Bệnh tăng tiết mồ hôi tay

Các bệnh - 04/26/2024

Tăng tiết mồ hôi, một bệnh lý có đặc trưng là tình trạng ra mồ hôi quá mức. Bệnh tác động đến một hoặc nhiều vùng cơ thể, nhất là lòng bàn tay, chân, nách hoặc mặt. Bệnh tuy không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng tăng tiết mồ hôi kéo dài lại ảnh hưởng đến công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Để hiểu rõ về bệnh tăng tiết mồ hôi tay, phóng viên có cuộc trao đổi với BS CKI Nguyễn Văn Phú, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An.

Bệnh tăng tiết mồ hôi tayĐến bệnh viện chuyên khoa để khám bác sĩ ngay nếu việc ra nhiều mồ hôi ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt hàng ngày

PV: Xin bác sĩ cho biết bệnh tăng tiết mồ hôi tay là gì?

BS.CKI Nguyễn Văn Phú:Tăng tiết mồ hôi là tình trạng ra nhiều mồ hôi trên một phần cơ thể: bàn tay, bàn chân, nách, mặt, lưng... hoặc phối hợp các vị trí trên. Nó không tùy thuộc vào nhiệt độ của môi trường nhưng bị ảnh hưởng bởi những kích thích của cảm xúc, đây là bệnh có tính di truyền... bệnh gây bất tiện trong thao tác công việc, chơi thể thao, điều khiển xe ôtô, xe máy, giao tiếp xã hội...Bệnh tăng tiết mồ hôi thườngkhởi phát từ tuổi trẻ (7 đến 8 tuổi) hay vị thành niên, nếu không điều trị bệnh sẽtồn tại suốt đời.

Bệnh tăng tiết mồ hôi có hai loại, phần lớn chúng ta hay gặp là loại nguyên phát (không rõ nguyên nhân gây bệnh). Bệnh nhân thường tăng thiết mồ hôi ở lòng bàn tay, nách, mặt, gan bàn chân… Người mắc bệnh thường là hoàn toàn khỏe mạnh, bàn tay của bệnh nhân có thể chỉ ở mức ẩm ướt, có thể lấm tấm giọt nước hoặc để lâu có thể chảy thành giọt gây ảnh hưởng đến giao tiếp và tâm lý của người bệnh.

Tình trạng bệnh có thể nặng hơn khi người bệnh thực hiện các động tác khó, độ tập trung cao, căng thẳng. Loại này thường liên quan đến rối loạn thần kinh giao cảm. Trên thế giới có khoảng 3-5% người dân đang chung sống với căn bệnh này. Nếu trong gia đình bạn có người bị tăng tiết mồ hôi do rối loạn thần kinh giao cảm thì tỷ lệ mắc bệnh của bạn là 28%.

PV: Nguyên nhân gây bệnh tăng tiết mồ hôi tay?

BS.CKI Nguyễn Văn Phú:Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ra mồ hôi tay, chân như: Do cảm xúc, do vị giác, do mang thai, mãn kinh, bệnh về thần kinh giao cảm, khối u di căn chèn ép hoàn toàn thần kinh tủy sống, hạ đường huyết... Ngoài ra, yếu tố môi trường, thời tiết khí hậu nhiệt đới như nước ta là điều kiện thuận lợi cho tăng tiết mồ hôi trầm trọng hơn.

Bệnh tăng tiết mồ hôi tayBác sĩ Bệnh viện Nội tiết Nghệ An thăm khám cho bệnh nhân

Ngoài ra có một số bệnh nhân tăng tiết mồ hôi thứ phát (do nguyên nhân khác gây ra) là do các nguyên nhân như: Rối loạn nội tiết do cường giáp, hay bệnh u tủy thượng thận, rối loạn nội tiết do dùng thuốc điều trị ung thư tuyến vú, ung thư buồng trứng, mãn kinh, rối loạn tâm thần, béo phì, nhiễm trùng... và các nguyên nhân này thường gây tăng tiết mồ hôi toàn thân.

Một số bệnh lý làm tăng tiết mồ hôi tay:

Bệnh cường giáp

Quá nhiều hormon tuyến giáp (cường giáp) sẽ làm tăng chuyển hóa của cơ thể, từ đó gây tăng tiết mồ hôi. Người bệnh thường bị đổ mồ hôi nhiều, toàn thân, kèm theo mất ngủ, tim đập nhanh, sụt cân, tâm trạng bất ổn gây ảnh hưởng nhiều đến công việc, cuộc sống.

Hạ đường huyết

Thường gặp ở bệnh nhân đang điều trị đái tháo đường do ăn kiêng quá mức hoặc sử dụng thuốc liều cao hơn mức độ của bệnh mà gây ra. Lượng đường máu thấp sẽ kích thích hệ giao cảm tăng bài tiết hormon adrenaline gây đổ mồ hôi nhiều, tim đập nhanh…

Ung thư

Đổ mồ hôi tay chân có thể do một số bệnh ung thư như u lympho, bệnh bạch cầu, u tế bào crom… kèm theo triệu chứng sưng hạch, sốt cao, ớn lạnh, người mệt mỏi…

Rối loạn nội tiết

Sự thiếu hụt hormon sinh dục Testosterone ở nam giới tuổi trung niên và estrogen ở nữ giới trước và trong thời kỳ mãn kinh hoặc tuổi dậy thì. Một số bệnh nhân sử dụng nội tiết tố trong quá trình điều trị ung thư sẽ gây rối loạn nội tiết tố, rối loạn nội tiết sẽ làm rối loạn khả năng điều hoa thân nhiệt và tăng tiết mồ hôi.

Nhiễm trùng

Bệnh thường gặp nhất là nhiễm trùng lao. Người bị bệnh lao không chỉ bị đổ mồ hôi ở tay chân mà còn bị đổ mồ hôi toàn thân, mồ hôi thường ra nhiều nhất từ buổi chiều tối kéo dài cho tới đêm. Nếu bị đổ mồ hôi đêm kèm theo sốt cao, ớn lạnh, ho dai dẳng kéo dài, sụt cân nhanh thì hãy cẩn trọng với bệnh lý này.

Bệnh tăng tiết mồ hôi tayCó nhiều phương pháp để điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi bàn tay

PV: Xin Bác sĩ cho biết điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi tay như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Văn Phú:Hiện nay, có nhiều phương pháp để điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi bàn tay.

- Đối với tăng tiết mồ hôi thứ phát, bệnh nhân được điều trị theo nguyên nhân gây bệnh. Khi điều trị được nguyên nhân, tình trạng tăng tiết mồ hôi cũng sẽ khỏi bệnh.

- Đối với tăng tiết mồ hôi nguyên phát: Bệnh nhân có thể điều trị nội khoa bằng cách sử dụng dung dịch nhôm Clorua - Kali permanganat hoặc bột khô bôi trên bàn tay tác dụng làm khô da hay hútnước. Có thể dùng thuốc an thần, tâm lý liệu pháp hay châmcứu, điện di. Tuy nhiên điều trị nội khoa chỉ có tác dụng tạm thời, để điều trị triệt để thì phương pháp mổ nội soi đốt hạch giao cảm ngực là hiệu quả nhất.

Hiện nay, phương pháp điều trị bằng nội soi đốt hạch giao cảm ngực chọn lọc được triển khai tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An có nhiều ưu điểm vượt trội như: hiệu quả điều trị tức thì ngay sau khi bác sĩ đốt, tỷ lệ bệnh nhân bị tăng tiết bù trừ các vùng khác rất thấp, bệnh nhân không phải gây mê bằng ống Carlen - ống nội khí quản 2 nòng, không cần thay đổi tư thế trong quá trình thực hiện phẫu thuật, thời gian thực hiện can thiệp ngắn. Bệnh viện chúng tôi hiện đang sử dụng các dụng cụ can thiệp kích thước rất nhỏ nên bệnh nhân rất ít đau, thường sau can thiệp 1-2 ngày là bệnh nhân có thể ra viện và sinh hoạt bình thường.

Từ khi triển khai thực hiện điều trị cho bệnh nhân tăng tiết mồ hôi tay bằng phương pháp nội soi đốt hạch giao cảm ngực chọn lọc, đến nay, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An đã điều trị cho trên 100 bệnh nhân tăng tiết mồ hôi tay. Không có trường hợp nào xảy ra biến chứng.

PV: Khi nào người bệnh cần đi khám?

Bác sĩ Nguyễn Văn Phú:Đến bệnh viện chuyên khoa để khám bác sĩ ngay nếu việc ra nhiều mồ hôi ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt hàng ngày hoặc đột nhiên bị ra mồ hôi nhiều quá mức. Đặc biệt, với các trường hợp ra mồ hôi vào ban đêm, nên nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra vì đó có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh lý nào đó.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!