Khảo sát tại Bệnh viện Bạch Mai thấy, không chỉ trong khu vực khám bệnh đông đúc quá tải mà ngay cả khắp các gốc cây, hành lang, vỉa hè trong khuôn viên bệnh viện, chỗ nào có bóng râm là những người bệnh tập trung lại đó. Nhiều người mệt quá còn ngủ gục trên ghế đá hoặc dưới nền đất.
Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng ghế chờ khám của bệnh nhân và người nhà của Trung tâm tim mạch luôn trong tình trạng oi bức vì quá tải. Theo quan sát của phóng viên, khu vực này là phần cơi nới của bệnh viện, do vậy xây dựng sơ sài, lợp Fibro ximăng, dưới bố trí ghế ngồi và hai chiếc quạt điện. 'Trời oi nắng, ngồi chờ khám trong tâm trạng thấp thỏm cộng với không khí ngột ngạt oi bức ở đây khiến người không ốm cũng thành ốm, huống hồ trẻ đang mắc bệnh', chị Đào Thị Lan - Ba Vì - Hà Nội than thở.
Bệnh nhi đang chờ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, 3 ngày nắng nóng vừa qua lượng bệnh nhân của bệnh viện đã có dấu hiệu gia tăng khoảng 10 - 20% so với thời gian trước, tập trung chủ yếu vào một số bệnh như tim mạch, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, say nắng, đặc biệt số bệnh nhân cao tuổi bị rối loạn điện giải do mất nước có xu hướng gia tăng.
Thời tiết nắng nóng, không chỉ người già mà bệnh nhân mà trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm liên quan đến hô hấp, tiêu chảy, đuối nước, say nắng... Đáng lo ngại, thời tiết nắng nóng sẽ làm gia tăng nguy cơ trẻ mắc viêm não. Đây là bệnh lý gây tử vong cao và là một trong những bệnh dịch mùa hè khiến các chuyên gia y tế hết sức lo ngại.
Ông Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cảnh báo, viêm não (trong đó có viêm não Nhật Bản) đã vào mùa với số ca mắc chuyển từ các tỉnh lên ngày một tăng. 'Nhiều trường hợp mắc viêm não chuyển đến viện trong tình trạng đã quá nặng nên tỉ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng', ông Điển nói.
Người dân tránh nắng tại bóng râm tại Bệnh viện Bạch Mai
Trước tình trạng gia tăng bệnh nhân vì nắng nóng, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện đã tăng cường quạt điện, quạt thông gió, bạt che bóng mát, bố trí thêm ghế ngồi, bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám tại các khu khám bệnh.
Còn ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cung cấp kiến thức cho người lao động và chủ lao động trên địa bàn hiểu và biết phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người như say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức, gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ, gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, sốt cao co giật…
Dự báo trong mùa hè năm nay, cả nước sẽ còn phải chịu nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Do đó các chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết nắng nóng cùng với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi là những yếu tố nguy hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em và người già do sức đề kháng kém.
Cảnh giác với say nắng
Theo bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, say nắng (sốc nhiệt) có thể xảy ra nếu nhiệt độ cơ thể tăng lên đến 40 độ C (104 độ F) hoặc cao hơn.
Bác sĩ Chính cho rằng, say nắng cần được điều trị cấp cứu. Sốc nhiệt không điều trị có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ. Tổn thương càng nặng nếu điều trị càng muộn, làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng và tử vong.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!