Bất ngờ với các công dụng của diệp hạ châu

Bí quyết sống khỏe - 11/24/2024

Diệp hạ châu hay Phyllanthus niruri là một loại thực vật dùng làm thuốc, được tìm thấy ở các khu vực ven biển.

Diệp hạ châu hay Phyllanthus niruri là một loại thực vật ở các khu vực ven biển. Lá và quả của nó được sử dụng làm thuốc.

Thảo dược diệp hạ châu được biết đến nhiều với công dụng bảo vệ gan. Ngoài ra, nó cũng có thể được dùng để điều trị sỏi thận, do đó một số người còn đặt biệt danh cho loại thực vật này là “máy cắt đá”. Qua bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về diệp hạ châu.

Lợi ích sức khỏe của diệp hạ châu

1. Đặc tính chống oxy hóa

Theo nghiên cứu trong ống nghiệm vào năm 2014, một mẫu chất chiết xuất từ lá diệp hạ châu cho thấy loại thực vậy này có tính năng chống oxy hóa mạnh mẽ. Chất chống oxy hóa có nhiệm vụ vô hiệu hóa các gốc tự do trong cơ thể có thể gây tổn thương tế bào và bệnh tật.

2. Đặc tính kháng khuẩn

Theo một nghiên cứu năm 2012, chiết xuất diệp hạ châu có khả năng kháng khuẩn chống lại H. pylori. Vi khuẩn H. pylori thường có trong đường tiêu hóa và chúng vô hại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp với số lượng vi khuẩn khổng lồ, chúng có thể gây loét dạ dày, đau bụng và buồn nôn.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng diệp hạ châu không hề gây tổn hại đến bất kỳ khuẩn lợi nào có trong cơ thể con người.

3. Đặc tính chống viêm

Viêm có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề trên cơ thể, bao gồm các tình trạng da như bệnh vảy nến hay đau mãn tính. Theo một nghiên cứu trên động vật năm 2017, diệp hạ châu có thể giúp giảm viêm.

Trong nghiên cứu, các chuyên gia đã tiêm carrageenan vào chân sau của chuột để gây viêm. Những con chuột sau đó được điều trị bằng chiết xuất diệp hạ châu. Kết quả, tình trạng viêm đã giảm đáng kể.

4. Ngăng ngừa lở loét

Những phát hiện từ cùng một nghiên cứu trên động vật năm 2017 cũng cho thấy rằng chiết xuất diệp hạ châu có khả năng ngăn ngừa lở loét. Các chuyên gia cho rằng loại thảo dược này có thể bảo vệ dạ dày bằng cách giảm liều lượng axit tiết ra. Ngoài ra, nó còn có tác dụng chống viêm mạnh mẽ, từ đó ngăn ngừa tình trạng loét dạ dày.

5. Hỗ trợ hạ đường huyết

Một đặc tính khác của diệp hạ châu là điều trị đái tháo đường. Các chuyên gia cho biết, phần thân trên của thảo dược có thể hỗ trợ cơ thể hạn chế lượng đường hấp thụ và cải thiện lưu trữ glucose. Điều này rất có lợi cho việc duy trì lượng đường trong máu.

Bất ngờ với các công dụng của diệp hạ châu

6. Ngăn ngừa sỏi thận

Diệp hạ châu còn được biết đến như một phương thuốc chữa sỏi thận. Loại thảo dược này có thể giúp niệu quản thả lỏng để sỏi có thể dễ dàng đi qua. Sau đó, cơ thể sẽ nghiền sỏi để phá vỡ các hòn sỏi xuất hiện trong đường tiết niệu. Đồng thời, nó cũng có thể ngăn sỏi hình thành ngay từ đầu bằng cách không cho các tinh thể hình thành và kết dính lại với nhau.

7. Cải thiện sức khỏe gan

Theo một nghiên cứu năm 2017, diệp hạ châu có thể giúp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và xơ vữa động mạch. Cả hai bệnh lý này đều gây kháng insulin. Nghiên cứu cho thấy diệp hạ châu làm giảm sự kháng insulin, đồng thời giảm lượng axit béo trong gan.

Một nghiên cứu năm 2006 trên chuột cũng cho thấy các chất chống oxy hóa trong loại thảo dược này có thể giúp bảo vệ gan khỏi độc tính của acetaminophen.

8. Hỗ trợ điều trị viêm gan B cấp tính

Diệp hạ châu có thể giúp điều trị tình trạng viêm gan B cấp tính nhờ đặc tính chống virus và bảo vệ gan.

Trong một nghiên cứu năm 2010, 60 người mắc bệnh viêm gan B đã nhận được giả dược và dược phẩm làm từ bảy loại thảo dược, trong đó có 100mg diệp hạ châu. Nhóm thuốc thảo dược được báo cáo lại rằng quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn nhóm giả dược. Tuy nhiên, nó cũng kèm theo tác dụng phụ như đau bụng trên và tiêu chảy.

Dù vậy, diệp hạ châu không thể hỗ trợ chữa viêm gan B mãn tính. Một đánh giá vào năm 2011 đã tiến hành 16 cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên trên những người bị viêm gan B mãn tính và không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy diệp hạ châu có khả năng đối phó với bệnh lý này.

9. Hỗ trợ chống ung thư

Diệp hạ châu có thể giúp ngăn ngừa một số dạng ung thư phổi và vú di căn. Một nghiên cứu trong năm 2011 cho thấy các hoạt chất polyphenol trong thảo dược có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập, di chuyển và bám dính của các tế bào ung thư.

Mặt khác, một nghiên cứu năm 2012 về các dòng tế bào ung thư đại trực tràng và ung thư gan ở người cũng chỉ ra rằng diệp hạ châu giúp làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và khuyến khích tiêu diệt những tế bào đột biến này.

Những lưu ý khi dùng diệp hạ châu

Bạn nên tìm mua diệp hạ châu từ những thương hiệu đáng tin cậy hoặc bạn đã nghiên cứu kỹ, không nên tin vào quảng cáo được dán trên nhãn.

Trước khi mua, hãy đọc các nhận xét của khách hàng và nghiên cứu về nhà sản xuất. Hãy chắc chắn rằng họ sử dụng các thành phần chất lượng cao và tuân theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP).

Diệp hạ châu thường được sử dụng ở dạng viên nang, trà hoặc chiết xuất. Ở những dạng này, các chuyên gia không có bất kỳ khuyến cáo nào về liều dùng tiêu chuẩn.

Liều dùng trung bình của thảo dược này là một viên nang 500mg mỗi ngày hoặc 1ml chiết xuất, tối đa bốn lần mỗi ngày. Để biết thêm hướng dẫn dùng thảo dược cụ thể, bạn hãy tìm gặp và tham vấn cùng bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe.

Tác dụng phụ tiềm ẩn và rủi ro khi dùng diệp hạ châu

Diệp hạ châu cho thấy một vài tác dụng phụ tiêu cực trong nghiên cứu ở người và động vật. Do đó, bạn nên cẩn thận khi sử dụng loại thảo dược này. Nó có thể gây khó chịu cho dạ dày hoặc tiêu chảy. Tính đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia chưa hề công bố liều dùng diệp hạ châu an toàn cho trẻ em. Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú không được khuyến khích sử dụng thực vật này.

Bất ngờ với các công dụng của diệp hạ châu

Mặt khác, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng diệp hạ châu nếu đang trong tình trạng:

  • Đái tháo đường
  • Rối loạn đông máu
  • Sử dụng thuốc làm loãng máu
  • Chuẩn bị thực hiện phẫu thuật trong vòng hai tuần
  • Sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau

Kết luận

Diệp hạ châu là một phương thuốc dân gian phổ biến với các đặc tính dược liệu mạnh mẽ. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng nó có tác động tích cực cho việc điều trị sỏi thận, sỏi mật, bệnh liên quan đến gan và tiểu đường.

Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng loại thảo dược này. Họ có thể cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin chi tiết về rủi ro cá nhân cũng như lợi ích tiềm năng mà diệp hạ châu mang lại.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bất ngờ với các bài tập đơn giản đem lại thân hình đẹp
  • Khởi đầu ngày mới đầy năng lượng với các bài tập buổi sáng
  • Mua áo ngực: Bạn đã lựa chọn đúng chưa?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!