Cách nhận biết
Khi trời lạnh, hoặc khi tay, chân tiếp xúc với nước lạnh, sự co mạch ngoại vi xuất hiện dẫn tới hiện tượng Raynaud, thường xảy ra với các động mạch nhỏ ở ngón tay, ngón chân, các tiểu mao mạch ngoại vi...
Triệu chứng của bệnh Raynaud bao gồm:
Lạnh ngón tay và ngón chân.
Thay đổi màu sắc trên da phản ứng với stress hoặc lạnh có trình tự. Biểu hiện điển hình của hội chứng Raynaud diễn ra 3 giai đoạn thay đổi màu sắc da:
Giai đoạn 1: Đầu tiên da trở nên tái nhợt (màu trắng) do mạch máu bị co lại.
Giai đoạn 2: Giai đoạn sau chuyển thành màu xanh tím do hiện tượng khử oxy, thiếu oxy.
Giai đoạn 3: Giai đoạn cuối cùng các mạch máu giãn ra và da trở nên đỏ hồng trở lại.
Tuy nhiên các giai đoạn này nhiều khi xuất hiện không điển hình, có thể chỉ thấy giai đoạn 1 và 2.
Tê, cảm giác gai hoặc đau nhức khi nóng lên hoặc giảm căng thẳng.
Raynaud tiến triển từng đợt, kéo dài dẫn tới hiện tượng thiếu máu cục bộ làm tổn hại vùng mô do mạch máu chi phối.
Hiện tượng xơ chai hoặc nặng hơn là hoại tử đầu các ngón có thể xuất hiện nếu tình trạng thiếu máu lâu dài và nghiêm trọng, thường gặp trong Raynaud thứ phát. Loét và hoại tử là biến chứng khó điều trị.
Tắc nghẽn mạch máu gây hoại tử đầu chi trong bệnh Raynaud.
Cảnh giác với nhiệt độ lạnh hay stress
Ở người bệnh Raynaud, khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hay stress, các mạch máu ở bàn tay và bàn chân xuất hiện phản ứng một cách thái quá, gây co thắt mạch máu.
Nhiệt độ lạnh: Khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, tứ chi bị mất nhiệt. Cơ thể cung cấp máu tới các ngón chân, ngón tay chậm xuống để bảo vệ nhiệt độ nội tạng cơ thể, làm giảm lưu lượng máu bằng cách thu hẹp các động mạch nhỏ dưới da ở tứ chi. Ở người bị Raynaud, phản ứng này thường quá mức.
Căng thẳng: Stress gây ra một phản ứng tương tự như cảm lạnh trong cơ thể, và phản ứng của cơ thể tương tự có thể bị quá mức ở những người bị Raynaud.
Như vậy, có thể thấy nhiệt độ lạnh (mà đơn giản như đặt bàn tay dưới vòi nước lạnh, lấy một cái gì đó trong tủ đông lạnh hoặc tiếp xúc với không khí lạnh...) là nguyên nhân kích hoạt Raynaud; cảm xúc căng thẳng có thể gây ra khởi phát bệnh.
Điều trị như thế nào?
Điều trị Raynaud hiện còn gặp nhiều khó khăn. Các mục tiêu của điều trị là: Giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng, ngăn ngừa tổn thương mô và điều trị bất kỳ bệnh hay điều kiện cơ bản nào đi kèm. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra các triệu chứng, chọn thuốc phù hợp.
Để mở rộng và thúc đẩy sự lưu thông của mạch máu có thể dùng: Thuốc chẹn kênh canxi như nifedipine, amlodipin, felodipin...
Các thuốc này có tác dụng làm giãn các mạch máu nhỏ ở bàn tay và bàn chân, làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của Raynaud ở hầu hết mọi người, giúp chữa lành vết loét da ở các ngón tay hay ngón chân; thuốc giãn mạch như nitroglycerin (dạng kem) hay miếng dán glyceryl trinitrate để chữa lành vết loét da, giảm các triệu chứng của bệnh.
Nhóm thuốc làm giảm hiện tượng co mạch gồm: Nhóm thuốc ức chế men chuyển và thụ cảm thể angiotensin II như captopril, enalapril, losartan; nhóm thuốc chẹn alpha – adrenergic như phenoxybenzamine, prazosin; thuốc ức chế thụ cảm thể serotonin như fluoxetine (dùng trong các trường hợp Raynaud trầm trọng).
Nhóm thuốc hỗ trợ cấu trúc mạch, đó là các chất chống oxy hóa như probucol.
Prostaglandin có nhiều tác dụng trong Raynaud bao gồm: Giãn mạch, ức chế hoạt hóa tiểu cầu, ức chế đông máu, cải thiện dòng chảy của máu, điều hòa cân bằng các yếu tố co và dãn mạch... Một số thuốc được dùng trong Raynaud như ventavis, flolan, remodulin, veletri, tyvaso.
Cần lưu ý, bên cạnh tác dụng điều trị thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn bất lợi cho người dùng.
Người bệnh cần theo dõi các bất lợi này (có trong hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc, người bệnh cần đọc hướng dẫn sử dụng này trước khi dùng thuốc) và thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp. Ở một số người bệnh có thể phải ngưng thuốc và thay thế thuốc khác phù hợp hơn.
Theo thời gian, thuốc có thể giảm hiệu quả điều trị. Vì vậy, người bệnh cần theo dõi diễn biến bệnh, liên hệ chặt chẽ với bác sĩ để được điều trị một cách tốt nhất.
Một số loại thuốc dùng trị bệnh có thể làm nặng thêm Raynaud do dẫn đến tăng co thắt mạch máu.
Các thuốc này cần tránh dùng bao gồm: Thuốc cảm cúm (chứa pseudoephedrin); thuốc trị tăng huyết áp như metoprolol, propranolol; thuốc tránh thai (nếu sử dụng thuốc tránh thai, có thể chuyển sang một phương pháp ngừa thai khác bởi vì các thuốc này ảnh hưởng đến lưu thông máu và dễ xuất hiện Raynaud)...
Đối với các trường hợp Raynaud nghiêm trọng, có thể cần phải phẫu thuật như: Phẫu thuật thần kinh để cắt các dây thần kinh gây phản ứng quá mức; có thể làm giảm tần suất và thời gian của Raynaud; tiêm hóa chất để ngăn chặn các dây thần kinh giao cảm ở tay hoặc chân bị ảnh hưởng hay cắt cụt loại bỏ các mô bị hư hỏng do thiếu nguồn cung cấp máu như cắt cụt một ngón tay hoặc ngón chân bị ảnh hưởng bởi Raynaud trong đó việc cung cấp máu đã hoàn toàn bị chặn và các mô đã hoại tử.
Mặc ấm khi đi ra ngoài để tránh bị lạnh.
Có phòng được bệnh?
Không hút thuốc: Hút thuốc gây ra co thắt mạch máu giảm nhiệt độ da, có thể dẫn đến một đợt bệnh. Hít khói thuốc lá cũng có thể làm nặng thêm Raynaud.
Raynaud tiến triển từng đợt, kéo dài dẫn tới hiện tượng thiếu máu cục bộ làm tổn hại vùng mô do mạch máu chi phối. Loét và hoại tử là biến chứng khó điều trị.
Tập thể dục: Nên tập thể dục thường xuyên, đặc biệt nếu có Raynaud tiên phát. Tập thể dục có thể làm tăng lưu thông máu, có lợi cho bệnh Raynaud nói riêng và cho sức khỏe nói chung.
Kiểm soát căng thẳng: Stress có thể gây đợt bệnh cấp, vì vậy cần phải kiểm soát căng thẳng, thư giãn... có thể giúp kiểm soát số lượng đợt bệnh.
Tránh dùng caffeine: Caffeine làm mạch máu thu hẹp và có thể làm tăng các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Raynaud.
Chăm sóc bàn tay, bàn chân: Nếu có Raynaud, bảo vệ bàn chân bàn tay khỏi chấn thương, không đi chân đất, cắt móng tay, móng chân (để tránh làm tổn thương ngón tay và ngón chân) và tránh mang bất cứ thứ gì nén các mạch máu ở bàn tay hoặc bàn chân, ví dụ như đeo nhẫn hoặc đi giày dép chật... Kiểm tra đầu ngón tay, chân thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời các vết thương.
Mặc ấm: Vào mùa đông cần đội mũ, khăn, tất và găng tay (bao tay) khi đi ra ngoài; hạn chế các hoạt động ngoài trời lạnh; tránh tiếp xúc với nước lạnh, đá lạnh (đeo găng tay để lấy thực phẩm trong tủ lạnh hoặc tủ đá).
Khi đợt Raynaud xuất hiện, việc đầu tiên và quan trọng nhất là làm ấm bàn tay hoặc bàn chân hoặc bất kỳ khu vực da nào khác bị ảnh hưởng. Cụ thể: Di chuyển đến khu vực ấm hơn, đặt tay dưới nách, sưởi ấm ngón tay và ngón chân, massage tay và bàn chân...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!