Bệnh tim bẩm sinh: Không phải ‘án tử’, không chữa thầy lang

Sống khỏe mạnh - 05/10/2024

Cuộc giao lưu, tư vấn trực tuyến của bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu do Song khoe.vn tổ chức cho thấy nhiều bậc phụ huynh ngộ nhận tai hại về căn bệnh này.

Xem đầy đủ tư vấn chăm sóc trẻ trước và sau phẫu thuật Tim bẩm sinh với PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu tại đây.

GS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: ‘Cái khó nhất đối với chúng tôi chính là sự thiếu hiểu biết của cha mẹ đối với căn bệnh này. Họ tìm hiểu nhưng thấy nhiều thông tin trái chiều nên càng hoang mang hơn’.

Chính sự thiếu hiểu biết đó khiến nhiều bậc cha mẹ chưa thực sáng suốt trong việc điều trị cho con. Dưới đây là một số sai lầm nhiều phụ huynh thường mắc phải.

1.    Mặc định tim bẩm sinh như án tử treo trước con mình

Tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng đa phần trẻ bị tim bẩm sinh thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hiểu biết về bệnh còn hạn chế dẫn đến tâm trạng hoang mang, không biết tình trạng của con mình sẽ đi đâu, về đâu.

Đối với nhiều gia đình vùng xa xôi, hiểu biết về bệnh còn hạn chế, kinh tế khó khăn thì tin con bị tim bẩm sinh khiến họ vô cùng hoang mang, lo lắng, cho rằng con mình đã cầm chắc cái chết.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, đây là quan niệm rất sai lầm, bởi bệnh tim phân ra nhiều dạng và cấp độ khác nhau, có những trường hợp trẻ chỉ bị dị tật nhẹ, chỉ cần uống thuốc dưới sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ bị tim bẩm sinh có thể sống khỏe mạnh như các đứa trẻ khác.

Do vậy, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, đưa con đến cơ sở khám chữa bệnh tin cậy để xác định tình trạng của con mình sớm nhất có thể để có liệu trình điều trị phù hợp cho bé.

Bệnh tim bẩm sinh: Không phải ‘án tử’, không chữa thầy lang

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu tại trường quay

2.    Tim bẩm sinh – căn bệnh nhà giàu, nhà nghèo sao chữa được

Kinh phí điều trị cũng là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, lo lắng, đặc biệt đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Cách đây mấy năm, dư luận từng xót xa trước trường hợp của một bé gái 10 tuổi ở Kiên Giang bị tim bẩm sinh nhưng vì gia đình nghèo, không chữa trị kịp thời đến khi bé được chữa trị thì đã muộn. Những tấm lòng hảo tâm cũng không cứu được em bởi bệnh đã nặng gây ra nhiều biến chứng sau phẫu thuật.

Bạn Nguyễn Văn Nam (Khoái Châu, Hưng Yên) có con hơn 4 tháng tuổi bị tim bẩm sinh thông liên nhĩ lỗ thứ phát, xin lời khuyên về nên chữa bằng thuốc hay phải làm phẫu thuật cũng như chi phí  điều trị. Vấn đề này đã được bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ:

 Thông liên nhĩ lỗ thứ phát đứng hạng thứ 7 trong các bệnh TBS và có thể chữa được. Bệnh không thể dùng thuốc uống để chữa mà chúng ta phải can thiệp, mất khoảng 1 ngày nằm viện. Sau phẫu thuật, trẻ có thể khỏe mạnh như bình thường. Bạn hãy hoàn toàn yên tâm chữa ở Việt Nam. Bác sĩ Việt  có khả năng chữa được nhiều ca như con bạn.

Bạn đừng quá lo vấn đề kinh tế. Xã hội đang rất quan tâm đến trẻ bị TBS như sự hỗ trợ y tế (trẻ <6 tuổi đến khám được miễn phí). Bảo hiểm y tế dành cho người nghèo cũng được chi trả. Quỹ Trái tim cho em cũng đang hoạt động rất hiệu quả. Hãy bình tĩnh và tìm hiểu thông tin bạn nhé.

3.    Đưa con đi chữa ông lang bà lang theo tin đồn

Người ta nói có bệnh thì vái tứ phương, đối với cha mẹ kinh khó khăn, hiểu biết hạn chế nên rất dễ nghe người nọ người kia mách ông lang nọ, bà lang kia có khả năng chữa khỏi bệnh hay lá thuốc này, cây thuốc nọ điều trị tim tốt là rất dễ đưa con mình đến những nơi đó để thử.

Chị Đặng Thị Hòa (32 tuổi, Hậu Lộc, Thanh Hóa) có con 3 tuổi được chẩn đoán tim bị hẹp động mạch chủ, băn khoăn về khả năng chữa khỏi bệnh của cây râm bụt đã được PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu trả lời thẳng thắn: Không có chuyện đó. Theo đó, ngay cả thuốc cũng khó chữa khỏi bệnh thì làm sao loại cây này chữa được. Các bạn đừng nghe hoàn toàn mọi thông tin truyền miệng chưa được chứng minh mà cần chọn lọc thông tin để có thể chữa trị tốt nhất. Các bệnh viện tại Hà Nội, TP HCM, Huế, An Giang, Cần Thơ đều có thể chữa được bệnh TBS. TBS biến chứng nguy hiểm là đột tử nên bạn cần đặc biệt chú ý. Đừng chần chừ nữa, cũng đừng nghe thông tin về râm bụi nữa mà hãy đến ngay bệnh viện để khám cho cháu.

Chị Hoàng Thu Giang (28 tuổi ở Giao Thủy, Nam Định) thì lại là trường hợp khác. Con bị tim bẩm sinh, nhưng hoàn cảnh khó khăn lại sợ rủi ro khi phẫu thuật, nên dự định nhờ 1 người đàn ông dân tộc Tày chữa bệnh bằng thuốc nam.

PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu: Theo tôi, bạn cần bình tĩnh đến gặp bác sĩ để kiểm tra lại. Hãy ghi rất rõ chẩn đoán của bác sĩ, sau đó tìm hiểu trên các trang web uy tín, lựa chọn 1 bệnh viện uy tín, thuận lợi để khám và chữa. Sau khi được tư vấn, hãy chuẩn bị phẫu thuật. Đừng đứng núi này trông núi nọ. Tuyệt đối không đi ông lang. Hãy bình tĩnh và tìm hiểu thông tin bạn nhé.

4.    Kiêng khem quá mức sau phẫu thuật, không coi con mình như trẻ bình thường

Tâm lý chung của các bậc cha mẹ là thường sẽ tăng cường bồi bổ cho con sau phẫu thuật tim đồng thời thường có xu hướng cấm con vận động nhiều với lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu lại đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh rằng:

Hãy nghĩ con mình như 1 cháu bé bình thường. Tôi luôn dặn cha mẹ trẻ đừng tẩm bổ quá nhiều cho con, cháu sẽ có thói quen ăn uống không tốt. Bạn cứ giữ đúng chế độ ăn cho trẻ. Hạn chế tinh bột, protein. Đừng quá phân biệt cháu với những đứa trẻ bình thường vì cháu vừa mổ tim. Cháu chơi nhảy thì cứ để cháu tự nhiên vì cháu đang trở lại cuộc sống bình thường. Cần tránh nguy cơ nhiễm trùng nên không cho cháu chạy quá nhiều dễ ngã, nhiễm trùng, xước xát, chảy máu chân tay.

Lê Nhàn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!