Bế ẵm trẻ nhiều, mẹ con cùng khổ
Nhiều gia đình nghĩ rằng trẻ sơ sinh nếu đặt nằm quá dễ bị méo đầu nên rất chịu khó bế ẵm. Đấy cũng là cách thể hiện và gia tăng tình cảm với trẻ.
Việc thường xuyên bế ẵm lại khiến trẻ nhanh 'bện hơi' với người chăm sóc, đa phần là mẹ. Thực tế, việc trẻ nhỏ bám mẹ là chuyện rất bình thường trong quá trình phát triển tâm sinh lý của bé, nhưng bám mẹ đến mức mẹ 'ngạt thở' thì lại là chuyện không nên.
Không ít bà mẹ than thở chuyện con bám mẹ 24/24 khi mẹ ở nhà, con và mẹ như hình với bóng không rời. Cứ hễ bé không thấy mẹ trong tầm mắt là khóc, không được mẹ chơi cùng, bế ẵm trẻ cũng khóc, mẹ chậm xuất hiện trẻ càng khóc… Điều này khiến các mẹ chẳng thể làm những công việc khác ngoài việc ở bên trẻ mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh đó, nhiều đứa trẻ dù đã lớn (2 - 4 tuổi) vẫn bám mẹ một cách thái quá cũng cản trở sự phát triển khả năng độc lập ở trẻ. Những trẻ này dần dần sẽ mất đi sự tự tin, luôn phụ thuộc vào người khác và không thể hòa nhập với môi trường xung quanh.
Đa phần mọi đứa trẻ đều bám mẹ (Ảnh minh họa: Internet)
Giải pháp để con 'cai' mẹ
Uốn nắn khi còn nhỏ
Từ khi trẻ còn nhỏ, chính mẹ cần có thái độ rõ ràng, không nên quá quấn quýt để trẻ ỷ lại vào mẹ sau này. Bạn có thể cho bé nằm chơi một mình cùng một vài món đồ chơi yêu thích. Hạn chế việc bế ẵm cả ngày, không dám rời bé nửa bước.
Có thể đưa bé ra ngoài, gặp gỡ, chơi hay ăn cùng các trẻ khác để bé tăng cường khả năng giao tiếp với bạn cùng độ tuổi.
Sau này, khi bé lớn hơn, bạn cũng nên quy định với trẻ thời gian để trẻ tự chơi một mình. Với những việc trong khả năng bé làm được như thu dọn đồ chơi, đi dép, đi tất hay bóc vỏ bánh kẹo, bạn chỉ cần hướng dẫn và để trẻ tự làm.
Hỗ trợ từ người khác
Ngoài mẹ là người chăm sóc chính, bạn cũng nên yêu cầu sự hỗ trợ từ những người thay thế như bố, ông bà, người trông để trẻ biết rằng: 'Mình không phải chỉ có mẹ mà thôi'.
Khi đưa trẻ đến những nơi có nhiều người lạ, mẹ cũng không nên để trẻ một mình để tránh sợ hãi. Bạn có thể ở bên và giới thiệu trẻ làm quen dần dần với 'những người bạn mới' để con yên tâm hơn.
Việc này gây phiền phức cho các bà mẹ và mọi người trong gia đình (Ảnh minh họa: Internet)
Mẹ phải cương quyết
Nhiều bà mẹ vì thương con, trong quá trình cho con 'cai' mẹ thấy trẻ khóc lóc nên bỏ cuộc giữa chừng. Bạn cần thực hiện từng bước từ từ, không nên quá vội vàng đòi hỏi kết quả ngay nhưng cần cương quyết để bé có thể xây dựng tính độc lập.
Mọi đứa trẻ đều sẽ bỡ ngỡ và cú vấp ngã khiến trẻ đau đớn nhưng nếu yêu trẻ, người mẹ cần mạnh mẽ hơn vì sự trưởng thành của trẻ.
Bà mẹ 'xông pha'
Các bà mẹ thường có tâm lý sợ và ngại, ngại cho con tiếp xúc với người lạ, ngại cho con đến nơi đông người, sợ để con làm cái nọ, cái kia thì quá sức, sợ con ốm con đau…
Nếu bạn là một bà mẹ năng động thì bé cũng sẽ trở nên tự tin để học hỏi, phát triển nhiều kỹ năng khác trong cuộc sống. Bạn nên lưu ý:
- Nếu trẻ đã đến tuổi cai sữa mẹ và đi nhà trẻ, bạn không nên trì hoãn mà để trẻ thực sự bước đến giai đoạn mới.
- Thường xuyên đưa trẻ đi chơi, thăm quan như vườn thú, công viên, khu vui chơi hàng tuần để trẻ thay đổi không khí và làm quen với nhiều bạn mới.
- Chỉ nên định hướng thay vì làm thay, làm hộ cho trẻ.
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!