Bị cảm lạnh khi mang thai có nên dùng thuốc?

Chuẩn bị mang thai - 11/24/2024

Hello Bacsi - Bạn bị cảm lạnh khi mang thai. Bạn băn khoăn không biết có nên uống thuốc không? Và thuốc nào là an toàn cho cả bạn và bé? Cùng tìm hiểu nhé!

Có hơn 200 loại virus gây ra những triệu chứng của cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng thường kéo dài khoảng một tuần, tuy nhiên cơn ho thì có thể kéo dài đến ba tuần.

Vì cảm lạnh thường do virus gây ra, không phải bởi vi khuẩn nên thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng chữa trị. Tuy nhiên, đôi lúc cảm lạnh cũng có thể do nhiễm khuẩn ở cổ họng, xoang, tai hoặc phổi. Lúc này mới là lúc bạn cần sử dụng thuốc kháng sinh.

Nếu các triệu chứng ngày càng trở nên tệ hơn, hoặc bạn bị sốt cao trong khi đang mang thai, bạn nên đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị nhé.

Liệu cảm lạnh có ảnh hưởng đến em bé của bạn ?

Với chứng cảm lạnh thông thường, mặc dù nó có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, nhưng không hẳn gây hại cho sức khỏe của bạn hoặc con bạn.

Vào một số thời điểm nhất định trong thai kỳ, bạn sẽ rất dễ mắc bệnh cảm lạnh. Thậm chí, bị cảm từ hai đến bốn lần trong một năm là chuyện bình thường.

Làm thế nào để biết đó là cảm lạnh, không phải cúm ?

Không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm. Cảm lạnh có thể làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi, và cảm cúm thì cũng có triệu chứng giống như vậy.

Nếu bị cảm lạnh, bạn có thể gặp các triệu chứng như: viêm họng, ho, nghẹt mũi, đau đầu hoặc sốt nhẹ. Bệnh cảm cúm thì thường đến nhanh hơn, khiến bạn sốt cao hơn và làm cho bạn cảm thấy kiệt sức.

Vì thế, nếu bạn không chắc chắn mình bị cảm hay bị cúm, hãy đi gặp bác sĩ ngay bởi vì cúm trong thai kỳ có thể gây hại cho cả bạn và em bé trong bụng đấy.

Làm thế nào để tránh bị cảm lạnh?

Cảm lạnh là bệnh khó tránh khỏi, đó là lý do cảm lạnh còn có cái tên khác là cảm mạo thường gặp. Khả năng nhiễm bệnh là rất cao nếu bạn tiếp xúc với một người bị cảm lạnh, hoặc chạm một thứ gì đó mà họ đã sử dụng như điện thoại hoặc tay nắm cửa. Ho và hắt hơi cũng có thể lây lan mầm bệnh đấy nhé.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh phải không nào, hãy cùng Hello Bacsi bảo vệ bản thân mình bằng cách:

  • Giữ khoảng cách an toàn với những người đang bị cảm lạnh nếu có thể;
  • Rửa tay với xà phòng thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc với người bị cảm lạnh;
  • Đề nghị những người xung quanh bạn khi bị bệnh hãy dùng khăn giấy che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ vào thùng rác và rửa tay sạch sẽ để tránh lây bệnh cho nhau;
  • Rửa tay sạch sẽ sau khi chạm phải bất kỳ tờ khăn giấy đã dùng nào;
  • Thường xuyên vệ sinh các bề mặt như bàn, ghế trong nhà và trong văn phòng.
  • Tránh dùng chung chén đũa với người bị cảm lạnh.
  • Tránh dùng chung khăn tắm mà hãy sử dụng khăn riêng của bạn, hoặc sử dụng khăn giấy để lau khô tay.

Ăn nhiều trái cây tươi và rau quả do chúng chứa đầy đủ các loại vitamin, có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cải thiện hệ miễn dịch của bạn. Hãy đến bác sĩ để được tư vấn về các loại thực phẩm bổ sung cho phụ nữ mang thai bạn nhé.

Dùng thảo mộc là một phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa cảm lạnh và tăng khả năng miễn dịch được rất nhiều người tin dùng. Tuy nhiên một số loại thảo mộc có thể không an toàn cho thai nhi trong bụng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thảo mộc nào bạn nhé.

Làm thế nào để điều trị cảm lạnh trong thời gian mang thai?

Thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng nhiều nếu bạn bị cảm lạnh. Vì thế, các điều trị đơn giản là hãy dành thời gian nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy mệt mỏi và uống nhiều nước để giữ cho cơ thể không bị mât nước.

Nghẹt mũi là triệu chứng không thể tránh khỏi khi bị cảm lạnh và có thể làm cho bạn cảm thấy khó chịu. Bạn có thể dùng bình xịt nước muối biển, có bán ở các hiệu thuốc, để rửa sạch bên trong mũi. Hoặc bạn có thể nhờ dược sĩ giới thiệu một liệu pháp giác hơi an toàn cho phụ nữ mang thai để trị nghẹt mũi.

Một số loại thuốc thông mũi có thể gây hại cho thai nhi do chúng làm ảnh hưởng đến tim, tai hoặc gây ra một số tổn thương dạ dày. Vì vậy, nếu bạn muốn dùng bất cứ một loại thuốc thông mũi nào trong khi mang thai, thì hãy tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi dùng.

Người Việt Nam có thói quen ra các hiệu thuốc tây để mua thuốc uống tự chữa bệnh cho mình, vì vậy bạn hãy nhờ các dược sĩ ở đó tư vấn kỹ và nói rõ các thông tin về các loại thuốc muốn mua để đảm bảo an toàn cho thai nhi trong bụng nhé.

Để làm dịu cơn ho hoặc đau họng, bạn có thể thử uống nước ấm cùng với chanh và mật ong. Súc miệng bằng nước muối cũng là một phương pháp hiệu quả đấy. Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của thuốc ho khi mang thai, bạn có thể thử một trong những loại thuốc đơn giản có thành phần chính là glycerine. Nếu bạn muốn dùng xi-rô ho hoặc viên ngậm, hãy nhờ dược sĩ giới thiệu một loại an toàn.

Bạn có thể dùng paracetamol để trị nhức đầu hoặc giảm sốt. Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc, đặc biệt là khi mang thai, và chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn thôi.

Thuốc kháng viêm cũng là một loại thuốc được dùng để hạ sốt và giảm đau nhức nhẹ do cảm cúm. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai thì nên cẩn trọng với loại thuốc này. Đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ do thuốc có thể gây hại cho em bé trong bụng. Tốt nhất là hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Nếu bạn đã dùng bất kỳ loại thuốc nào kể trên trước khi biết mình mang thai, đừng lo lắng. Những rủi ro này là rất nhỏ và em bé của bạn thường sẽ không bị ảnh hưởng đâu. Dù vậy, bạn vẫn nên kể tên các loại thuốc đã dùng cho bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn nghe để họ có thể tư vấn và trấn an bạn nhé.

Khó có thể nêu rõ sự khác biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm. Vì thể, hãy tìm hiểu kỹ về bệnh cúm, đặc biệt trong thai kỳ, để có sự chuẩn bị tốt nhất nhé bạn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!