Herpes simlpex virút (HSV) thường có 2 nhóm: HSV1 thường gây bệnh ở da, niêm mạc phần trên của cơ thể như mắt mũi miệng môi. Nhóm HSV2 gây bệnh ở da niêm mạc đường sinh dục. Cách phân chia theo lâm sàng này chỉ có tính tương đối vì trong các bệnh về đường sinh dục người ta cũng có thấy sự có mặt HSV1 và trong những bệnh ở ngoài đường sinh dục người ta cũng thấy có HSV2. Muốn phân biệt rạch ròi hai nhóm này phải dùng xét nghiệm dựa trên glycoprotein đặc chủng của từng nhóm.
Nhiễm herpes ngoài đường sinh dục (HSV1) và cách phòng chống
Nhiễm Herpes và triệu chứng:
HSV1 xâm nhập qua đường miệng hay qua da tổn thương. Sau đó, HSV1 sẽ nằm trong hạch thần kinh cảm giác và ở đó suốt đời. Khi có điều kiện thuận lợi như: cơ thể mệt mỏi, giảm sức đề kháng, bị căng thẳng, bị các bệnh khác như: sốt cảm cúm, cảm lạnh, da bị tổn thương (lở loét ở miệng), da bị kích thích (như chiếu tia cực tím)… thì HSV1 mới gây ra bệnh.
Đa số người bệnh thường không có biểu hiện bệnh điển hình mà chỉ thấy đám da màu đỏ, có vết trợt da, nứt da. Nhưng ngay khi không có biểu hiện bệnh điển hình thì HSV1 vẫn bài xuất, làm lây bệnh cho người khác. Cũng có những người có biểu hiện bệnh điển hình: có các đám mụn nước trên nền da màu đỏ, các mụn nước lõm ở giữa có thể bội nhiễm hóa mủ; bệnh tiến triển nặng sau khoảng 3 - 4 ngày rồi đỡ dần trong vài ngày sau đó; các thương tổn sẽ lành trong khoảng 2 - 4 tuần, để lại vết thâm hay trắng có khi để lại vết sẹo.
Bệnh nhìn chung lành tính nhưng một số ít trường hợp cũng gây ra các biến chứng: cứng gáy, đau đầu, sợ ánh sáng (biểu hiện viêm não do HSV1); sốt mệt mỏi nhược cơ đau cơ; rối loạn chức năng hệ thần kinh tự động; liệt mặt; viêm não màng não (có thể gây tử vong), viêm nướu răng, viêm giác mạc, hồng ban đa dạng… Phần lớn các biến chứng xuất hiện trong thời gian sơ phát hơn là tái phát.
Điều trị HSV1:
Dùng toàn thân: các kháng sinh acyclovir, valacyclovir, famciclovir. Dùng tại chỗ: acyclovir (cream 5%).
Mục đích dùng thuốc là để làm giảm các triệu chứng và làm giảm các nguy cơ tái phát. Do thế, nguyên tắc là dùng thuốc toàn thân hoặc tại chỗ càng sớm càng tốt. Tùy theo giai đoạn bệnh mà liều lượng thuốc toàn thân có thay đổi. Riêng thuốc tại chỗ chỉ bôi khi bắt đầu có triệu chứng báo hiệu hay có thương tổn đầu tiên. Thường cách 4 - 5 giờ bôi một lần và nên bôi trong 5 - 10 ngày. Không làm dây thuốc vào niêm mạc mắt. Phần lớn trường hợp có thể dùng thuốc tại nhà nhưng nếu bệnh trầm trọng hoặc có biến chứng thì cần có sự theo dõi của thầy thuốc hoặc điều trị nội viện.
Súc miệng bằng nước muối pha loãng để làm sạch làm êm dịu vết thương.
Dùng thuốc giảm đau nhẹ như uống paracetaol hay bôi gel xylocain.
Dự phòng lây nhiễm:
Không chạm vùng có sang thương của mình sang người khác (hôn, sờ, chạm).
Không dùng chung các đổ dùng cá nhân (bàn chải đánh răng, khăn mặt, quần áo) giữa những người nhiễm HSV1 và người lành.
Tránh việc lây nhiễm HSV1 từ vùng này sang vùng khác trên cơ thể mình (như không sờ lên mắt, không dùng nước miếng để làm ướt kính sát tròng). Không nên dùng phấn trang điểm để che đi những mụn rộp hay vết lở do HSV1 (để tránh nhiễm khuẩn).
Tránh các thức ăn có nồng độ argynin cao (vì argynin là aminoacid có vai trò làm tăng sự tái sinh HSV1) như dừa đậu nành, lạc, chocholate; tuy nhiên không kiêng hẳn vì argynin cũng cần thiết cho cơ thể.
Giảm căng thẳng lo âu.
Tăng cường dinh dưỡng.
Nhiễm Herpes sinh dục (HSV2) và cách phòng chống
HSV2 nhiễm qua đường tình dục và nhiễm từ mẹ qua con lúc sinh. Để phòng chống cần: chung thủy với chồng/ vợ; dùng bao cao su khi sinh hoạt tình dục với người có nguy cơ lây nhiễm. Theo các tài liệu hiện nay, HSV2 là đồng yếu tố chứ không phải là tác nhân gây ung thư cổ tử cung.
Trong điều trị HSV2 cần lưu ý một số điểm sau:
Thường dùng acyclovir dạng uống là chủ yếu, dạng tiêm chỉ dùng cho những người có bệnh trầm trọng; dạng dùng ngoài hầu như không cải thiện đáng kể tình trạng bệnh.
Acyclovir có lợi cho tất cả những người bệnh có triệu chứng, kiểm soát được các triệu chứng đợt đầu tiên, đợt tái phát cũng như khống chế các triệu chứng đó hàng ngày. Tuy nhiên, thuốc không loại trừ được HSV2 tiềm tàng, không làm thay đổi được tần suất, nguy cơ, độ nặng của các đợt tái phát sau khi ngừng thuốc, không làm khỏi bệnh vĩnh viễn; do đó cần dùng thuốc gần như suốt đời, theo định kỳ.
Tùy trường hợp mà cách dùng acyclovir có thay đổi:
Trong cách điều trị theo từng đợt: ở “đợt lâm sàng đầu tiên”: mỗi lần 400mg, mỗi ngày 3 lần, dùng trong 7 - 10 ngày. Ở “từng đợt tái phát” mỗi lần 400mg, mỗi ngày 2 lần, dùng trong 5 ngày.
Trong cách điều trị khống chế tái phát:dùng thuốc thường xuyên hàng ngày, mỗi lần 400mg, mỗi ngày 2 lần. Cách dùng này làm khống chế tái phát đến 70% và tránh được các cơn bùng phát nặng. Thực nghiệm cho biết dùng acyclovir hay famciclovir theo cách này liền trong 6 năm đều an toàn với sức khỏe.
Cách điều trị không chế tái phát thường cải thiện chất lượng cuộc sống hơn cách điều trị theo từng đợt.
Khi bệnh trầm trọng thì mỗi chu kỳ 8 giờ truyền tĩnh mạch với liều 5 - 10mg/ kg thể trọng, dùng trong 2 ngày.
Những người nhiễm HIV có herpes sinh dục (HSV2) thì lại phải điều trị theo cách khác.
Thuốc acyclovir khá đắt, các cách dùng trên có liều lượng khác nhau số ngày khác nhau và có chênh lệch khá lớn về tiền. Cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để có cách dùng phù hợp với bệnh tật và hoàn cảnh kinh tế.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!