Bệnh não mô cầu tấn công trẻ nhỏ khi trời lạnh

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Trước thông tin một bé gái (4 tháng tuổi, ở Đắk Lắk) tử vong nghi do viêm màng não mô cầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng chống căn bệnh này.

Viêm màng não mô cầu có nguy cơ bùng phát thành dịch và đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Đắk Lắk...

Bệnh dễ bùng phát thành dịch

Theo Viện Pasteur TP.HCM (đơn vị y tế dự phòng của Bộ Y tế), bệnh viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên.

Vi khuẩn não mô cầu có 13 type huyết thanh, trong đó type A, B, C, Y, W-135 gây bệnh cho hơn 90% trường hợp nhiễm não mô cầu trên toàn thế giới. Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới, có thể gây dịch.

Tại Việt Nam, bệnh lưu hành rải rác. Dù chỉ xuất hiện đơn lẻ trong năm nhưng, viêm não mô cầu vẫn có thể bùng phát thành dịch khi thời tiết lạnh vào mùa thu, đông, xuân tại nhà trẻ, trường học. Bệnh đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Đắk Lắk và đã có trẻ tử vong.

Nguồn lây bệnh

Bác sĩ Phan Công Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết người là ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.

Bệnh não mô cầu tấn công trẻ nhỏ khi trời lạnh

Viện Pasteur TP.HCM cảnh báo trẻ em là nhóm có nguy cơ mắc bệnh não mô cầu cao nhất. Ảnh: Khánh Trung. 

Trong vụ dịch, trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và 50% số người khỏe mang vi khuẩn não mô cầu. Đây là những nguồn lây bệnh rất quan trọng trong cộng đồng.

Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi làm lây lan vi khuẩn là nơi tập thể đông đúc, người hít phải khói thuốc.

Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm. Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường từ 3-4 ngày. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8-15%.

Triệu chứng bệnh

Bệnh nhân xuất hiện đột ngột các dấu hiệu như sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, đau họng, xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Một số người còn cảm thấy lơ mơ, mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết, sốc và hôn mê. Nếu xuất hiện dấu hiệu trên, người dân cần đi khám, thông báo với cơ sở y tế gần nhất.

Trẻ em là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất

Bác sĩ Hùng cảnh báo mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng tỷ lệ mắc bệnh giảm dần theo lứa tuổi. Trẻ em, thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh cao nhất và cũng là nhóm có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Biện pháp phòng bệnh:

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.

- Vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.

- Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh.

>> Viêm não mô cầu và viêm màng não mủ có phải là một không?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!