Theo thống kê gần đây, bệnh sa sinh dục là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ ở nông thôn, trong lứa tuổi từ 40-50 trở lên chiếm khoảng 5-8%.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, cho rằng, đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Bệnh thường gặp ở những người chửa đẻ nhiều, đẻ quá sớm, quá dày và những lần đẻ trước không được đỡ đẻ an toàn, đúng kỹ thuật.
Trong bài này, ThS Mai sẽ giải đáp những câu hỏi liên quan đến nguyên nhân và cách điều trị bệnh sa sinh dục.
Câu hỏi 1: Chào Bác sĩ! Em năm nay 30 tuổi, mới sinh con lần 2 được 5 tuần. Mấy hôm nay em thấy cửa mình có gì đó thông ra, khi đi lại thấy khó chịu. Vậy có phải em bị sa sinh dục không? Em cần điều trị thế nào?
Ảnh minh họa
Trả lời:
Bạn đã sinh con được 5 tuần, như vậy đã sắp qua thời kì hậu sản và cơ quan sinh dục đã gần như trở về bình thường tuy nhiên hiện tại ở cửa mình của bạn có khối sa xuống, có thể đó là dấu hiệu của sa sinh dục. Bạn cũng không nên lo lắng quá.
Sa sinh dục là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và lao động của phụ nữ. Bệnh thường gặp ở những người chửa đẻ nhiều lần, đẻ quá sớm, quá dày và những lần đẻ trước không được đỡ đẻ an toàn và đúng kĩ thuật. Sa sinh dục là sa tử cung, có thể kèm theo sa thành trước, thành sau âm đạo; sa bàng quang và trực tràng.
Điều trị sa sinh dục có 2 phương pháp:điều trị nội khoa và điều trị phẫu thuật. Điều trị nội khoa bằng cách: cho đeo dụng cụ đỡ tử cung bằng chất dẻo, tập thể dụng liệu pháp, ngâm tầng sinh môn và khối sa sinh dục hàng ngày trong các dung dịch sát trùng làm săn se niêm mạc âm đạo, chống viêm.
Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu trong điều trị sa sinh dục. Phẫu thuật sa sinh dục có thể tiến hành theo đường bụng hay đường âm đạo nhưng qua đường âm đạo thường phổ biến hơn.
Phẫu thuật để phục hồi lại hệ thống nâng đỡ tử cung: làm lại thành trước âm đạo, thành sau âm đạo, khâu chặt lại cơ nâng hậu môn, khâu treo bàng quang. Hiện nay, việc phẫu thuật đem lại hiệu quả rất tốt nên bạn cũng không nên lo lắng quá.
Bạn nên đi khám để sớm để các bác sĩ trực tiếp thăm khám và điều trị cho bạn!
Câu hỏi 2: Tôi sinh cháu thứ 2 được 3 tháng, gần đây đi lại thấy tức bụng dưới, khó tiểu. Đi khám ở trạm y tế xã được chẩn đoán sa sinh dục. Xin hỏi có phải tôi bị sa dạ con không? Phải chữa trị thế nào, thưa bác sĩ?
Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào bạn, sa sinh dục hay còn gọi là sa dạ con. Nhẹ thì cả dạ con, bàng quang, trực tràng sa nhưng còn trong âm đạo, nặng thì sa ra ngoài âm đạo.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do: đẻ sớm, đẻ dày, đỡ đẻ không đúng kỹ thuật, sau đẻ lao động sớm hoặc lao động nặng, người ốm yếu suy dinh dưỡng sau đẻ dẫn tới tình trạng dây chằng và cơ vùng đáy chậu giãn, suy yếu, rách, không đủ sức giữ tử cung ở vị trí bình thường.
Các nhà chuyên môn chia làm 3 độ sa:
Độ 1: sa xuống thấp nhưng còn nằm trong âm đạo.
Độ 2: cổ tử cung thập thò ở âm hộ, cọ xát nên dễ sung huyết và loét.
Độ 3: thân tử cung ra ngoài âm hộ, thường kèm sa bàng quang, trực tràng, sa ruột.
Bệnh nhân thấy các triệu chứng: tức bụng dưới khi đi, đứng, nhưng nằm thì hết; đau vùng sau thắt lưng, có thể có cảm giác muốn rặn đẻ; nếu kèm sa bàng quang thì đái khó, đái dắt, đái són khi cười to, ho, rùng mình; thường đái không hết nước tiểu, có khi bị viêm bàng quang gây đái buốt; đại tiện cảm giác như không hết hay có khi táo bón.
Điều trị:phẫu thuật là chính nếu sa độ 2 và 3. Bạn nên khám ở cơ sở chuyên khoa sản để được chẩn đoán và điều trị đúng.
SongKhoe.vn cung cấp tính năng gửi câu hỏi cho các Chuyên gia, Bác sĩ uy tín miễn phí. Bấm vào đây để gửi câu hỏi. Tham khảo hàng ngàn câu hỏi đã được Chuyên gia, Bác sĩ trả lời tại đây.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!