Cách khơi gợi suy nghĩ tích cực trong con cái P2

Tâm lý - 04/19/2024

Khi đã biết được những suy nghĩ tích cực đem lại cho trẻ ở phần 1, cha mẹ hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cách dạy con suy nghĩ tích cực nhé.

Trẻ con nếu được học hỏi từ cha mẹ cách hướng đến suy nghĩ tích cực sẽ trở nên lạc quan và mạnh mẽ hơn trước những khó khăn trong cuộc sống. Dưới đây là những bí quyết từ Hello Bacsi giúp cha mẹ, những người chăm sóc và gần gũi con nhất, dạy con cách suy nghĩ tích cực để trở thành người vui vẻ và hạnh phúc.

Cha mẹ hãy là tấm gương cho con cái

Cha mẹ càng có thái độ sống lạc quan, con của họ càng tư duy theo hướng tích cực hơn. Bạn hãy lý giải những sự kiện và tình huống xảy ra trong cuộc sống riêng của bạn một cách tích cực. Bạn hãy thể hiện những quan điểm này một cách cởi mở và thường xuyên trong các cuộc trò chuyện với con.

Ví dụ, trước ngày đầu tiên đi học của con, bạn hãy hỏi con: “Ngày mai là ngày đầu tiên đến trường, con muốn ngày đầu tiên đi học sẽ vui như thế nào?”. Nếu con bạn cảm thấy lo lắng, hãy giúp con giải tỏa: “Nếu con cứ mãi lo lắng về ngày đầu tiên đi học chỉ làm cho con cảm thấy sợ hơn thôi. Tại sao mẹ con mình không nghĩ về những niềm vui và những điều tốt đẹp có thể xảy ra ở trường vào hôm đó nhỉ?”. Trẻ càng được luyện tập và áp dụng những “kỹ năng tâm lý” này sớm, trẻ càng có xu hướng suy nghĩ tích cực nhiều hơn.

Cha mẹ nên thừa nhận những vấn đề và khó khăn đang xảy ra

Suy nghĩ tích cực không có nghĩa là gạt bỏ những thứ tiêu cực. Nếu con của bạn đang hồi phục do bị gãy tay, bạn hãy thừa nhận sự đau đớn mà con phải chịu đựng: “Mẹ hiểu là cánh tay bị gãy làm con thấy đau và khó chịu như thế nào”. Sau đó, bạn hãy thay đổi cảm xúc tiêu cực đang bao trùm bằng cách nói với con: “Nếu chúng ta cứ mãi nghĩ về cánh tay bị đau của con chỉ mãi làm mẹ con mình buồn thôi. Tại sao mẹ con mình không nghĩ đến những thứ vui hơn, hay mẹ con mình cùng chơi trò đóng kịch nhỉ?” Kỹ thuật thay đổi xu hướng suy nghĩ lạc quan hơn  này giúp trẻ mạnh mẽ và kiên cường hơn.

 Cuối cùng, Hello Bacsi muốn bạn hiểu rằng tư duy tích cực là một thái độ sống nhìn nhận các tình huống theo hướng xây dựng. Trẻ em năm tuổi đã có thể nắm bắt được khái niệm tư duy tích cực là gì, trong khi trẻ càng lớn sẽ càng hiểu được ý nghĩa của việc suy nghĩ tích cực. Do đó, khi được nuôi dưỡng đúng cách, suy nghĩ tích cực là một công cụ để trẻ đương đầu và trở nên mạnh mẽ và kiên cường. Cha mẹ có thể khuyến khích con tư duy theo hướng tích cực hơn khi tự trở thành tấm gương để con noi theo. Bạn cũng đừng quên thừa nhận một tình huống tiêu cực hay cảm giác tiêu cực mà con có và giúp con nhìn nhận sự việc, tình huống đang gặp phải theo hướng tích cực và hiệu quả hơn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!