Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện bị sưng đau đùi trái kéo dài không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân được đưa đến nhiều bệnh viện khác để điều trị với kháng sinh nhưng tình trạng không thuyên giảm. Điều này khiến khối áp-xe trên đùi bệnh nhân ngày càng lớn.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết qua thăm khám, các bác sĩ không ghi nhận tổn thương trên bề mặt da hay dấu hiệu bất thường về hô hấp, tiêu hóa. Tuy nhiên, qua phim chụp, các bác sĩ phát hiện khối áp-xe tại đùi trái và màng phổi phải của bệnh nhân. Các tổn thương này do giun lươn đi lạc chỗ và làm tổ.
Hình ảnh giun lươn được bác sĩ ghi lại.
Bệnh nhân đã được điều trị nội khoa tích cực, sử dụng thuốc kháng ký sinh trùng. Sau quá trình điều trị, sức khỏe người bệnh đã bình phục tốt, các tổn thương cải thiện không cần sử dụng kháng sinh và can thiệp ngoại khoa.
Theo TS.Hùng, bệnh giun lươn hình thành do ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể bằng cách chui qua da, đi theo đường tĩnh mạch chạy lên tim, qua phổi rồi tới khí quản, hầu, sau đó di chuyển xuống thực quản và ruột để sinh trưởng thành giun trưởng thành.
Giun lươn trưởng thành thường sống ở niêm mạc ruột non và đẻ trứng tại đây, chúng cũng có thể sống ở môi trường bên ngoài. Trứng giun lươn phát triển thành trùng dạng tự do và bị đào thải qua phân.
Khi trứng giun lươn ra ngoài môi trường, một số ấu trùng tiếp tục phát triển thành giun trưởng thành và đẻ trứng trong đất. Các ấu trùng này có thể tiếp tục xâm nhập và cơ thể và ký sinh trong cơ thể người bệnh. Giun lươn lạc chỗ có thể ký sinh ở thực quản, phổi, hạch bạch huyết…
Giun lươn trưởng thành đi lạc chỗ có thể ký sinh ở nhiều vùng trên cơ thể.
Nhiễm giun lươn là một bệnh truyền nhiễm mạn tính thường bị lãng quên do diễn tiến chậm, triệu chứng đa dạng, thường ở thể nhẹ và các xét nghiệm chẩn đoán còn hạn chế.
Giun lươn được xếp vào loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa do nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể người và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Ở một số người có cơ địa suy giảm miễn dịch khi bị nhiễm giun lươn ở mức độ nặng, ấu trùng di chuyển lạc chỗ, lan tỏa gây tổn thương ở nhiều cơ quan ngoài ruột sẽ dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Để tránh nguy cơ nhiễm giun lươn và các loại giun sán ký sinh trong cơ thể, bác sĩ khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, ăn chín, uống sôi, khi làm việc hoặc tiếp xúc với vùng đất phơi nhiễm phân người cần phải mang dụng cụ bảo hộ lao động. Việc điều trị cho những ca bệnh nhiễm giun lươn, ký sinh trùng nói chung thường tốn nhiều thời gian, tuy nhiên, cộng đồng có thể phòng ngừa hiệu quả bằng việc xổ giun định kỳ mỗi năm 2 lần.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!