối hợp, chặn bắt các đối tượng.

Bắt giữ nhóm đối tượng giả bác sĩ, dàn cảnh bán 'thuốc chữa bách bệnh'

Công an TP. Đà Lạt lấy lời khai các đối tượng.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Hải - Đội trưởng Đội Điều tra Tổng hợp Công an TP. Đà Lạt, bước đầu, qua đấu tranh với các đối tượng, xác định vụ án diễn biến như sau: Nguyễn Thị Tâm, Lê Thị Oanh, Vũ Thị Vân quen biết nhau từ trước và bàn bạc với nhau dàn dựng cảnh bán thuốc giả cho người bệnh để lấy tiền. Thực hiện ý định trên, các đối tượng đi mua hạt hạnh nhân ở chợ, đóng gói và in, dán nhãn mác 'Hạt thảo sơn học viện quân y'. Ngày 25/3, các đối tượng từ TP. Hồ Chí Minh đến Đà Lạt, thuê Trần Văn Đăng chở đồ đạc, cảnh giới cho các đối tượng khi mua bán thuốc, tìm và dụ 'con mồi'. Trưa cùng ngày, chúng phát hiện bà Nguyễn Thị T. (SN 1958, trú đường Đoàn Thị Điểm, TP. Đà Lạt) đang đi trên đường Lê Đại Hành. Theo phân công nhiệm vụ, Oanh giả là 'bác sĩ' Thanh, làm việc tại BVĐK tỉnh Lâm Đồng tiếp cận, hỏi thăm tình trạng bệnh tình của bà.

Theo kịch bản, Tâm (giả tên là Hà) chạy đến khen ngợi 'bác sĩ Thanh', nói rằng, trước đây bị đau mắt nặng, uống thuốc của 'bác sĩ Thanh' đã khỏi hẳn bệnh, nay muốn mua thêm thuốc cho người thân. Lấy được lòng tin của bà T., chúng đưa bà T. đến khu vực siêu thị Big C gặp Vân giả là 'bác sĩ quân y' để lấy thuốc. Lúc này, Oanh báo giá gói thuốc 35 triệu đồng. Bà T. không mang theo tiền nên Tâm cho bà T. mượn, trả trước cho Oanh, sau đó theo về nhà bà T. lấy tiền. Tại đây, bà T. đưa cho Tâm tiền và 2,5 chỉ vàng, trị giá 35 triệu đồng.

Hai nhóm đối tượng có các đặc điểm, phương thức, thủ đoạn giống nhau

Tang vật cơ quan điều tra thu giữ của nhóm 4 đối tượng bị bắt gồm bao tải chứa hàng chục kg hạt hạnh nhân, được đóng thành từng gói nhỏ (khoảng 100g), và hàng trăm tờ rơi in dòng chữ 'Hội thảo Bộ Y tế - Quốc phòng quân đội - Trung tâm Chăm sóc sức khỏe toàn cầu', 'Công dụng' chữa nhiều bệnh về xương khớp, mắt, tiểu đường biến chứng, thậm chí cả bại liệt, ung thư ?! Còn nhóm 6 đối tượng bị bắt giữ trước đó là các bao hạt đen như hạt đậu, đóng gói khoảng 0,5kg/gói cùng nhiều loại chai lọ, thuốc vỉ... 'công dụng chữa... bách bệnh'?!

Theo Trung tá Trần Minh Đức - Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an TP. Đà Lạt, cơ quan điều tra xác định, cả hai nhóm đối tượng có các đặc điểm, phương thức, thủ đoạn giống nhau. Cùng di chuyển từ các tỉnh phía Bắc đến TP. Hồ Chí Minh (đã gây án ở đâu, chưa rõ), sau đó đi xe máy, ôtô đến Đà Lạt. Đáng chú ý các đối tượng khai báo vòng vo, ngoan cố, thông tin gì cũng lấy 'trên mạng', 'mua ở chợ'. Nhiều kẻ hành vi đã rõ nhưng không chịu thừa nhận. Đến nay, các đối tượng thừa nhận có quen biết nhau. Khả năng chúng phân chia nhau bán loại thuốc để cùng 'hành nghề' lừa đảo, thu lợi bất chính.

Theo nhận định của Công an TP. Đà Lạt, hành vi lừa đảo của các đối tượng thủ đoạn không mới, nhưng khá nguy hiểm, gây bất ổn an ninh trật tự địa phương. Công an TP. Đà Lạt đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án. Nếu người dân là bị hại của các nhóm đối tượng trên, hãy liên hệ Công an TP. Đà Lạt khai báo để được giải quyết.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!