Với cái tâm của người thầy thuốc, ông Nguyễn Trọng Phùng, tại xóm Trung Minh - xã Minh Sơn - huyện Đô Lương - tỉnh Nghệ An đã cứu sống nhiều bệnh nhân xơ gan cổ trướng.
Ông Phùng sinh ra trong một gia đình có nghề bốc thuốc chữa bệnh gia truyền. Thuốc chữa bệnh là thuốc nam phối hợp với thuốc bắc. Cho đến nay, thực tế không đếm xuể con số người bị bệnh gan - mật tìm đến nhà ông...
Một ngày nắng tháng 6 miền Trung như đổ lửa, tôi tìm đường về ngôi làng nhỏ Trung Minh - Minh Sơn - Đô Lương - Nghệ An theo lời đồn về một 'ông lang' có tài chữa bệnh gan.
Con đường ngoằn ngoèo sau luỹ tre làng miên miết chân đồi dẫn tới một xóm nhỏ với những ngôi nhà ngói cũ. Không cần hỏi, tôi cũng biết mình đã tìm đến đúng địa chỉ. Bởi cạnh nhà ông Phùng người và xe đông đúc.
Thật lạ, nhà ông Phùng chữa bệnh lại không có biển báo, chỉ những nhà hàng xóm trông xe, cho khách ở trọ thì bày biển 'Trông xe vào nhà ông Phùng'.
Ông Nguyễn Trọng Phùng
Khách đông, phải chờ đến trưa tôi mới gặp được ông Phùng. Tôi vào ngồi cùng những bệnh nhân chờ lấy thuốc. Có khoảng 40 người đang ngồi chờ tới lượt đưa đơn để được bốc thuốc. Họ từ khắp nơi trên cả nước đến đây: Hà Tây, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế...
Nhiều nhất tất nhiên vẫn là những người Nghệ An. Tôi hỏi thăm người đàn ông ngồi ngay bên cạnh, mái tóc đã bạc phơ, gân guốc. Ông là Hoàng Ngũ ở Tuyên Hóa - Quảng Bình, 67 tuổi, bị xơ gan cổ trướng. Ông đã đi chữa ở Bệnh viện TW Huế, được xác định là bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối, bụng cứng đơ, to phình. Bệnh viện TW Huế bó tay, ông tìm đến bệnh viện Việt Nam - Cu Ba nhưng bệnh viện cũng trả về.
Những tưởng đã vô phương cứu chữa thì may mắn thay, ông nghe những người dân làng bên truyền tin có thầy Phùng chữa gan rất giỏi ở Đô Lương - Nghệ An. Các con ông đã khẩn cấp đưa ông vượt qua mấy trăm cây số để gặp thầy.
Đến nơi, thầy Phùng bắt mạch và gật đầu vì đã tìm ra được nguyên do căn bệnh của ông, thầy kê đơn cho thuốc. Đợt một ông được thầy cho năm thang thuốc mang về sắc uống, bệnh ông bắt đầu đỡ và chỉ sau 4 đợt thuốc khoảng 20 thang ông Ngũ đã khỏi bệnh!
Tuy nhiên, hai năm sau, do ông không kiêng rượu, thuốc lá nên bệnh lại tái phát. Các con ông lại một lần nữa đưa ông đến nhà ông Phùng. 'Lần này thì phải quyết tâm kiêng rượu, thuốc theo lời thầy thôi!'- Ông Ngũ nói, khuôn mặt già nua ánh lên vẻ lạc quan.
Phía bên tay trái ông Ngũ, anh Đinh Văn Thướng, quê ở Thường Tín, Hà Tây đang mân mê tờ giấy xét nghiệm men gan từ bệnh viện TW Huế. Anh bịviêm gan B, không có biểu hiện gì ra ngoài, song men gan rất cao. Từ Hà Tây anh đã tìm đến ông Phùng theo lời mách bảo của bà con lối xóm, có người làng anh bị viêm gan A và đã được điều trị khỏi nhờ thuốc của ông Phùng.
Anh đã khám và đã uống xong một đợt thuốc. Anh vừa đi xét nghiệm lại, men gan đã giảm đi nhiều. Anh vào lần này để lấy thuốc đợt hai. Anh bảo, theo lời thầy Phùng thì chỉ cần ba đợt thuốc khoảng từ 15 đến 20 thang thuốc là bệnh sẽ khỏi. Anh Lê Văn Huỳnh, ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình không chờ chúng tôi hỏi nói luôn: ở Huế, tiếng của ông Phùng ai mà không biết.
Như tôi đây, bị xơ gan vào khám và chữa trị tại bệnh viện TW Huế nhưng không đỡ, tình cờ được mọi người mách bảo ra đây, may quá là may, tôi đã uống đợt thứ nhất rồi. Vào Huế khám lại thì đỡ khoảng sáu mươi phần trăm. Lần này tôi cũng ra để lấy thuốc đợt hai. Thật không có ông Phùng thì chẳng biết những người bệnh nghèo như chúng tôi sẽ thế nào nữa.
Cám ơn những người bệnh, tôi rời khỏi phòng chờ vào khu khám bệnh, nơi ông Phùng đang bắt mạch cho bệnh nhân, để xem người thầy thuốc mà những người bệnh hết lòng khen ngợi kia là như thế nào?
Căn phòng nhỏ chật chội và cũ kỹ, khoảng chừng mười mét vuông được quây thành một ô vuông nhỏ nhắn để tiếp những người bệnh, tấm lưới che ngang cách một cái bàn gỗ để bệnh nhân đưa tay bắt mạch. Ở phòng khám này không có một dụng cụ y tế nào ngoài năm ngón tay hồng hào của ông Phùng.
Theo ông trừ những căn bệnh như ung thư thì ông cũng như tất cả các thầy thuốc khác trên thế giới đều phải bó tay, còn những bệnh liên quan đến gan như xơ gan cổ trướng, viêm gan A, viêm gan B, u gan, viêm gan cấp... thì chưa có trường hợp nào ông Phùng chịu bó tay.
Ông Phùng không để ý đến sự quan sát của tôi. Khuôn mặt người thầy thuốc 71 tuổi hồng hào và phúc hậu, dáng người ông nhỏ nhắn và điềm tĩnh. Giọng nói trầm, ấm áp chất giọng miền Trung. Khi bắt mạch, khuôn mặt ông đăm chiêu đến lạ. Như thể thần thái của ông bị từng mạch đập trong cơ thể người bệnh cuốn vào, lắng nghe, chẩn đoán.
Nghề chữa bệnh gan gia truyền đến ông Phùng là ba đời. Mỗi ngày, bình quân ông tiếp khoảng 50 người từ khắp mọi miền đến khám chữa bệnh. Vị chi mỗi năm có khoảng 5000 - 6000 người tìm đến nhà ông.
Tính từ đời ông Phùng, khoảng gần 50 năm khám chữa bệnh, thì biết đã có bao nhiêu ngàn người đặt chân đến mảnh đất này? Những cuốn sổ bệnh án từ cách đây mấy chục năm ông vẫn giữ, hàng chồng, hàng chồng, những cuốn sổ đã úa màu, biến dạng vì các chú mối tinh nghịch quấy quả, những nét chữ đã mờ dần theo năm tháng. Nhưng ông vẫn giữ lại để làm tư liệu.
Trong số đó có tên nhiều người bị bệnh gan, đi Đông đi Tây, hết thuốc ta thuốc Tây rồi mà vẫn chẳng khỏi lại tìm đến ông,… thường thì ông chỉ cho tối đa khoảng 20 thang thuốc và họ khỏi bệnh? Mà thuốc của ông, chỉ 10 nghìn đồng một thang cho người lớn, 6 nghìn đồng cho trẻ em cộng với tiền khám bệnh, người lớn 10 nghìn đồng, trẻ em 5 nghìn đồng.
Uống thuốc phải đi với một chế độ kiêng khem. Việc mua thuốc cũng có quy định riêng. Viêm gan cấp, mỗi lần khám được mua 3 chén; Viêm gan B, xơ gan uống trong vòng 3 tháng, mỗi tháng 6 thang, mỗi tháng 5 ngày uống khoảng 18 thang thì khỏi bệnh(?).
Người trong tỉnh được lấy 3 thang thuốc một lần khám, người ngoại tỉnh được 'ưu tiên' lấy 5 thang. Sau đó bắt buộc phải đến khám lại để lấy thuốc tiếp. Người nhiều tiền muốn lấy thêm thuốc cũng không được! Ngược lại ông Phùng thường ưu tiên cho những bệnh nhân nghèo, những bệnh nhân nặng.
Tôi được nghe kể nhiều chuyện về những người bệnh đến nơi này. Anh Thu - con trai vị giám đốc bệnh viện Việt Nam - Ba Lan của Nghệ An bị một vết chấm sáng ở gan, dấu vết của bệnh viêm gan mãn tính. Các bệnh viện đều chẩn đoán là anh bị ung thư gan, trả về.
Còn nước còn tát, anh tìm đến ông Phùng. Chỉ sau 5 đợt thuốc, bệnh anh khỏi! Còn có niềm vui nào lớn hơn khi 'người chết' được 'sống lại'. Gia đình anh mang ơn, năm nào cũng đến thăm 'thầy Phùng'. Có lẽ anh Thu là một trong nhiều trường hợp đã được ông Phùng chữa khỏi từ những sự chẩn đoán sai của các cơ sở y tế khác?
Ông Phùng (trái) và người bệnh
Nhiều vị quan chức cao cấp cũng đã tìm về đây. Năm 1988, Trung tướng Na - khỏn, ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, trong dịp đến làm việc tại Quân khu 4 có hỏi thăm Trung tướng Tư lệnh Nguyễn Quốc Thước: có biết ai chữa gan không, vì chính ông bị xơ gan cổ trướng.
Ngay lúc đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước điện sang Ban y tế Tỉnh ủy Nghệ An hỏi thăm vì cũng đã hơn một lần Trung tướng nghe nói đến ông Phùng. Khi đã biết thông tin chính xác, Tư lệnh cho xe về Minh Sơn - Đô Lương đón ông Phùng ra Vinh khám bệnh cho vị Tướng Lào.
Ban đầu ông Phùng không đi, nhưng sau đó vì nghĩ đến quan hệ ngoại giao của hai nước nên vị lương y đã xuống Vinh khám bệnh. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể lại: 'Có một câu nói của ông Phùng cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ.
Ông bảo: 'Không phải là tôi kiêu ngạo không đi theo xe xuống khám bệnh cho vị tướng Lào, mà vì khi tôi xuống đây khám cho một người thì ở nhà còn có năm mươi người bệnh chờ tôi, nhiều người từ nơi xa đến, không kịp giờ khám họ lại phải trọ lại thêm một ngày, khổ thân ra. Chỉ một câu nói đó thôi cũng đủ cho thấy tấm lòng của ông Phùng.
Là một thầy thuốc chữa bệnh gia truyền nhưng ông Phùng biết kết hợp với các phương pháp khoa học hiện đại như bắt buộc bệnh nhân phải có giấy xét nghiệm men gan của bệnh viện TW trong một số trường hợp như viêm gan B. Ông Phùng là một trong những thầy thuốc hiếm thấy ở Việt Nam mình!'.
Khi bệnh của Tướng Na - khỏn đã được chữa khỏi, về Lào, ông đã giới thiệu cho Đại tướng Si-Fon(?), ủy viên Bộ Chính trị và nhiều người bạn Lào sang chữa, chính Trung tướng Nguyễn Quốc Thước giới thiệu cho Thượng tướng Nguyễn Chơn về gặp ông Phùng để khám khi có triệu chứng về gan.
Trong chuyến công tác tại Nghệ An, Thượng tướng đã đáp máy bay về gặp ông Phùng. Cả xã Minh Sơn ai cũng vui. Được biết sau khi chữa khỏi bệnh, Tướng Na - khỏn có nhã ý tặng ông Phùng một món quà có giá trị, là một chiếc xe ôtô con để tiện đi lại nhưng ông Phùng từ chối!
Ông không nhận một món quà nào, ngoài 10 nghìn đồng một thang thuốc của bệnh nhân. Người nhiều tiền cho quà ông không nhận, nhưng người nghèo đến tìm ông, ông chữa bệnh mà không lấy tiền.
Anh Nguyễn Thống, con rể của ông Phùng kể lại rằng, có những người bệnh như anh Trần Đình Đồng, 42 tuổi, ở Kiến An, Hải Phòng bị xơ gan, cổ trướng, bệnh viện Bạch Mai trả về; anh Phan Đình Thanh, thị trấn Cày, Thạch Hà, Hà Tĩnh bị xơ gan cổ trướng, bệnh viện Bạch Mai trả về; anh Nguyễn Đình Thái u gan, bệnh viện Chợ Rẫy trả về…
Họ đều đã đến ông Phùng và căn bệnh tưởng vô phương cứu chữa của họ đã biến mất sau những thang thuốc gia truyền của ông Phùng (?) Có câu chuyện cách đây hai năm, người trong làng ngoài xóm ai cũng nhớ, một người mù ở huyện Thanh Chương, Nghệ An cùng một đứa con nhỏ tìm đến nhờ ông Phùng chữa bệnh cho con bà, nhưng cuối cùng chính bà mới là người mắc bệnh viêm gan A.
Ông Phùng đã bắt mạch và cho thuốc bà mà không lấy tiền vì hoàn cảnh của người đàn bà kia rất khó khăn. Thật khó tin, nhưng bà con chòm xóm ai chẳng biết tính ông Phùng, từ ngày xửa ngày xưa, người trong làng có bệnh đến chữa, không có tiền trả, thì trả bằng cân thóc, con gà, người nghèo quá, ông Phùng cho thuốc về uống mà không có một đòi hỏi nào. Thời buổi này mà vẫn có những vị lương y như thế thật là hiếm thấy.
Khoảng hơn 11 h trưa nhiều người bệnh vẫn còn chờ ngoài sảnh, nhưng đã đến giờ nghỉ. Ông Phùng ra đón chúng tôi vào nhà, ông niềm nở, nhưng chợt nghiêm khắc nói: Có một vài người xưng là nhà báo cũng đến đây ngỏ ý viết bài nhưng chưa viết đã đưa ra giá, xin nói thật là tôi đây không cần quảng cáo!
Gia đình tôi đã ba đời làm nghề bốc thuốc, lấy Đức cứu người là chính, đâu có cần quảng cáo. Hiện nay bệnh nhân đã đông lắm rồi, khách đông nữa thì chúng tôi không đủ thuốc cho người bệnh, phải đi hàng trăm cây số để lấy thuốc, con cháu cũng phải vất vả nhiều. Mà cô thấy đấy, tiền thu vào cũng chỉ vừa đủ chi phí thôi.
Làm thầy thuốc phải giữ chữ tín, người đời mới phục, mình sống nhân đức còn để phúc cho con cháu. Tôi có mười hai đứa con, chín trai, ba gái, tôi vẫn quan niệm của cải của tôi là đó. Mười hai đứa con, sinh ra và lớn lên trong những ngày tháng khó khăn nhất của đất nước, đạn bom, nghèo đói, vậy mà đứa nào cũng lớn khôn khỏe mạnh thế là mừng vui lắm rồi.
Tiền bạc rồi cũng đến thế mà thôi. Tôi vẫn dạy các con tôi rằng, gia truyền gì thì cũng phải học, phải đọc sách thánh hiền. Vô học, bất thuật. Tổ tiên tôi để lại một tủ sách cổ, những cuốn sách thuốc quý giá tôi đã thuộc làu làu từ những năm 20 tuổi, khi bắt đầu được bố tôi truyền nghề.
Nghề bắt mạch phải chính xác, muốn vậy phải học, học một cách kiên trì. Tôi vẫn dạy các con tôi rằng làm thuốc chỉ để làm giàu là bất lương! Không được ăn xổi. Nghề gì qua loa được chứ nghề bốc thuốc thì phải bằng mọi giá cứu người trước đã.
Thời của tôi khổ lắm. Khổ mới phải cố gắng. Con cái tôi dẫu sao vẫn ở một thời đại khác, vì thế mà tôi sợ. Tôi vẫn canh cánh một nỗi lo... Nỗi lo từ thời cụ tổ tôi về một nghề gia truyền đã mấy đời tồn tại.
Nói đến đây, gương mặt vị lương y đăm chiêu lạ lùng. Ông như đang hồi ức về những ngày xa xưa, những ngày ấu thơ ở cái xóm nghèo Trung Minh, nơi ông phải tự mình bươn chải những bước đầu tiên trong cuộc đời để có được ngày hôm nay.
Từ ngày trẻ bôn ba khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc sang Lào để tìm thuốc. Những ngày gian khổ xa nhà, mày mò những bước đầu tiên về nghề y ở trường y học Tuệ Tĩnh… Hiện nay ông đang truyền nghề cho anh con trai thứ Nguyễn Trọng Tạo, anh Tạo đã tốt nghiệp trường Trung cấp Y – Nghệ An, đang ở nhà bắt mạch kê đơn cùng ông Phùng.
Anh con trai út Nguyễn Trọng Chung, hiện đang học năm thứ tư khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y, Hà Nội. Ông Phùng ước mong sẽ được sang Trung Quốc một chuyến để tìm kiếm một vài nguồn tư liệu để phục vụ cho việc viết một cuốn sách của mình nhưng có nhiều lý do khiến ông chưa đi được, một trong những lý do cơ bản theo ông là chưa đủ tiền!
Câu chuyện đang dở dang thì có tiếng bà Phùng gọi đâu đó. Tôi xin phép ra về để ông Phùng còn nghỉ ngơi kịp giờ khám buổi chiều với bao nhiêu bệnh nhân đang chờ đợi.
Trên đường về ngoằn ngoèo sỏi đá chang chang nắng, hanh hao gió Lào của xứ Nghệ, tôi vẫn nghe văng vẳng lời nói của ông Phùng: Giàu nghèo gì nghề thuốc này đâu cô. Mỗi người được trời ban cho một phận.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!