Bệnh tá tràng 'từ A-Z'

Bài thuốc dân gian - 04/30/2024

Rượu tác động trực tiếp lên niêm mạc dạ dày tá tràng, gây ra xơ gan, viêm tuyến tuỵ mãn tính, từ đó làm cho tổn thương nặng thêm.

Câu hỏi 1: Xin chào SongKhoe.vn! Tôi muốn hỏi nguyên nhân dẫn đến bệnh tá tràng là gì ạ? Cách phòng tránh như thế nào? Xin Bác sĩ tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn!

BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú, Viện Pháp y Quốc gia, trả lời:

Chào bạn,

Bệnh tá tràng hay gặp nhất là viêm loét dạ dày tá tràng. Những nguyên nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày tá tràng là:

1. Do dùng thuốc: Có 3 loại thuốc dễ gây ra tổn thương cho niêm mạc dạ dày tá tràng là nhóm axit acetylsalicylic (ví dụ như Aspirin); các loại thuốc chống viêm, chữa khớp; ba là các thuốc nhóm corticoid. Vì vậy nên hạn chế dùng những loại thuốc này. Nếu cần thiết phải dùng thì cần theo đúng chỉ dẫn của Bác sĩ, tốt nhất là uống sau khi ăn.

Bệnh tá tràng 'từ A-Z'

Ảnh minh họa

2. Do vi khuẩn Helicobacter pylori và tình trạng tăng tiết axit: Vi khuẩn thường lây truyền qua đồ đựng thực phẩm, bàn chải đánh răng và nụ hôn. Ăn thực phẩm không sạch cũng là một trong những nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn này.

3. Căng thẳng kéo dài:Trạng thái căng thẳng, buồn phiền, tức giận sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật, gây mất cân bằng cho chức năng đường ruột; axit dịch vị hydrochloric và pepsin tăng tiết khiến cho niêm mạc dạ dày ruột bị thương tổn.

4. No đói không đều:Khi đói, axit hydrochloric và các chất xúc tác trong dạ dày ở nồng độ khá cao dẫn tới tình trạng 'tự tiêu hóa' niêm mạc. Khi ăn quá no lại dễ làm tổn thương 'cơ chế' tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày tá tràng.

5. Ăn tối quá no sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, ngủ không an giấc, dễ tăng cân: Đồng thời còn có thể kích thích niêm mạc dạ dày bài tiết quá nhiều axit hydrochloric, gây viêm loét dạ dày tá tràng.

6. Uống quá nhiều rượu: Rượu tác động trực tiếp lên niêm mạc dạ dày tá tràng. Ngoài ra còn có thể gây ra xơ gan và viêm tuyến tuỵ mãn tính, từ đó làm cho tổn thương nặng thêm.

7. Do hoá chất

8. Do các bệnh tự miễn khác

Để phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng, ngoài việc khắc phục những nguyên nhân trên, cần:

-Dùng thức ăn mềm, ưu tiên các thức ăn tinh bột có tác dụng bọc, hút, thấm để bảo vệ niêm mạc tá tràng, giúp giảm kích thích tiết dịch vị, trung hòa axit như sữa, gạo nếp, bánh nếp, bánh mì, bánh bột năng, cơm, bánh quy…

-Tránh dùng các loại gia vị kích thích tiết nhiều dịch vị như: ớt, tiêu, giấm, cà ri, mù tạt, trái cây chua, sữa chua, dưa hành, dưa cà muối chua, nước dùng thịt, thức ăn lên men như mắm, tương, chao; thịt nguội chế biến sẵn…Hạn chế các món rán xào.

- Chất béo từ cá (mỡ cá, cá mỡ) được khuyên sử dụng vì cung cấp nhiều axit béo thiết yếu và năng lượng cho cơ thể, thức ăn giàu kẽm (hàu, sò, thịt, cá…) sẽ giúp mau lành vết thương, vitamin A giúp sinh trưởng lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày tá tràng.

Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

Câu hỏi 2: Xin Bác sĩ tư vấn cho tôi nguyên nhân dẫn đến bệnh tá tràng là gì và uống thuốc thế nào cho khỏe?

ThS. Nguyễn Kiên Cường, Viện Y học dự phòng Quân đội, trả lời:

Chào bạn,

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh khá phổ biến, thường gặp trong các bệnh đường tiêu hóa. Tá tràng (còn gọi là Hành tá tràng) là phần chuyển tiếp giữa dạ dày với hỗng tràng (ruột non). Lỗ môn vị là nơi tiếp nối giữa môn vị dạ dày với tá tràng, phía sau tá tràng là ruột non. Nhiều trường hợp loét tá tràng mãn tính làm co kéo lỗ môn vị gây nên bệnh Hẹp môn vị.

Nguyên nhân viêm loét tá tràng về cơ bản cũng giống như viêm loét dạ dày. Có nhiều giả thuyết khác nhau đề cập đến nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng nhưng có 3 nhóm giả thuyết được nhiều nhà khoa học thừa nhận:

Bệnh tá tràng 'từ A-Z'

Ảnh minh họa

- Thuyết vỏ não nội tạng:Do căng thẳng thần kinh, do các yếu tố của đời sống xã hội gây nên tình trạng stress, kích thích trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận làm tăng sản xuất hoóc-môn, hậu quả làm kích thích các tế bào của dạ dày tăng sản xuất axit, tác động trực tiếp lên niêm mạc dạ dày, tá tràng gây viêm loét niêm mạc dạ dày, tá tràng.

- Thuyết tăng cường các yếu tố tấn công, giảm các yếu tố bảo vệ: các yếu tố tấn công như bia, rượu, axit dạ dày, các thức ăn có tính axit như chanh, bưởi chua, cam chua, dưa, cà , đu đủ xanh...

- Do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori):Vi khuẩn HP được tìm thấy ở đa số những người có viêm loét dạ dày tá tràng thông qua nội soi và sinh thiết niêm mạc dạ dày, tá tràng. Ở người, HP có mặt ở niêm mạc vùng hang vị, tuy nhiên HP có thể tồn tại ở niêm mạc vùng thực quản và tá tràng khi có dị sản niêm mạc dạ dày. HP được coi là yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày, vì vậy điều trị kháng sinh để tiêu diệt HP là hết sức cần thiết.

Có nhiều thuốc khác nhau trong điều trị bệnh viêm loét DD-TT và để điều trị hiệu quả các Bác sĩ thường sử dụng phác đồ phối hợp thuốc trong điều trị sau khi đã thăm khám kỹ người bệnh.

Các nhóm thuốc thường được sử dụng trong Tây y bao gồm:

- Kháng sinh (Phối hợp Amoxicilline, Calarithromycine và Tinidazol).

- Thuốc giảm tiết axit (thường dùng nhóm ức chế bơm Proton: Omeprazol, Lanzoprazol, Pantoprazol...)

- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày:Trymo, Gastropulgite, Pepsan...

- Thuốc trung hòa dịch vị: Maalox, Nabica...

- Thuốc an thần.

- Thuốc bổ, nâng đỡ cơ thể.

Để điều trị bệnh hiệu quả, bạn cần đi khám và loại trừ các bệnh khác gây đau bụng mà không phải do đau dạ dày, làm một số xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của Bác sĩ và uống thuốc theo đơn, thực hiện theo lời dặn và tái khám theo hẹn của Bác sĩ.

Chúc bạn sức khỏe, mau khỏi bệnh!

 

SongKhoe.vn cung cấp tính năng gửi câu hỏi cho các Chuyên gia, Bác sĩ uy tín miễn phí. Bấm vào đây để gửi câu hỏi. Tham khảo hàng ngàn câu hỏi đã được Chuyên gia, Bác sĩ trả lời tại đây.

 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!