Bệnh sa sinh dục: Những điều cần biết

Sức khỏe sinh sản - 05/03/2024

Sa sinh dục còn gọi là sa tử cung, nhưng gọi sa sinh dục thì đúng hơn vì trong nhiều trường hợp không những chỉ sa tử cung mà còn sa cả thành trước âm đạo kèm theo có sa bàng quang và sa cả thành sau âm đạo kèm theo trực tràng.

Sa sinh dục là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt, nhất là phụ nữ ở nông thôn, trong lứa tuổi từ 40 - 50 trở lên chiếm khoảng 5 - 8%.

Đối tượng có nguy cơ sa sinh dục nhiều nhất là những người trên 50 tuổi. Càng cao tuổi, các cơ và dây chằng vùng chậu hông yếu đi, giãn nhão ra, các phủ tạng trong ổ bụng đè lên vùng đáy chậu khiến tử cung dễ dàng tụt xuống thấp theo các khe hở tự nhiên của đáy chậu.

Những thay đổi sau có thể dẫn đến sa sinh dục

Sự thay đổi tư thế tử cung:những tử cung ở tư thế đổ sau hoặc trung gian làm cho thân và cổ tử cung trên cùng một trục với âm đạo, dưới áp lực trong ổ bụng dễ làm cho tử cung và âm đạo sa ra ngoài.

Bệnh sa sinh dục: Những điều cần biết

Sự thay đổi các tổ chức của đáy chậu: là nguyên nhân chính gây ra sa sinh dục. Ví dụ: cơ nâng hậu môn bị rách, các màng cơ bị giãn mỏng và yếu, nút thớ trung tâm bị phá huỷ. Những thay đổi này làm sa thành âm đạo rồi sẽ dẫn đến sa tử cung.

Sa sinh dục thường gặp ở những chị em trải qua nhiều lần sinh nở, do sau mỗi lần sinh nở, đáy chậu không còn bền chắc như trước. Đặc biệt, những người có tiền sử chuyển dạ kéo dài, đẻ khó càng dễ bị sa sinh dục. Những người đi làm quá sớm sau khi sinh cũng có nguy cơ bị sa sinh dục cao.

Những phụ nữ phải lao động nặng nhọc, vất vả cũng rất dễ bị sa sinh dục, nhất là những nữ công nhân, nông dân, lao động tay chân suốt ngày phải làm việc ở tư thế đứng, gánh gồng, đội, vác nặng vì áp lực ổ bụng lên đáy chậu luôn luôn cao.

Sa sinh dục có thể gặp cả ở phụ nữ chưa sinh đẻ do thể trạng yếu, dây chằng mỏng, yếu, tử cung ở tư thế trung gian nên khi có áp lực mạnh trong ổ bụng sẽ đẩy tử cung sa dần xuống. Còn ở những người đã sinh đẻ nhiều lần, các dây chằng yếu, tầng sinh môn rách hay giãn mỏng, dưới sự tăng áp lực ổ bụng, thành âm đạo bị sa và kéo tử cung sa theo.

Các trường hợp có tình trạng tăng áp lực ổ bụng thường xuyên: mang vác, gánh gồng nặng, táo bón trường diễn, ho kéo dài, những người bán hàng rong thường xuyên ngồi bệt trên lề đường...

Rối loạn dinh dưỡng ở người già, hệ thống treo và nâng đỡ tử cung suy yếu. Ngoài ra, sa sinh dục có thể do cơ địa bẩm sinh ở người chưa đẻ lần nào.

Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường thấy có khối phồng ở vùng âm hộ. Khối này xuất hiện không thường xuyên, chỉ nhận thấy khi ngồi xổm, ho hoặc rặn đi cầu. Càng ngày khối phồng vùng âm hộ càng sa ra ngoài nhiều và thường xuyên hơn. Đến giai đoạn nặng, khối sa lộ hẳn ra ngoài âm hộ, không đẩy vào trong âm đạo được.

Ở giai đoạn sớm khi các cơ quan vùng chậu bị sa ít, phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn bằng các bài tập vật lý trị liệu vùng chậu. Giai đoạn muộn, bệnh nhân cần phẫu thuật để củng cố và tăng sức kéo của hệ thống dây chằng vùng chậu. Có 2 lựa chọn là mổ qua ngả âm đạo hoặc nội soi ổ bụng. Phẫu thuật viên sẽ dùng các mảnh vật liệu sinh học để thay thế các dây chằng đã bị lão hóa.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh hiệu quả, phụ nữ nên sinh nở ít, chỉ nên có từ 1 - 2 con. Nên sinh đẻ trong độ tuổi 22 - 29. Bởi về mặt sinh lý, đây là thời kỳ sung mãn, các bộ phận trong cơ thể chưa bị thoái hóa, dễ phục hồi. Và khi sinh nở, nên để cán bộ y tế có chuyên môn phục vụ, không để chuyển dạ kéo dài, được khâu tầng sinh môn nếu khi đẻ bị rách.

Đặc biệt sau khi sinh nở, cần được nghỉ ngơi đủ thời gian cho các cơ và dây chằng vùng đáy chậu co trở lại. Không lao động sớm trước 3 tháng. Nếu công việc mưu sinh là loại nặng nhọc vất vả thì chỉ nên làm việc trở lại sau khi sinh nở được 6 tháng.

Chị em cũng cần tránh lao động quá nặng nhọc liên tục. Hoặc phải thay đổi tư thế để nghỉ ngơi, thư giãn khi làm việc ở tư thế đứng và đi lại quá nhiều.

Ngoài ra, ăn uống đầy đủ, sinh hoạt điều độ, rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng sức dẻo dai cho cơ bắp nói chung và các cơ vùng đáy chậu (luyện những bài tập nhẹ hoặc có sự tư vấn của bác sĩ); Tránh bị táo bón lâu ngày; Không để ho mạn tính kéo dài; Tránh không để cuộc chuyển dạ kéo dài quá lâu, phải khâu lại tầng sinh môn nếu rách. Và tránh lao động quá sức liên quan đến việc tăng áp lực ổ bụng đột ngột.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!