Bệnh tiểu đường: Vì sao bị cắt chân chỉ vì 1 cái nhọt?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Trên thế giới, cứ 6 giây thì có một người tử vong, 30 giây thì có một trường hợp phải cắt chân vì bệnh tiểu đường.

Năm 2012, theo thống kê của Tổ chức Đái tháo đường Thế giới (IDF), khoảng 6% dân số thể giới mắc bệnh tiểu đường. Tuy biến chứng nguy hiểm nhưng không phải ai cũng kịp thời phát hiện ra bệnh này.

Cắt chân vì một cái nhọt

Tháng 8/2015, chân của bà Nguyễn Thị Gái (61 tuổi, xã Thiệu Trung, Thiệu Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nhiều tuần trước xuất hiện một cái nhọt như vết phỏng nước. Nhọt to rất nhanh, phần thịt xung quanh có dấu hiệu hoại tử nhưng không khiến bà đau đớn. Bà mua thuốc kháng sinh về chữa nhiễm trùng. Tuy nhiên, vết loét ngày càng lớn và sâu hơn.

Khi vết thương lan rộng cả bàn chân bà mới chịu cho con đưa đi khám ở bệnh viện tỉnh. Tại đây, bà được chuyển lên Bệnh viện Nội Tiết Trung ương vì bác sĩ nghi đây là biến chứng của bệnh tiểu đường. Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ tại Bệnh viện Nội Tiết đã chỉ định phẫu thuật cắt chân ngay lập tức để tránh phần phải cắt cao đến khớp háng.

Tương tự bà Gái, ông Cao Văn Đ. (Thanh Thủy, Thanh Hà, Hải Dương) cũng phải nhập viện điều trị vì một cái mụn đầu đinh khi mắc bệnh tiểu đường. Chỉ sau 2 ngày, mụn khoét sâu vào tận xương chân gây đau đớn tột cùng. Nhờ đến bệnh viện điều trị kịp thời, ông Đ. không bị cắt chân, các bác sĩ chỉ làm thủ thuật loại bỏ lớp thịt bị hoại tử.

Bệnh tiểu đường: Vì sao bị cắt chân chỉ vì 1 cái nhọt?

Bà Gái phải cắt chân vì chủ quan với một cái nhọt (Ảnh: Infonet)

Tại sao nhiều người không biết mình bị tiểu đường?

Cả bà Gái, ông Đ. đều không nghĩ mình bị tiểu đường vì thân hình của họ không hề béo, thậm chí bà Gái còn gầy, các hoạt động sinh hoạt, lao động bình thường. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường tuýp 2 thường khởi phát thầm lặng, các triệu chứng không rõ ràng như bệnh tiểu đường tuýp 1 nên một số người thường chủ quan.

Đặc biệt, do quan niệm chỉ có người béo mới bị tiểu đường nên những người gầy dù mắc các triệu chứng tương tự vẫn nghĩ mình không mắc bệnh, đến khi xuất hiện biến chứng thì việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Chuyên khoa Nội, Bộ Y tế, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 thường giảm cân nặng, thể lực chung, đi tiểu và uống nhiều. Ở giai đoạn tăng insulin máu, bệnh nhân nhanh đói, dễ bị nhiễm khuẩn da, vùng sinh dục, đường tiết niệu, ảnh hưởng thị giác, hay bị chuột rút bắp chân về đêm,…

Vì sao bệnh tiểu đường hay biến chứng ở bàn chân?

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân cho biết, bệnh nhân tiểu đường dễ gặp biến chứng ở chân là do mạch máu bị tổn thương, gây biến đổi cấu trúc, thay đổi các đểm tì của bàn chân. Bàn chân của bệnh nhân thường nhạy cảm với nhiễm khuẩn do mất cân bằng đường huyết.

Lúc này, bạch cầu và khả năng miễn dịch cũng suy giảm, vì vậy vết thương dễ lan rộng, ăn sâu gây hoại tử, viêm tuỷ xương. Nếu không điều trị kịp thời sẽ phải cắt cụt chi. Do đó, với bệnh nhân tiểu đường, một vết xước nhỏ cũng có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng, có nguy cơ cắt bỏ chi.

Bệnh tiểu đường: Vì sao bị cắt chân chỉ vì 1 cái nhọt?

Bàn chân là nơi dễ bị tổn thương nhất khi bị tiểu đường tuýp 2 (Ảnh minh họa: Internet)

Cách chăm sóc tổn thương chân

Khi phát hiện các tổn thương ở chân như nhọt, vết thương hoại tử,… người mắc bệnh tiểu đường không nên tự ý điều trị tại nhà, bôi đắp những chất lạ. Phải nhanh chóng đến cơ sở y tế khám để có cách điều trị tốt nhất.

Với những người chưa rõ mắc bệnh hay không cần theo dõi sát sao, khi phát hiện vết nhọt có dấu hiệu hoại tử và lan rộng phải chóng đến bệnh viện để tránh phải cắt chân.

Để biết có mắc bệnh tiểu đường hay không, mọi người cần đến cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm, không nên dựa vào những triệu chứng chủ quan. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ hạn chế được những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

>> Xem thêm: Phải cắt chân bất ngờ chỉ vì một cái nhọt

Rợn người hình ảnh biến chứng bệnh tiểu đường

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!