Bé trai 3 tuổi nguy kịch do biến chứng tay chân miệng, chuyên gia chỉ cách phòng ngừa

Thời sự - 03/29/2024

Bệnh nhi sốt cao, mệt mỏi, đặc biệt trong khoang miệng và tay, chân không có dấu hiệu phát ban, sưng đỏ. Sau 1 ngày điều trị tại TTYT huyện với chẩn đoán mắc tay chân miệng bé suy hô hấp rất nhanh…

Bé trai 3 tuổi nguy kịch do biến chứng tay chân miệng, chuyên gia chỉ cách phòng ngừa

Bé trai 3 tuổi may mắn được cứu sống sau khi bị tay chân miệng biến chứng nặng 

May mắn thoát chết

BV Sản nhi tỉnh Phú Thọ vừa cứu sống bé trai 3 tuổi bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương hành não nặng do biến chứng bệnh tay chân miệng.

Bé trai may mắn này là V.G.P (Minh Tân, Cẩm Khê, Phú Thọ). Theo lời kể của gia đình, 3 ngày trước khi được đưa vào điều trị tại Trung tâm y tế huyện, bé có biểu hiện sốt cao nhưng không đáp ứng thuốc hạ sốt, bé mệt mỏi, khi ngủ giật mình ít, tuy nhiên trong khoang miệng và tay, chân không có dấu hiệu phát ban, sưng đỏ.

Tại Trung tâm y tế huyện, bé được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng nhưng trong quá trình theo dõi, trẻ liên tục sốt cao và giật mình nhiều. Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhi nôn nhiều, khó thở, thở nhanh, da tái, xuất hiện tình trạng suy hô hấp rất nhanh nên được chuyển viện.

Đêm 11/9, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã cử một ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng đến hỗ trợ cấp cứu, điều trị hồi sức và đón cháu bé về điều trị tại Bệnh viện. Lúc này, tình trạng bệnh nhi đã chuyển biến rất nặng, mạch nhanh, nhỏ, da tái, tiểu ít, sốt liên tục. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 4 biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương hành não nặng.

Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, bệnh nhi được hỗ trợ thở máy chỉ số cao kết hợp sử dụng tới 3 loại thuốc vận mạch. Xác định đây là một trường hợp biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng, các bác sĩ đã sử dụng biện pháp siêu lọc máu liên tục trong 72 giờ để cứu sống bệnh nhi.

ThS.BS Phan Hồng Sáng, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết: 'Sau khi kết thúc quá trình lọc máu, tình trạng huyết áp của bệnh nhi được cải thiện, được dừng thuốc vận mạch và thở máy chỉ số thấp. Tuy nhiên do biến chứng tổn thương hành não nặng nên cháu bé bị liệt hầu họng, không nuốt được và liên tục xuất hiện những cơn ngừng thở.

Sau 3 tuần điều trị tích cực, việc cai thở máy cho bệnh nhi vẫn còn rất khó khăn, chúng tôi quyết định mở canuyn khí quản giúp khai thông đường thở và tạo điều kiện chăm sóc bệnh nhi dễ dàng hơn'.

Sau hơn hai tháng điều trị phục hồi chức năng tích cực, bệnh nhi đã có phản xạ nuốt, có thể tự thở và được rút được canyun khí quản, trở về cuộc sống bình thường. Hiện tại, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện được khoảng 90%, không để lại di chứng gì và có kế hoạch được xuất viện trong vài ngày tới.

Cảnh giác nếu trẻ giật mình liên tục, uống hạ sốt không giảm

Trả lời về nguyên nhân dẫn đến đến tình trạng bệnh của cháu bé, Bác sỹ Phan Hồng Sáng cho biết, đây là một trường hợp điển hình biến chứng thể nặng của bệnh tay chân miệng.

'Khi mắc căn bệnh nhiễm virus cấp tính này, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng chuyển độ có thể tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ', BS Hồng Sáng nêu.

Chia sẻ thêm với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, tay chân miệng do nhóm virus đường ruột gây ra, (2 chủng virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71), dễ phát triển thành dịch và trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…

Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết như nước bọt, nước mũi hoặc chất thải (phân) của người bệnh. Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu chữa bệnh mà chủ yếu là điều trị các triệu chứng.

Mức độ nguy hiểm của bệnh này sẽ không kém dịch sởi nếu chúng ta chủ quan, không có các biện pháp chủ động phòng, chống.

Theo đó, bệnh nhi sẽ có những dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng chuyển sang độ nặng, như: sốt cao liên tục, không kiểm soát được nhiệt độ dù đã được dùng thuốc hạ nhiệt, mệt mỏi li bì, giật mình cả khi thức lẫn khi ngủ, quấy khóc liên tục bất thường. 

Giật mình là một trong những triệu chứng sớm của nhiễm độc thần kinh do nhiễm virus. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, lúc ngủ, quan sát tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

'Nếu trẻ có các triệu chứng giật mình, quấy khóc nhiều hoặc sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, các mẹ cần đưa bé đến ngay bệnh viện để theo dõi phát hiện sớm các biến chứng nặng nề', PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo.

Đáng lưu ý, trẻ có thể bị nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần vì mỗi lần nhiễm, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm chủng vi rút khác thuộc nhóm enterovirus.

Do chưa có thuốc đặc trị vì thế, các chuyên gia khuyến cáo khi con mắc tay chân miệng, các bậc phụ huynh cần cho con nghỉ học, trẻ cần được uống nhiều nước và dùng các thuốc điều trị triệu chứng như: hạ sốt, giảm đau do các vết loét.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, chuyên gia khuyến cáo:

 Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!