Bệnh tiểu đường trong mùa đông sẽ khó kiểm soát hơn, so với mùa xuân, mùa hè và mùa thu.
Mùa đông, nhiệt độ hạ xuống thấp, cùng với rất nhiều kỳ nghỉ lễ tết sẽ khiến bạn khó có thể luyện tập và thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc biệt của mình. Bệnh trầm cảm (một vấn đề tương đối phổ biến trong mùa đông) cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường của bạn. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy thử các nguyên tắc dưới đây để củng cố sức khỏe của mình trong mùa đông, và trong cả 4 mùa trong năm.
1. Dự phòng nhiễm trùng
Bị nhiễm cảm lạnh hoặc cúm có thể sẽ không phải là vấn đề đơn giản nếu bạn bị bệnh tiểu đường, bởi bệnh cảm lạnh và cúm có thể sẽ gây ra những vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng sau này. Với người bệnh tiểu đường, các bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng được như cúm hay viêm phổi có thể sẽ diễn biến rất nhanh, và trong một số trường hợp, có thể dẫn đến nhiễm xeton axit.
Do vậy, với người tiểu đường, một phần của kế hoạch dự phòng bệnh tiểu đường trong mùa đông chính là tránh tiếp xúc với những người bị ốm và thường xuyên rửa sạch tay để dự phòng các bệnh dễ lây nhiễm.
Người bệnh tiểu đường phải đề phòng nhiễm khuẩn (ảnh minh họa: Internet)
2. Cố gắng duy trì luyện tập
Trong suốt mùa đông, tất cả mọi người sẽ có xu hướng lười vận động hơn và điều này có thể sẽ khiến đường huyết tăng cao. Nhưng bạn không cần thiết phải ngừng việc luyện tập chỉ bởi vì thời tiết ngoài trời rất lạnh. Bạn có thể đi bộ trong nhà hoặc luyện tập theo các hướng dẫn trên mạng để vẫn có thể tập luyện thể thao hàng ngày.
Bạn cũng có thể chia nhỏ thời gian luyện tập của mình ra, 10 phút vào buổi sáng và 10 phút vào buổi tối. Miễn là bạn không ngừng hẳn việc luyện tập trong mùa đông, còn luyện tập với hình thức nào, thời gian ít hay nhiều đều tốt cả.
3. Chú ý đến đôi bàn chân
Trong mùa đông, đôi bàn chân của người bệnh tiểu đường cần nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn. Độ ẩm sẽ có xu hướng giảm xuống trong suốt mùa đông, và có thể sẽ gây ra tình trạng khô da. Do vậy, hãy kiểm tra đôi bàn chân của bạn hàng ngày, dưỡng ẩm chân ngay sau khi bạn tắm và bảo vệ chân bằng giày/bốt khô và ấm. Nếu chức năng tuần hoàn của bạn kém và bạn có các bệnh lý về thần kinh ngoại biên, bạn có thể không thực sự cảm nhận được nhiệt độ lạnh thông qua bàn chân. Do vậy, nguy cơ bị loét, nhiễm trùng và hoại tử chân ở người bệnh tiểu đường trong mùa đông sẽ cao hơn.
ĐÔi chân cần được chăm sóc đặc biệt
4. Kiểm soát các vấn đề sức khỏe tinh thần
Nhiều kế hoạch nghỉ lễ tết đồng nghĩa với việc bạn sẽ có thêm nhiều áp lực hơn, ít có thời gian ra ngoài và ít ánh sáng mặt trời trong mùa đông – đó là tất cả những yếu tố sẽ khiến bệnh trầm cảm của bạn nghiêm trọng hơn trong mùa đông. Một loại rối loạn trầm cảm theo mùa cũng sẽ xảy ra khi bạn ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, theo như Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ.
Bạn hãy dành càng nhiều thời gian ra nắng trong mùa đông càng tốt. Nếu bạn đã có tiền sử bị trầm cảm theo mùa, hãy nói chuyện với các chuyên gia về sức khỏe tâm thần sớm, vào khoảng tháng 10 hàng năm, để đưa ra được kế hoạch điều trị phù hợp cho bạn.
5. Bảo quản thuốc và các dụng cụ hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Bảo quản insulin ở ngoài (bao gồm cả việc để insulin trong ôtô) chưa bao giờ là một ý tưởng tốt. Và điều này đặc biệt đúng trong suốt mùa đông. Bạn cũng nên giữ máy kiểm tra đường huyết tránh xa các điều kiện môi trường lạnh để tránh tình trạng cho ra kết quả không chính xác.
6. Làm ấm tay
Trong mùa đông, bạn không nên kiểm tra đường huyết nếu tay bạn vẫn còn lạnh. Thay vào đó, hãy cho đôi bàn tay của bạn một chút thời gian để làm ấm trở lại (ví dụ nếu bạn vừa đi từ ngoài trời vào nhà). Nếu bạn ở ngoài trời lâu và nhiệt độ cơ thể bạn giảm xuống một chút, thì tuần hoàn ở đầu ngón tay của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng và có thể dẫn đến kết quả đo đường huyết không chính xác.
Bệnh tiểu đường thường tăng nặng trong mùa đông
7. Tránh tăng cân trong mùa đông
Nằm trên giường, trùm chăn xem tivi và ăn đồ ăn vặt là một thói quen phổ biến trong mùa đông. Càng dành nhiều thời gian ở trong nhà, bạn sẽ càng gia tăng nguy cơ ăn vặt. Do vậy, hãy theo dõi kỹ lượng thực phẩm giàu carbohydrate mà bạn ăn trong mùa đông và lựa chọn các loại thực phẩm thay thế khác, chứa ít carbohydrate hơn, ví dụ như súp ít muối nấu cùng với rau xanh và thịt nạc để làm ấm cơ thể. Vào các dịp lễ tết, vấn đề dinh dưỡng cũng cần bạn chú ý một cách cẩn trọng để đảm bảo theo đúng nguyên tắc của chế độ dinh dưỡng cho người có đường huyết cao.
TS.Bs Trương Hồng Sơn
Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!