Theo BSCKII Hoàng Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện TƯ Huế, trong đợt mưa lũ kéo dài tại các tỉnh miền Trung, chỉ từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, số ca mắc bệnh Whitmore nhập viện tại bệnh viện tăng đột biến với 28 bệnh nhân.
Mưa lũ gây ngập lụt ở miền Trung khiến cho bệnh nhân mắc Whitmore tăng đột biến.
Cụ thể, trong các trường hợp nhập viện thì có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và 50% bệnh nhân đến từ một số huyện, thị xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nhiều ca khi nhập viện ở trong giai đoạn muộn của bệnh, đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng. Những điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc điều trị, làm cho chi phí điều trị tăng cao nhưng kết quả không khả quan.
Theo thống kê của Bệnh viện TƯ Huế từ năm 2014-2019 có khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán mắc Whitmore, từ tháng 1-9/2020 có 11 bệnh nhân. Tuy nhiên, chỉ từ tháng 10/2020 đến giữa tháng 11/2020 đã có 28 bệnh nhân mắc bệnh nhập viện.
Bệnh Whitmore do trực khuẩn gram âm Burkhoderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.
Vi khuẩn Whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua các vết thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chơi thể thao. Hoặc hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn hoặc uống nước có nhiễm khuẩn Whitmore.
Bệnh nhân mắc Whitmore đang điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện TW Huế.
Thời gian ủ bệnh từ 1-21 ngày, trung bình 9 ngày. Thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất được ghi nhận là 1 ngày, thời gian ủ bệnh dài nhất là 62 năm. Triêu chứng lâm sàng tùy theo thể bệnh thể tối cấp, cấp tính hoặc mạn tính. Với thể tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong nhanh sau khoảng 48 giờ, tuy nhiên thể bệnh tối cấp gặp không nhiều.
Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng có thể sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh có tiên lượng xấu, dễ tử vong.
Hiện nay, chưa có vaccine phòng bệnh. Những vùng có bệnh Whitmore lưu hành, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch như AIDS, ung thư, những bệnh nhân hóa trị nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại.
Theo BSCKII Hoàng Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện TƯ Huế, cần cảnh giác đến bệnh Whitmore khi bệnh nhân nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11ở độ tuổi từ 35 trở lên và nhập viện với tình trạng viêm phổi, sốt, đa áp xe có tiền sử đái tháo đường hoặc người nghiện rượu, bệnh phổi mạn, bệnh thận mạn, người sử dụng corticoid hoặc ung thư.
Để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân thực hiện các biện pháp như hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn ở vùng lũ, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng trước lũ. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, nước lụt, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!