Chia sẻ tại hội thảo Tâm tình mẹ đơn thân cuối tuần qua, Thạc sĩ xã hội học, tâm lý học Trần Đình Dũng cho rằng hiện nay khái niệm mẹ đơn thân không chỉ gói gọn ở khía cạnh vật lý là vì hoàn cảnh nào đó mà không có chồng bên cạnh, phải nuôi con một mình. Đứng trên quan điểm của xã hội học, mẹ đơn thân còn bao gồm cả chị em sống trong một gia đình có đầy đủ vợ chồng nhưng ông xã không quan tâm để ý đến gia đình, việc chăm sóc con cái là ‘của vợ tất’.
Nuôi dạy con vốn là một công việc vô cùng khó khăn đối với các bậc cha mẹ. Mức độ khó khăn sẽ tăng lên gấp đôi nếu bạn là mẹ đơn thân. Là mẹ đơn thân có nghĩa bạn phải ‘hai trong một’: Hiền dịu và tình cảm như mẹ, mạnh mẽ và lý trí như cha.
1. Mẹ hãy yêu thương bản thân mình
Ảnh minh họa
Trong một cuộc điều tra xã hội học do ông Dũng tiến hành, 92% số bà mẹ đơn thân được hỏi nói rằng mối quan tâm lớn nhất của họ là con cái. Quan tâm đến con cái là điều rất tốt, tuy nhiên ông Dũng cho rằng, chị em cũng cần phải quan tâm đến bản thân mình, hãy yêu quý và chiều chuộng bản thân mình hơn. Vốn là con của một người mẹ đơn thân, ông Dũng từng rất mong chờ mẹ mình được vui vẻ, nhiệt huyết với cuộc sống, thậm chí đi bước nữa. Bởi vì khi người mẹ vui vẻ, đứa con cũng được hưởng lây tinh thần tích cực từ người mẹ.
Ông Dũng thừa nhận rằng, đàn ông bản chất vốn là đứa con nít sống lâu năm, vì vậy phụ nữ không nên trông chờ vào đàn ông quá nhiều mà hãy học cách tự yêu thương bản thân mình. Theo ông có nhiều cách để phụ nữ yêu thương mình hơn, như có tư duy tích cực với cuộc sống; không nên suy nghĩ và hành động một cách thụ động mà hãy chuẩn bị tinh thần đón nhận các tình huống của cuộc sống. Mẹ hãy mở rộng và nuôi dưỡng các mối quan hệ; không nên dành hết tiền bạc cho con, hãy dành một phần nhất định cho bản thân mình.
2. Không dùng vật chất để bù đắp sự thiếu thốn tình cảm cho con cái
Rất nhiều bà mẹ đơn thân đi vào vết xe đổ là dùng vật chất để bù đắp lại sự thiếu thốn tình cảm người cha cho con. Theo ông Dũng và Thạc sĩ xã hội học Trần Minh Trọng, điều này là hoàn toàn không nên. Tình cảm và vật chất là hai khái niệm không tương đồng. Thiếu tình cảm thì chỉ có thể bù đắp bằng tình cảm, cũng như thiếu thời gian phải bù đắp bằng thời gian. Mẹ hãy cho con thứ mà cuộc đời không thể mang lại cho con, đó chính là tình thương.
Mỗi ngày mẹ hãy dành khoảng một giờ cho con. Đây là thời gian thuần túy chơi đùa và tâm sự của hai mẹ con, không phải là lúc mẹ ép con ăn, mẹ ép con học bài… Trong một giờ đồng hồ đó, mẹ nên tâm tình với con về những vấn đề trong cuộc sống.
3. Dạy con cách bảo vệ mình trước cuộc sống
Trẻ em từ 1-18 tuổi đâu cần phải bảo vệ người khác ngoài chính bản thân các bé. Mẹ không cần phải dạy con những vấn đề đao to búa lớn, trở thành người này người kia trong xã hội, cái đó cuộc sống sẽ dạy con. Mẹ chỉ cần dạy con cách tự bảo vệ mình trước cuộc sống và dạy con từ những câu chuyện rất nhỏ nhặt. Khi con còn tuổi mầm non, con đánh răng mỗi ngày không phải để khỏi bị ‘Ông Ba Bồ’ nào đó bắt, mà đơn giản để răng con không bị sâu, con không bị đau miệng. Khi con chuẩn bị bước vào tuổi teen, con đã có những khoảng thời gian ra ngoài mà không có mẹ bên cạnh, mẹ hãy dạy con tìm chỗ đi vệ sinh nơi công cộng; hãy dạy con gái biết đề phòng trước người lạ, không phải tất cả các chú các bác ôm hôn con đều là người yêu quý con, hãy biết lảng tránh bằng cách giả vờ ra ngoài uống nước…
Tùy từng lứa tuổi của con, mẹ hãy học cách buông tay ra, để con tự bảo vệ mình trước cuộc sống. Ngay từ bé, hãy cho con đi ra ngoài nhiều hơn, có thể thả con một mình trong công viên, mẹ không ở sát bên cạnh mà đứng từ xa theo dõi con.
4. Mẹ không nhất thiết phải biết làm những việc của đàn ông
Ảnh minh họa
Chị Phương Thảo, mẹ của hai cậu con 3 và 5 tuổi tâm sự rằng, ở lứa tuổi mầm non, con chị chưa phát sinh những vấn đề lớn của cánh đàn ông nhưng các bé cũng ham thích những trò chơi nam giới như đá banh… và chị đã phải tự học để dạy con mình. Tuy nhiên, theo ThS. Trần Đình Dũng, những người mẹ đơn thân không nhất thiết phải mạnh mẽ như chị Thảo, các mẹ có thể tìm những trường dạy cho bé những trò của con trai, tìm những nơi uy tín có thể cung cấp cho bé những kiến thức mà lẽ ra người bố có thể dạy bé.
Ông Dũng cũng nói thêm, tư duy của đàn ông là ‘mục tiêu và điểm đến’, đàn ông quan tâm đến kết quả, trong khi tư duy của phụ nữ là quá trình. Khi nuôi dạy con trai, mẹ nên chú ý đến đặc điểm tư duy này của con. Dạy bất cứ vấn đề nào với con trai, mẹ hãy nói về mục đích trước rồi hãy diễn giải làm sao để đạt được mục đích đó.
5. Hãy biết kiềm chế
Một bà mẹ đơn thân có con trai 2 tuổi kể, một buổi tối, con trai chị đã đổ nước làm ướt hết tấm nệm. Chị rất bực mình, quát bé nhưng sau đó chị đã kiềm chế được và yêu cầu bé đi thu dọn ga, nệm. Đương nhiên, một đứa trẻ 2 tuổi không thể thực hiện mọi việc một cách trơn tru như người lớn nhưng nhờ cách đó chị đã tránh cho hai mẹ con khỏi một cuộc ‘chiến tranh ầm ĩ’ đồng thời bé cũng hiểu được hậu quả do sự nghịch ngợm của mình.
Rất nhiều bà mẹ đơn thân trong hội thảo cũng đồng tình rằng, khi nuôi dạy con cái, mẹ phải biết kiềm chế, kiềm chế cả khi phạt lẫn khi khen thưởng. Thực tế, rất nhiều mẹ đơn thân vì hận bố của bé đã ‘giận cá chém thớt’ lây sang bé, chỉ một sai sót nhỏ của bé cũng khiến mẹ nổi cơn tam bành, hoặc ngược lại, mẹ muốn bù đắp sự thiếu hụt người cha đã khen thưởng con quá tay. Cả hai thái độ này đều không tốt cho sự phát triển của bé, hoặc là bé sẽ bị tổn thương, chai lỳ hoặc là bé sẽ nhõng nhẽo, đòi hỏi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!