Bệnh nhân ung thư vú tìm lại niềm vui sống

Cần biết - 11/24/2024

Nguy cơ tái phát ung thư vú cao nhất trong khoảng thời gian 3 năm đầu, sau đó giảm dần.

Phát hiện khối u ác tính ở ngực trái to bằng đầu ngón tay út, chị Thùy Trang chữa trị khắp bệnh viện trong ngoài nước, rất may bệnh đã khỏi và vẫn giữ được 'núi đôi'.

Nhìn chị Trang (32 tuổi, ở quận 5, TP HCM) với khuôn ngực xinh xắn đầy đặn, không ai nghĩ người mẹ 2 con này đã phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u ác ở ngực trái.

Cách đây hơn 2 năm, mỗi lần dùng tay nắn ngực chị thấy có một 'cục hạch' nhỏ ở bên trái. Cục ấy không đau mà chỉ khiến chị mệt mỏi, lâu lâu nhói lên như bị kiến cắn. Hoài nghi mình bị ung thư, chị tìm đến bác sĩ nhờ tư vấn.

Bệnh nhân ung thư vú tìm lại niềm vui sống

Phương pháp điều trị bảo tồn tuyến vú đem đem lại hy vọng cho các phụ nữ bị ung thư. Ảnh: Health

'Bác sĩ xác định tôi bị ung thư vú giai đoạn 2. Tôi buồn và hoang mang lắm, lên mạng tìm hiểu, đến tất cả bệnh viện có tiếng trong nước, điều trị gần một năm mà không tiến triển', người phụ nữ chia sẻ câu chuyện của mình trong một cuộc tư vấn sức khỏe phụ nữ cuối tuần qua tại TP HCM.

Là nhân viên kế toán ở ngân hàng với thu nhập hơn chục triệu mỗi tháng, chị Trang chắt chiu dành dụm và vay thêm tiền của người thân, bạn bè để sang Singapore chữa bệnh. Tổng số tiền nằm viện và điều trị ung thư cộng với chi phí đi lại trong 3 ngày hết gần 200 triệu đồng.

'Sau khi làm sinh thiết, các bác sĩ đã hóa trị cho khối u nhỏ lại, sau đó họ giải phẫu gắp khối u đã teo ra ngoài mà không ảnh hưởng nhiều đến các tế bào lành', chị kể. Sau phẫu thuật, ngực trái của chị bầm tím và hơi lõm xuống, nhưng các bác sĩ đã tái tạo phục hồi lại như ban đầu. Hàng tháng chị Trang phải sang Singapore để tái khám và điều trị tác dụng phụ của thuốc. Cho đến nay bầu ngực và sức khỏe của chị đã phục hồi gần như bình thường.

Luôn bảo mình là 'người trở về từ cõi chết', chị Hoàng Loan (quận Bình Thạnh) cho biết, khi chị phát hiện u ở cả 2 bên ngực thì một bên đã to bằng trái quất, bên còn lại bằng đầu đũa rồi. Chị buồn bã chẳng thiết ăn uống nên gầy gò ốm yếu, thậm chí bà mẹ trẻ từng nghĩ đến chuyện quyên sinh. Cho đến khi gặp một người bạn làm nghề y nói rằng việc điều trị ung thư không thực sự đáng sợ, đặc biệt là không phải cắt bỏ hoàn toàn 'gò bồng đảo', chị Loan mới bớt lo và bị thuyết phục tham gia hóa trị.

Người phụ nữ 39 tuổi chia sẻ: 'Bác sĩ nói tôi có thể chọn một trong 2 giải pháp: Cắt bỏ hai bên vú hoặc hóa trị làm cho khối u nhỏ lại rồi gắp ra mà vẫn giữ được bầu ngực. Hiệu quả còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi đã chọn phương án 2. Rất may mắn, khối u đã xẹp dần dù trong quá trình vào thuốc, tôi liên tục nôn ói, mệt mỏi, chân tay đau nhức khủng khiếp'.

Sau nhiều lần hóa trị, khối u đã teo hẳn, các bác sĩ mới giải phẫu lấy toàn bộ khối u ra khỏi ngực bệnh nhân. Ca phẫu thuật đã thành công, song 2 bên ngực của chị Loan xẹp đi đáng kể so với ban đầu. Để tái tạo tuyến vú, bác sĩ đã đặt túi ngực và điều trị phục hồi hai bên ngực cho bệnh nhân. Đến nay 'núi đôi' của chị đã tròn đầy trở lại.

'Trước đây tôi luôn sợ nếu phải cắt bỏ ngực sẽ trở nên xấu xí và ảnh hưởng đến chuyện vợ chồng. Giờ bản thân khỏe mạnh mà không còn lo lắng nữa', chị chia sẻ. Sau khi khỏi bệnh, chị Loan tình nguyện làm cộng tác viên hỗ trợ nhóm bệnh nhân một hội ung thư để chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng cảnh ngộ.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Thị Phương Di, Giám đốc Y khoa của một phòng khám tại TPHCM, từng tham gia chữa cho nhiều ca ung thư vú, cho biết hiện nay ung thư vú là bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ Việt Nam. Tính riêng TP HCM, tỷ lệ mắc bệnh này là 19,7 trên 100.000 dân.

Theo bác sĩ Di, ung thư vú không thực sự đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn khi phát hiện ở giai đoạn sớm. Khám sức khỏe định kỳ là cách hiệu quả để chị em có thể phát hiện bệnh.

'Điều đáng mừng là hiện nay người dân bắt đầu có ý thức tầm soát bệnh chủ động hơn. Nếu cách đây 10 năm, đa phần bệnh nhân ung thư vú tới bệnh viện đã ở giai đoạn muộn thì hiện nay có khoảng một nửa số ca được phát hiện sớm, điều trị tích cực, đồng thời bảo toàn được tuyến vú', bác sĩ nói.

Nói về các phương pháp tiên tiến điều trị ung thư vú, bác sĩ EstherChuwa, đến từ một bệnh viện chuyên trị ung thư ở Singapore cho biết, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị tối tân mang lại hiệu quả điều trị cao mà không phải cắt bỏ hoàn toàn bầu ngực như trước đây. Vì thế căn bệnh này không còn là 'ác mộng khủng khiếp' đối với phụ nữ nữa.

Việc quan trọng nhất để phòng và điều trị ung thư vú là tầm soát ngực định kỳ, nhờ đó có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường. Đối với ung thư, tính chất phức tạp của quá trình điều trị phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện bệnh sớm hay trễ.

'Trong trường hợp khối ung thư nằm ở nhũ hoa - tức là ở trung tâm vú, nếu như trước đây phải cắt bỏ hoàn toàn bầu ngực thì hiện nay bác sĩ chỉ cần cắt bỏ nhũ hoa rồi tái tạo trở lại như bình thường. Thậm chí nếu phải cắt bỏ tuyến vú, bác sĩ chỉ cắt đi phần mô bên trong, còn nhũ hoa, da vú đều giữ để tái tạo ngực cho bệnh nhân như bình thường', bác sĩ nói.

Hiện nay nhiều bệnh viện tại Việt Nam cũng đã áp dụng phương pháp điều trị bảo toàn tuyến vú cho bệnh nhân ung thư, điển hình như Bệnh viện ĐH Y dược, Ung Bướu TP HCM, Pháp Việt, Việt Đức, Hải Phòng...

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong, phân khoa Phẫu thuật lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, bệnh nhân ung thư vú đã điều trị xong vẫn phải đối mặt với nguy cơ tái phát. Do đó sau khi đã hoàn tất, người bệnh cần được theo dõi định kỳ. Việc theo dõi còn giúp phát hiện ung thư vú thứ phát và điều trị các vấn đề liên quan đến tác dụng phụ của thuốc.

'Nguy cơ tái phát ung thư vú cao nhất trong khoảng thời gian 3 năm đầu, sau đó giảm dần. Hầu hết trường hợp tái phát xảy ra trong 5 năm đầu tiên, vì lý do đó bệnh nhân ung thư vú nên được theo dõi chuyên khoa định kỳ trong 5 năm sau khi đã hoàn tất điều trị', bác sĩ nói.

>> Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh ung thư vú

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!