Kỳ tích cứu người từ hệ thống trực tuyến giữa bệnh xá Trường Sa với bệnh viện đất liền

Thời sự - 11/24/2024

Nhờ được trang bị hệ thống khám chữa bệnh trực tuyến giữa bệnh xá các đảo ở Trường Sa với các bệnh viện tuyến đầu ở đất liền mà nhiều ca phẫu thuật khó đã được thực hiện thành công giữa nơi đầu sóng, ngọn gió…

Cuối tháng 3, trong một chuyến ra khơi đánh bắt cá dài ngày, ngư dân Lê Bá Quốc (25 tuổi, quê Bình Định) bị dây lưới quấn vào ngang khe khớp gối và lôi cả người xuống biển. Khi được bạn tàu cứu lên thì cẳng chân trái của anh Quốc chỉ còn lại duy nhất đoạn xương chầy. Nạn nhân được các thuyền viên sơ cứu tạm thời (nhưng không đúng kỹ thuật) rồi đưa vào bệnh xá đảo Song Tử Tây sau khi bị nạn 5 giờ trong tình trạng rất nguy kịch do mất máu nhiều.

Sau khi áp dụng các biện pháp điều trị tích cực phòng chống sốc và dùng kháng sinh sớm, các thầy thuốc ở trạm đã sử dụng hệ thống chẩn đoán trực tuyến, truyền hình ảnh bệnh nhân và các kết quả xét nghiệm về đất liền để hội chẩn ý kiến của các chuyên gia từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Kíp mổ của bệnh xá đã tiến hành phẫu thuật tháo khớp gối trái cấp cứu nhằm cứu sống bệnh nhân. Do bệnh nhân bị mất máu quá nhiều nên thể trạng rất yếu, mạch vẫn nhanh có nguy cơ lớn dẫn đến các rối loạn khác nên một chiến sĩ hải quân đã hiến tặng bệnh nhân 350zaml máu. Sau khi được truyền máu, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt dần. Sau 18 ngày điều trị tích cực trên đảo, bệnh nhân đã bình phục sức khoẻ như một kỳ tích và được tàu hải quân đưa vào đất liền.

Kỳ tích cứu người từ hệ thống trực tuyến giữa bệnh xá Trường Sa với bệnh viện đất liền

Y, bác sĩ Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa cấp cứu ngư dân gặp nạn.

Từng có thời gian dài công tác tại Bệnh xá đảo Trường Sa, bác sỹ Hoàng Trung Thông chia sẻ, các chiến sĩ và ngư dân đánh bắt cá trên ngư trường Trường Sa đôi khi mắc bệnh đau ruột thừa, các bệnh về da và mắt, hay rủi ro tai nạn trong quá trình lao động, công tác. Những bệnh thông thường thì không đáng nói nhưng gặp những ca phức tạp thì y bác sĩ bệnh xá cũng không tránh khỏi lúng túng, rất cần sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia trình độ cao ở đất liền. Đó là lý do Bệnh xá đảo Trường Sa được đầu tư trang bị hệ thống khám - chữa bệnh từ xa.

'Dù ở đảo xa nhưng hệ thống trao đổi trực tuyến qua màn hình tivi truyền dữ liệu rất tốt. Hệ thống gồm một loạt thiết bị phục vụ hội nghị truyền hình, thiết bị y tế ghi lại thao tác mổ làm tư liệu phục vụ công tác hội chẩn. Ngoài ra, còn có thiết bị soi da, họng, khám các bệnh tổng thể; máy đo các chỉ số sống còn, máy đo nhịp tim, máy nghe tim, phổi… Nhờ có sự hướng dẫn của chuyên gia từ đất liền, nhiều ca bệnh phức tạp được cứu chữa kịp thời, sức khỏe cán bộ, nhân dân trên các đảo được quan tâm chăm sóc tốt hơn', bác sỹ Thông tâm sự.

Kỳ tích cứu người từ hệ thống trực tuyến giữa bệnh xá Trường Sa với bệnh viện đất liền

Nhóm y bác sỹ ở Bệnh xá đảo Trường Sa thực hiện một ca mổ ruột thừa cho bệnh nhân ở tình trạng có khả năng vỡ ruột thừa, viêm thành mủ. Nhờ sự hỗ trợ của bác sỹ tuyến trên qua hệ thống trực tuyến cùng sự nỗ lực của cả ê kíp, sau một tiếng từ lúc gây mê, ca mổ đã thành công.

Bác sỹ Phan Văn Giáp, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Đông cũng cho biết: 'Công tác khám chữa bệnh tại đảo xa có những khó khăn nhất định nhưng ưu điểm là bệnh xá được trang bị thiết bị chẩn đoán bệnh từ xa giúp dễ dàng kết nối từ đảo với bệnh viện chủ quản. Ở đây, ngoài điều trị nội khoa, chúng tôi thực hiện các ca trung phẫu. Đối với những ca khó, ca phẫu thuật phức tạp, chúng tôi trao đổi qua hệ thống chẩn đoán trực tuyến để có hướng xử lý tốt nhất. Hệ thống khám chữa bệnh từ xa thật sự là điểm tựa cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân an tâm công tác, lao động sản xuất trên các ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc'.

Bên cạnh hệ thống cơ sở y tế ở các đảo của quần đảo Trường Sa, Tàu bệnh viện Khánh Hòa-01 có phiên hiệu HQ-561 được đánh giá là tàu bệnh viện hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam. Điểm đặc biệt của Tàu quân y 561 là được trang thiết bị hiện đại, kết nối trực tiếp với bệnh viện lớn trên đất liền khi thực hiện những ca mổ khó.

Kỳ tích cứu người từ hệ thống trực tuyến giữa bệnh xá Trường Sa với bệnh viện đất liền

Riêng phòng mổ và phòng hội chẩn trên tàu Quân y được trang bị hệ thống truyền hình trực tiếp với Bệnh viện Quân y tuyến trung ương qua hệ thống vệ tinh Vinasat.

Tàu có 9 phòng chức năng, gồm phòng giảm áp (điều trị các tai biến do lặn), phòng xét nghiệm, phòng hồi sức cấp cứu, phòng siêu âm – hội chẩn, phòng mổ có kết nối vệ tinh Vinasat. Ở phòng siêu âm có trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh với Bệnh viện Quân y 175. Con tàu là niềm tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam, bởi nó là tàu bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á, do chính bộ đội ta thiết kế, chế tạo.

Thuyền trưởng tàu 561 kể với chúng tôi về một trường hợp ngư dân tên Đặng Văn Bình ở Quảng Ngãi bị ngã đập đầu xuống sàn tàu bất tỉnh khi đang đánh cá trên biển. Tàu cá đã liên hệ với nhà giàn DK1 để nhờ tàu bệnh viện cấp cứu.

Giữa sóng to, gió lớn, cán bộ, chiến sĩ tàu 561 đã tiếp cận tàu cá để đưa ngư dân lên tàu cấp cứu. Kíp bác sĩ tàu 561 đã hội chẩn với Bệnh viện 175 qua hệ thống truyền hình trực tuyến, xác định anh Bình bị chấn thương sọ não.

Kỳ tích cứu người từ hệ thống trực tuyến giữa bệnh xá Trường Sa với bệnh viện đất liền

Cấp cứu ngư dân Đặng Văn Bình bị chấn thương sọ não trên tàu 561.

Ngay trong đêm, tàu 561 đã đưa bệnh nhân về thị trấn Trường Sa để sáng hôm sau trực thăng chuyển bệnh nhân về Bệnh viện 175 điều trị. Do chẩn đoán chính xác và cấp cứu kịp thời nên sau một thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục.

Thuyền trưởng tàu 561 cũng cho biết, ngoài việc cứu chữa cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên biển và các đảo, tàu còn đảm đương nhiều trọng trách, đó là tổ chức thăm khám cho quân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 hai năm một lần, mỗi lần kéo dài một tháng rưỡi; phục vụ các chuyến chở các đoàn công tác ra thăm, làm việc tại Trường Sa…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!