Bệnh viện nơi cao nguyên hồi sinh những bệnh nhi đặc biệt nhờ Telehealth

Thời sự - 11/24/2024

Bệnh nhi 12 tuổi thay vì phải 'đi Hà Nội' nhiều lần, nay chỉ cần một để hoàn thành phác đồ; một bé trai chào đời khi 28 tuần thai, nặng 1,1kg, đã được cứu sống nuôi dưỡng thành công... Chuyện có thật ở BVĐK huyện Mộc Châu, Sơn La.

Bệnh nhi 12 tuổi, dân tộc Dao ở Mộc Châu, Sơn La, từng phải lên bệnh viện tuyến Trung ương phẫu thuật do thiếu một đoạn xương. Tuy nhiên, tình trạng cháu bé liên tục tái viêm xương phải mổ 2-3 lần.

Nhờ hội chẩn từ xa qua Telehealth, các thầy thuốc tại tuyến Trung ương đã tư vấn cho Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) có thể mổ tại chỗ, đặt xi măng dọc theo xương khuyết, tạo lỗ hổng để 1-2 tháng sau, cho bệnh nhân chuyển tuyến xuống Hà Nội lấy xương mác ghép thành xương chày.

'Như vậy, bệnh nhân chỉ cần một lần đi Hà Nội để phẫu thuật, tiết kiệm cho người bệnh và các chi phí khác cho gia đình. Với đề án Khám chữa bệnh từ xa này, người dân được hưởng lợi nhiều nhất', ThS, BS Vũ Giang An, Phó Giám đốc BVĐK Mộc Châu, nói với PV Gia đình & Xã hội.

Từ khi tham gia hội chẩn trực tuyến từ xa qua hệ thống Telehealth với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện nơi cao nguyên Mộc Châu ấy lại thêm một cơ hội được tiếp cận với các kiến thức chuyên sâu mà không nhất thiết phải 'về Thủ đô'. Sau hội chẩn trực tuyến, có nhiều trường hợp bệnh viện xử lý được mà không phải chuyển tuyến.

Bệnh viện nơi cao nguyên hồi sinh những bệnh nhi đặc biệt nhờ Telehealth

BSCK1 Phạm Hồng Tươi thăm khám cho một bệnh nhi sơ sinh non tháng ở Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu. Ảnh: V.Thu

'Trong trường hợp phải chuyển tuyến, cùng với sự tư vấn của các thầy ở đầu cầu Hà Nội, chúng tôi cũng sẽ trao đổi trước cho bệnh nhân biết rõ tình trạng bệnh tật của mình khi lên tuyến Trung ương', BS An nói.

Tháng 9/2020, khi đang mang thai ở tuần thứ 28, chị L.T.N ở Yên Châu phải ra trạm y tế xã khám gấp vì có dấu hiệu chuyển dạ. Nhưng với trường hợp quá non tháng ấy, trạm y tế buộc phải gọi taxi đưa sản phụ và gia đình lên Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cấp cứu.

Trên quãng đường khoảng 40km tới bệnh viện, chị N bất ngờ sinh non, người đỡ đẻ chính là bà nội bé. Từ cuộc gọi của tài xế taxi qua đường dây nóng, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu ngay lập tức điều ngay một bác sĩ Nhi - Sơ sinh và nữ hộ sinh lên đường cấp cứu.

Bệnh viện nơi cao nguyên hồi sinh những bệnh nhi đặc biệt nhờ Telehealth

Thành viên tổ Công tác xã hội hướng dẫn cho người dân tới khám. Ảnh: V.Thu

Đến quãng giữa đường, hai xe gặp nhau. Bé Lìa Văn Trung chào đời, đỏ hỏn, chỉ nặng 1,1kg. Trẻ nhanh chóng được ê kíp hỗ trợ đưa tới Bệnh viện. Lúc này, sức khỏe của trẻ rất yếu, cơ hội sống chỉ còn 40% nếu trẻ không kèm bất kỳ bệnh lý bẩm sinh nào.

BSCKI Phạm Hồng Tươi, khoa Đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, người trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhi, cho biết bé nhập viện trong tình trạng suy hô hấp sau sinh, tím quanh môi, phổi thông khí kém, rút lõm lồng ngực, phản xạ sơ sinh yếu.

Xác định đây là ca bệnh khó và phức tạp, sau khi xử trí bước đầu cho trẻ, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu đã ngay lập tức xin hội chẩn từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông qua hệ thống y tế Telehealth.

Tại buổi hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đánh giá các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu đã làm rất tốt quy trình cấp cứu ban đầu và điều trị cho bệnh nhi. Theo đánh giá, nếu cách đây khoảng 5-6 năm, những trường hợp bệnh nhi này ở tuyến dưới là không cứu được.

Tiếp thu và thực hiện theo các hướng dẫn từ các thầy cô của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về phác đồ điều trị tiếp theo, cũng như hướng dẫn về dinh dưỡng cho bệnh nhi, các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu đã chiến thắng, giành lại sự sống cho bệnh nhi.

BSCKI Phạm Hồng Tươi cũng cho biết, sau nhiều tuần chăm sóc đặc biệt, bé Trung đã tự thở hoàn toàn, được các bác sĩ cho ấp mẹ, trẻ được cho tập ăn bằng đường miệng, tăng cân tốt. Bé ra viện khi đã đạt 2,2kg, hoàn toàn khoẻ mạnh. 'Khi đỡ đẻ cho con dâu xong, bà nội cháu bé quay về huyện Yên Châu. 35 ngày sau, bà xuống đón cháu ra viện. Bà đã đã rất xúc động khi nhìn thấy cháu khỏe mạnh, lớn lên, bởi lúc đỡ đẻ xong, bà không nghĩ cháu mình còn sống', BS Tươi kể lại.

Nhớ lại ký ức đẹp vừa mới qua, BS Tươi chia sẻ, từ khi có hội chẩn trực tuyến, chị và các đồng nghiệp tự tin hơn rất nhiều, nhiều bệnh nhân được cứu sống ngay tại địa phương, trình độ của các bác sĩ được nâng cao. 'Trước khi tiếp cận Telehealth, tôi không nghĩ nó giá trị đến thế, không chỉ với bệnh nhân mà còn với cả chính bác sĩ tuyến dưới, vùng cao như chúng tôi' - BS Tươi chia sẻ.

Nhờ những đợt được đào tạo từ Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhiều kiến thức, kinh nghiệm hay đã được truyền thụ.

Mới đây, nhờ những kiến thức từ lớp nuôi trẻ sinh non bằng phương pháp kangaroo ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đặt tại Quảng Ninh), chị và đồng nghiệp áp dụng ngay. Giờ đây, những ca sinh non thai ở tuần 29, 30 vào viện, các chị rất tự tin, trừ những ca bệnh lý mới phải chuyển viện. Điển hình là Bệnh viện đã nuôi thành công trường hợp bé sinh non bằng phương pháp ấp kangaroo, bé xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt, các bệnh về phổi, võng mạc đã được loại trừ.

Bệnh viện nơi cao nguyên hồi sinh những bệnh nhi đặc biệt nhờ Telehealth

Bệnh viện hiện quản lý hàng nghìn hồ sơ bệnh lý mãn tính của người dân trong huyện. Ảnh: V.Thu

Cuối năm 2019, BVĐK Mộc Châu, một bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Sơn La, đạt được hơn 70% phân tuyến kỹ thuật. Chất lượng khám chữa bệnh tăng đồng nghĩa với việc thu hút nhiều bệnh nhân tin tưởng tới khám, điều trị. Bằng chứng là nếu trước đây, chưa đến 10.000 bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, thì đến nay, con số này tăng lên 16.000.

Nhiều kỹ thuật mới từ tuyến Trung ương như phẫu thuật nội soi, mổ nội soi sản khoa, nội soi tuyến giáp, chăm sóc trẻ sinh non, phẫu thuật chỉnh hình … đã được áp dụng thuần thục. Riêng năm 2019, đây là bệnh viện duy nhất của tỉnh Sơn La thực hiện được phẫu thuật nội soi tuyến giáp và đến nay đã phẫu thuật được cho 19 ca bệnh. Sáng kiến của Bệnh viện cũng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Về sản khoa, năm 2016, bệnh viện đã chào đón trẻ đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tại đây. Đến nay nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn cũng đã được can thiệp thành công...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!